Đâu rồi doanh nghiệp điện tử Việt Nam?
Quốc Hùng
Lắp ráp loa tại một doanh nghiệp. Ảnh: Kinh Luân |
(TBKTSG) - Làm thế nào để ngành điện tử Việt Nam trở thành một trong hai ngành công nghiệp chủ lực như quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt?
Trước năm 1990, một loạt doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Điện tử Tin học Việt Nam như Viettronics Tân Bình, Viettronics Thủ Đức, Viettronics Biên Hòa, Công ty Hanel (Hà Nội)… ra đời. Nay họ ở đâu mà ngành điện tử Việt Nam hầu như chỉ có các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò chủ chốt?
Chính sách “chỏi” nhau
Nếu trước năm 1996, ngành điện tử Việt Nam còn chưa có sản phẩm xuất khẩu thì đến nay đã có hàng triệu sản phẩm xuất khẩu đi hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2013, theo Tổng cục Thống kê, ngành điện tử đã vượt qua ngành may mặc trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt khoảng 32,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 57% so với năm 2012.
Tuy nhiên thành tích này chủ yếu từ sự đóng góp của doanh nghiệp FDI. Cụ thể, khoảng 23 tỉ đô la Mỹ thu được từ hoạt động xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện điện thoại của Samsung cùng một số doanh nghiệp nước ngoài khác. Còn lại gần 10 tỉ đô la Mỹ là từ xuất khẩu các linh kiện điện tử khác và máy tính (cũng chủ yếu từ các doanh nghiệp FDI).
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, số lượng doanh nghiệp Việt Nam trong ngành điện tử khá nhiều, nhưng tiềm lực tài chính và công nghệ hạn chế nên rất khó cạnh tranh. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài hiện chiếm hơn 80% thị trường trong nước và hơn 95% kim ngạch xuất khẩu.
Trước sự đầu tư ồ ạt của các công ty điện tử hàng đầu khu vực và thế giới như Samsung, LG, Panasonic, Sanyo, Canon... các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI về công nghệ, giá cả, trong bối cảnh hàng điện tử nhập khẩu nguyên chiếc tràn ngập thị trường.
Hiện phần lớn doanh nghiệp Việt Nam trong ngành đang gia công, lắp ráp sản phẩm dân dụng, chủ yếu là ti vi, đầu karaoke, tủ lạnh… với hình thức nhập linh kiện và lắp ráp để cung ứng cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu được bán cho người dân vùng sâu, vùng xa, vì không cạnh tranh được với các sản phẩm của nhiều hãng nước ngoài. Thậm chí nhiều sản phẩm điện tử nhập nguyên chiếc còn rẻ hơn cả hàng lắp ráp trong nước do thuế nhập khẩu các mặt hàng điện tử nguyên chiếc từ các nước ASEAN hiện chỉ 0% hoặc 5% theo lộ trình AFTA.
Tan giấc mơ chuyển giao công nghệ
Sau gần 30 năm phát triển đến nay, với thị trường quy mô 90 triệu dân, các doanh nghiệp điện tử trong nước vẫn chưa chế tạo được những linh kiện điện tử tiêu chuẩn, mà chỉ làm được hộp giấy các tông và một số sản phẩm đơn giản khác.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đã để vuột thời cơ phát triển ngành công nghiệp điện tử cơ bản và hiện vẫn còn ở vạch xuất phát. Ngành điện tử và một số ngành công nghiệp phụ trợ, tự động hóa đã và đang dần mất đi những tên tuổi của doanh nghiệp Việt.
Ở thời kỳ đầu mở cửa thị trường (khoảng năm 1995-1998), nhiều liên doanh giữa những tập đoàn điện tử nước ngoài và các doanh nghiệp điện tử Việt Nam lần lượt ra đời, mở ra triển vọng mới cho công nghiệp điện tử Việt Nam... Bốn thương hiệu lớn đầu tiên của Nhật Bản thiết lập các liên doanh, trong đó, Sony và JVC liên doanh với Viettronics Tân Bình, Panasonic liên doanh với Viettronics Biên Hòa, Toshiba liên doanh với Viettronics Thủ Đức.
Đối với phía Việt Nam, mục đích liên doanh là để ngành công nghiệp điện tử trong nước học hỏi cách quản lý, được chuyển giao công nghệ…, để về sau có thể lớn mạnh, tự sống được. Tuy nhiên, các doanh nghiệp điện tử của Nhật Bản đến Việt Nam trong thời gian đó hoạt động chủ yếu là mở nhà máy lắp ráp sản phẩm đầu cuối để lách chính sách thuế nhập khẩu. Do Nhà nước thiếu cơ chế giám sát và ràng buộc về việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm nên lợi nhuận chủ yếu chảy vào túi đối tác nước ngoài, còn doanh nghiệp điện tử Việt vốn non trẻ thì đuối dần.
Kết cục, sau khi chấm dứt liên doanh, đối tác phía Việt Nam dần tàn lụi. Đến nay, gần như không còn thương hiệu điện tử Việt Nam, có chăng chỉ là các doanh nghiệp đặt hàng sản xuất rồi dán nhãn Việt Nam, bán ra thị trường.
Không thể trực tiếp sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng không đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu điện tử lớn đang có nhà máy tại Việt Nam. Chẳng hạn, một nguồn tin cho biết hiện chỉ có bốn doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cho Samsung, mà cũng chỉ cung cấp những sản phẩm đơn giản như bao bì, dịch vụ in ấn với giá trị không cao. Đa số các nhà cung cấp còn lại đến từ Hàn Quốc và những nước xung quanh hoặc một số công ty liên doanh giữa đối tác nước ngoài và Việt Nam. Không riêng Samsung mà nhiều hãng điện tử quốc tế khác có nhà máy ở Việt Nam cũng đang gặp vấn đề này.
Còn cơ hội nào không?
Các chuyên gia cho rằng với sự tham gia đầu tư ngày càng nhiều của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực điện tử ở Việt Nam, về lâu dài những nhà đầu tư này sẽ rất cần các nhà cung cấp trong nước để giảm giá thành sản phẩm và đáp ứng nhanh nhu cầu sản xuất. Mặt khác, nếu trở thành nhà cung cấp các nhà máy sản xuất của các hãng điện tử quốc tế tại Việt Nam, các nhà cung cấp trong nước còn có cơ hội mở rộng hệ thống cung cấp cho nhà máy của các hãng này trên toàn cầu nếu giá cả cạnh tranh.
Tuy nhiên việc đầu tư cho ngành này đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn và kỹ thuật cao, trong khi phần lớn doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực này có quy mô nhỏ và vừa, ít vốn và thiếu kinh nghiệm.Giải pháp mà các chuyên gia đưa ra là các doanh nghiệp trong nước nên hợp tác liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm và tích lũy dần. Mặt khác, Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi cần thiết cho khối doanh nghiệp công nghiệp để hỗ trợ ngành điện tử.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia trong ngành, thay vì “sống chết” để phát triển công nghiệp điện tử, Việt Nam có thể chọn con đường ngắn hơn, phù hợp với khả năng vốn có, chẳng hạn liên kết phát triển phần mềm, thiết kế vi mạch,… Lĩnh vực này chủ yếu cạnh tranh chất xám, không cần đầu tư lớn, công nghệ tin học lại phát triển rất nhanh, các doanh nghiệp có thể bắt kịp mà không cần phải có nền tảng từ quá khứ.