Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đâu rồi người làm ruộng!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đâu rồi người làm ruộng!

Ruộng lúa nhà ông Chín Dẩu sau khi thu hoạch vụ đông – xuân. Mỗi năm ông chỉ làm một vụ – Ảnh: NGỌC THU

(TBKTSG Online)- Bên cạnh cơn lốc đô thị cắt dần đất nông nghiệp, mưa nắng thất thường và những đợt bão giá cũng đẩy nhiều nông dân đến chỗ “thà làm mướn còn có ăn hơn làm ruộng”.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên-Môi trường, trong 7 năm qua (2001-2007), có trên 500.000 héc ta đất nông nghiệp bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp, phục vụ cho mục đích đô thị hóa và công nghiệp hóa. Tính bình quân, đất nông nghiệp mất đi trên 73.000 héc ta/năm, trong đó gần 80% là đất chuyên canh lúa.

Chỉ tính riêng trong năm 2007, diện tích đất trồng lúa cả nước đã giảm 125.000 héc ta. Nhưng con số thực tế có lẽ lớn hơn vì mỗi vụ lúa đi qua lại có thêm những mảnh ruộng bị bán hoặc bỏ hoang vì người nông dân “hết chịu trận nổi” với thất bát, hụt vốn, làm cực mà thiếu ăn…

Làm một công ruộng chỉ đủ 2 người ăn

Từ TPHCM qua phà Cát Lái là huyện Nhơn Trạch, nơi đã được quy hoạch trở thành một thành phố mới của tỉnh Đồng Nai. Khoảng một năm trở về trước, đi dọc đường Hương lộ 19, dễ nhìn thấy những đồng lúa đương mạ hoặc trĩu bông hai bên đường. Nhưng nay, trong lúc những khu tái định cư, phố chợ, trạm xăng… đua nhau mọc lên thì bức tranh đồng quê ấy cũng mất dần mặc dù dải dân cư dọc Hương lộ 19 theo quy hoạch của thành phố mới vẫn là khu dân cư nông thôn.

Chúng tôi rẽ vào một xóm nhỏ thuộc xã Vĩnh Thanh khi trời chiều đã kéo mây đen kịt. Mỗi hộ dân ở đây đều có ít nhất một công ruộng (1.000m2) trên phía gần khu du lịch Bò Cạp Vàng nhưng hỏi ra thì chỉ có bà Tư đang chuẩn bị làm vụ lúa hè – thu.

Huyện Nhơn Trạch có cù lao Ông Cồn rộng hơn 700 héc ta, trước đây là vùng chuyên canh trồng lúa, đất phì nhiêu mỗi năm trồng được 3 vụ. Theo lời người dân Nhơn Trạch thì chỉ riêng cù lao Ông Cồn cung cấp đủ gạo cho cả tỉnh Đồng Nai.

Nhưng mấy năm nay, hơn 700 héc ta đất màu mỡ ấy đã bị thu hồi để làm khu du lịch sinh thái. Kể từ đó, thương lái gạo vùng này phải đưa gạo từ miền Tây về mới đủ cung ứng.

Hiện khu đất đang được tiến hành san lấp. Nông dân cù lao Ông Cồn lúc đầu được đền bù 29,4 triệu đồng/công ruộng, nay tăng thêm 10 triệu đồng, lên 39,4 triệu đồng/công. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn gần 20% nông dân chưa chịu nhận tiền.

Bà Tư cho biết mấy ngày nay đang nghe ngóng xem những ruộng bên cạnh đã làm chưa thì mới làm cùng để mướn máy cày chung (mỗi công ruộng trung bình cày một tiếng, nên ruộng ít và riêng lẻ thì khó mướn cày). Vụ đông – xuân bà không làm vì trước đó bị thất mùa lỗ vốn, nhưng thấy vừa rồi sốt gạo nên bà quyết định làm vụ này, cốt chỉ để không phải đi mua gạo.

Trước tình hình giá phân bón, xăng dầu… tăng vọt, bà Tư không khỏi lo ngại nhưng tự trấn an rằng giá lúa cũng tăng: “Mấy vụ trước một giạ lúa (22kg) giá từ 60-70 đến 80-90 ngàn đồng, nhưng vụ rồi nghe nói lên đến hơn 100 ngàn đồng/giạ”.

Một vụ trung bình bà Tư thu hoạch được 13-14 giạ lúa, nếu mưa thuận gió hòa. Trang trải chi phí phân bón, xăng dầu, thuốc trừ sâu, nhân công… còn lại được khoảng 5-6 giạ, chỉ đủ gạo cho hai mẹ con ăn trong sáu tháng. Nếu một năm làm được hai vụ thì yên tâm phần gạo, còn thức ăn và các khoản chi tiêu khác thì… đụng gì làm nấy để có thêm thu nhập.

Nhưng đó là tính theo thời giá của hơn nửa năm trước, khi giá một bao phân DAP chỉ trên dưới 400.000 đồng/bao (50kg). Còn trong mấy tháng tới, nếu giá lúa không theo kịp giá phân bón, xăng dầu… vốn đã tăng gấp hai, gấp ba (phân DAP đã lên tới 1,4 triệu đồng/bao), kết quả sẽ là thiếu ăn, chưa nói đến rủi ro từ ông trời.

Khoảng một năm nay, những nhà khác trong xóm đều bỏ đi làm công nhân hoặc làm mướn, còn ruộng thì cho thuê, mỗi công lấy một bao lúa (2 giạ)/vụ. Những người thuê ruộng phần lớn là gia đình đông người, canh tác nhiều để lấy công làm lời.

Thời buổi này ai còn làm ruộng!

Trời mưa tầm tã mãi đến tối mới dứt hạt. Chúng tôi rời Nhơn Trạch với lời hứa của anh Hai Có, một phó chủ tịch hội nông dân xã, rằng sẽ cho số điện thoại của 1-2 nông dân canh tác từ một héc ta lúa trở lên để chúng tôi có thể hỏi chuyện lời lỗ bán lúa. Một ngày trôi qua, anh báo lại: “Người có điện thoại thì đã hết làm ruộng, người còn làm ruộng thì không có điện thoại!”. Chúng tôi lại một lần nữa đi tìm nông dân trồng lúa.

Ông Chín trữ lại hết 100 giạ lúa vì sợ “bán rồi không mua lại nổi” – Ảnh: NGỌC THU

Sau một hồi rà soát tới lui, anh Hai Có đưa chúng tôi đến gặp ông Chín Dẩu, một lão nông kỳ cựu nay đã 68 tuổi mà vẫn còn bám ruộng.

Ông Chín có hơn một héc ta ruộng ngay mé trước nhà, luôn ngập nước từ sông Đồng Nai dẫn vào nên bớt được khoản bơm nước, lại không phải tốn công cày bừa, thu hoạch xong cứ để gốc rạ mục thành phân bón đất cho vụ sau. Thế mà nói tới chuyện làm ruộng, ông cũng lắc đầu: “Trồng lúa không có ăn. Mần ruộng ngán lắm, chủ yếu nhờ trời cho, mà bây giờ cái gì cũng lên giá. Người ta bỏ đi làm mướn hết chứ đâu ai làm ruộng nữa. Bây giờ đi thuê nhân công làm ruộng cũng khó nữa”.

“Trước kia tui làm 2-3 vụ/năm nhưng nhiều khi ông trời không thương, bà con vác cộ tới thấy lúa không được bao nhiêu lại vác cộ về. Tui chịu đựng mấy năm thì hết xiết”, ông Chín kể (cộ là dụng cụ đập lúa, vào vụ thu hoạch, bà con xung quanh tới làm phụ, 12 thúng lúa ăn công 2 thúng).

Nay để chắc ăn, mỗi năm ông Chín chỉ làm một vụ, làm ít thì đất tốt, đỡ tốn phân bón, lại cho năng suất cao hơn. Vụ đông – xuân vừa rồi ông được mùa, chỉ làm 5 công mà thu hoạch được 100 giạ lúa (hơn 2 tấn). Ông cho biết chi phí chủ yếu là 2 bao phân u rê, giá lúc đó là 400.000 đồng/bao (50kg), và nửa bao phân DAP, giá khoảng 700.000 đồng/bao. Nếu bán theo giá lúa 100.000 đồng/giạ thì ông Chín lời được hơn 8 triệu đồng nhưng ông không bán.

Nhà có 4 miệng ăn mà ông trữ lại hết 100 giạ lúa, trong khi lúa ăn từ vụ trước vẫn còn dư khoảng 20 giạ. Ông giải thích: “Thấy cơn sốt gạo vừa rồi mà lo, tui cứ trữ lúa cho chắc. Bán rồi sợ mai mốt mua không nổi. Có gạo sẵn thì ăn cháo, ăn rau gì cũng được”.

Thấy giá phân bón, xăng dầu… tăng ào ào, ông sợ mai mốt làm không nổi nữa, hoặc có làm cũng không lợi được bao nhiêu. Hơn nữa, ông Chín đã bán mảnh ruộng ấy cho người thành phố và tranh thủ lúc chủ mới chưa làm gì, ông trồng thêm vài vụ lúa để trữ sẵn gạo cho yên tâm lúc tuổi già.

Theo anh Hai Có, hội nông dân vẫn thường xuyên giới thiệu và cấp phát giống mới, báo động sâu rầy, hướng dẫn cách phòng chống và hỗ trợ vay vốn nhưng nông dân cứ xa dần đồng ruộng, có làm chăng chỉ để nhà có gạo ăn như bà Tư, ông Chín. Nông dân vay vốn chăn nuôi nhiều hơn làm lúa, số đông khác tiếc ruộng hoang thì chuyển qua trồng sen lấy ngó vì tính ra lợi gấp hai lần trồng lúa.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã đưa ra số liệu cảnh báo: mỗi năm dân số tăng xấp xỉ 1,3%, trong khi diện tích canh tác giảm 1%. Tính ra, đất nông nghiệp trên bình quân đầu người sẽ giảm từ 0,113 héc ta (năm 2000) xuống còn 0,108 héc ta (năm 2010) (mức bình quân của thế giới hiện nay là 0,23 héc ta).

Qua điều tra của Bộ NN & PTNT tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm về thu hồi đất cho thấy, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chiếm khoảng 89%, hầu hết là đất lúa thuộc diện phì nhiêu, màu mỡ, có năng suất cao.

Ngày 18-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc rà soát, kiểm tra thực trạng quản lý quy hoạch, kế hoạch và sử dụng đất 5 năm (2006-2010) trên địa bàn cả nước, trong đó tập trung vào đất nông nghiệp nói chung và đất lúa nói riêng.

Theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2005 đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 2-2007, thì diện tích đất trồng lúa của cả nước là 4.165.277 héc ta và 60% số đó thuộc 24 tỉnh của 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Bắc bộ. Hiện nay, Bộ NN & PTNT đang xây dựng đề án về chiến lược bảo đảm an ninh lương thực, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8-2008. Theo đó, yêu cầu đặt ra trước tiên là bảo đảm diện tích lúa ít nhất là 3,8 – 4 triệu héc ta

.

NGỌC THU 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới