Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dầu thô tăng giá vì tín hiệu cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá dầu thô trên thị trường quốc tế kết thúc tuần này ở mức cao hơn so với tuần trước do các tín hiệu về khả năng cắt giảm sản lượng dầu thô của liên minh OPEC+, bao gồm các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bên ngoài.

Dù cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận với Iran đang tiến triển tốt, giới phân tích cho rằng Iran chưa thể tăng xuất khẩu dầu trong năm nay để giải tỏa bớt tình trạng nguồn cung dầu thắt chặt.

OPEC và các đồng minh đang đạt được sự đồng thuận cao về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô trong thời gian tới để ứng phó với các thách thức trên thị trường. Ảnh: Reuters

Kết thúc phiên phiên giao dịch hôm 26-8, giá dầu Brent kỳ hạn ở thị trường London giao sau tăng 1,65 đô la lên 100,99 đô la/thùng. Giá dầu thô kỳ hạn Tây Texas (WTI) ở New York tăng 54 cent lên 93,06 đô la/thùng. Tính cả tuần, dầu Brent đã tăng 4,4% trong khi đó dầu WTI tăng 2,5%.

Giá dầu tăng sau khi các thông tin cho thấy nội bộ OPEC+ ngày càng đồng thuận cao về khả năng cắt giảm sản lượng trong thời gian tới.

Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz bin Salman tuyên bố OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng dầu để bù đắp việc các thùng dầu của Iran quay trở lại thị trường nếu Tehran đạt được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây.

Ông nói đà sụt giảm giá gần đây của dầu thô do tính thanh khoản yếu trên thị trường tương lai và các lo ngại về kinh tế vĩ mô toàn cầu. Ông nhấn mạnh OPEC+ có công cụ và sự linh động để ứng phó với các thách thức trên thị trường dầu.

Ông cho biết thêm giá dầu giảm dựa trên thông tin không có cơ sở về “sự phá hủy nhu cầu” và sự nhầm lẫn xung quanh các lệnh trừng phạt, cấm vận và áp trần giá dầu của phương Tây nhằm vào Nga. Trong khi đó, ông ghi nhận rủi ro gián đoạn nguồn cung vẫn ở mức cao và công suất khai thác dầu dự phòng toàn cầu rất mỏng.

Trong nhiều tuần trước đó, giá dầu trên thị trường quốc tế liên tục giảm với giá dầu Brent rơi từ mức 120 đô la xuống còn 95 đô la/thùng do giới đầu tư lo ngại cỗ máy kinh tế Trung Quốc suy yếu và cơn suy thoái tiềm tàng ở thế giới phương Tây.

Sau tuyên bố trên của ông Abdulaziz bin Salman, các nước thành viên khác của OPEC+, bao gồm Iraq, Venezuela và Kazakhstan cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc OPEC+ sẵn sàng can thiệp và khôi phục sự cân bằng của thị trường.

Hôm 26-8, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trở thành thành viên mới nhất của OPEC+ bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của Saudi Arabia về thị trường dầu thô.

Liên minh OPEC+ do Saudi Arabia và Nga đứng đầu đã đồng ý tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 khi họ rút lại hoàn toàn mức cắt giảm 10 triệu thùng/ngày được thực hiện vào tháng 5-2020 để ứng phó cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Đầu tháng này, OPEC+ đồng ý nâng hạn ngạch sản xuất thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9 do họ phải đối mặt với áp lực từ những nước tiêu thụ nhiều dầu bao gồm Mỹ.

Chỉ có Saudi Arabia và UAE được cho còn công suất khai thác dầu dự phòng và đủ khả năng tăng sản lượng một cách có ý nghĩa.

“Dường như Saudi Arabia không sẵn sàng chịu chấp nhận để giá dầu trượt xuống dưới 90 đô la/thùng. Các nhà đầu cơ có thể xem đây như cơ hội để đặt cược vào khả năng tăng giá hơn nữa mà không cần phải lo sợ bất kỳ sự sụt giảm giá rõ rệt nào", Ngân hàng Commerzbank nhận định trong một báo cáo.

Dù giá dầu Brent đã hạ nhiệt so với mức đỉnh 139 đô la/thùng thiết lập hồi tháng 3, tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu trên toàn cầu vẫn chưa được giải quyết. Hôm 26-8, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) cho biết trong 7 ngày trước 24-8, các nhà quản lý tiền tệ đã nâng các vị thế nắm giữ ròng đối với hợp đồng quyền chọn và hợp đồng mua dầu thô WTI dài hạn lên 179.039 hợp đồng, tăng  24.215 hợp đồng so với tuần trước đó.

Hiện tại, thị trường đang chú ý đến kết quả đàm phán thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Thỏa thuận hạt nhân này, có tên gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đóng vai trò rất quan trọng để chấm dứt các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran và cho phép Tehran trở lại thị trường xuất khẩu dầu hợp pháp.

Các cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc toàn cầu, do EU dẫn đầu, đã kéo dài 20 tháng kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Người tiền nhiệm của Biden, Donald Trump đã hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran vào 2018 và đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Gần đây, Iran đã thực hiện một số nhượng bộ để cố gắng khôi phục thỏa thuận. Nước này đã từ bỏ yêu cầu Mỹ loại bỏ Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khỏi danh sách các tổ chức khủng bố .

Iran cũng thôi phản đối Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA) kiểm tra các địa điểm ở Iran được cho là có liên quan đến việc làm giàu uranium.

Hôm 28-8, Iran cho biết các cuộc trao đổi qua lại với Mỹ cho biết về đề xuất của EU nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân sẽ kéo dài đến đầu tháng sau.

Một quan chức châu Âu giấu tên nói ngay cả khi Washington và Tehran đồng ý khôi phục thỏa thuận hạt nhân, việc thực thi nó sẽ là một thách thức, ngụ ý rằng việc Iran quay trở lại thị trường dầu mỏ sẽ mất nhiều tháng.

Theo Platts Analytics, một bộ phận của S&P Global Commodity Insights, bất kỳ thỏa thuận nào với Iran cũng chưa thể giúp tăng cường nguồn cung dầu toàn cầu trong năm nay. Theo cuộc khảo sát hàng tháng của Platts Analytics, sản lượng dầu của Iran ở mức khoảng 2,58 triệu thùng/ngày trong 4 tháng tính đến tháng 7.

Trong một báo cáo hồi giữa tháng này, Platts Analytics nhận định nếu như một thỏa thuận hạt nhân tạm thời với Iran đạt được vào cuối năm 2022, điều này sẽ giúp nguồn cung dầu của Iran tăng thêm 500.000 thùng/ngày trong quí đầu tiên của năm 2023. Hiện tại, Platts Analytics nhận định xuất khẩu dầu của Iran vẫn giữ nguyên ở mức 800.000 thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm 2022 và đến cuối năm 2023.

Theo Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới