(KTSG Online) - Quốc lộ 1, đoạn từ Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An và quốc lộ 22, đoạn từ nút giao An Sương đến Vành đai 3 được đề xuất nâng cấp, mở rộng lên 10 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỉ đồng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
- Bộ GTVT đề xuất giải pháp gỡ khó khăn dự án BOT thua lỗ
- TPHCM: các phương án giá vé khi mở rộng quốc lộ 1
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT), hai dự án này nằm trong 5 dự án nâng cấp, mở rộng cửa ngõ thành phố theo hình thức BOT mà nghị quyết 98 cho phép TPHCM thí điểm. Hiện tại, sở đang chịu trách nhiệm soạn thảo báo cáo nghiên cứu để đánh giá khả năng thực hiện dự án theo hình thức BOT.
Quốc lộ 1 là tuyến đường huyết mạch kết nối với các tỉnh miền Tây với tổng chiều dài của tuyến đường này ước tính khoảng 9,6 km. Hiện tại, tuyến đường có 12 điểm giao cắt, trong đó 3 nút giao liên thông nhưng vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Việc các xe máy, xe thô sơ phải lưu thông chung làn với xe lớn trên những đoạn đường có bề rộng hạn chế không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, không đảm bảo an toàn.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phương án mở rộng quốc lộ 1 được đề xuất thành 3 đoạn chính với quy mô khác nhau. Đoạn từ cuối nút giao An Lạc đến cuối nút giao Tân Kiên (1,5km) sẽ được nâng cấp và mở rộng lên 60m với 12 làn xe.
Tiếp theo, đoạn từ cuối nút giao Tân Kiên đến nút giao Vành đai 3 (7km) cũng sẽ được mở rộng lên 60m với 12 làn xe. Cuối cùng, đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến ranh giới tỉnh Long An (0,8km) sẽ có quy mô 60m với 10 làn xe.
Bên cạnh phương án trên, báo cáo nghiên cứu còn có phương án đường trên cao với quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư cho phương án 1 là 15.897 tỉ đồng còn phương án 2 có kinh phí cao hơn, khoảng 18.476 tỉ đồng.
Theo đó, Sở GTVT, việc mở rộng quốc lộ 1 sẽ giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Tây thành phố, giảm thiểu tai nạn giao thông, đồng thời nâng cao hiệu quả của các dự án giao thông khác như cao tốc Bắc-Nam và các tuyến vành đai.
Ngoài quốc lộ 1, TPHCM cũng đang đề xuất nâng cấp và mở rộng, đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3, là trục giao thông chính kết nối thành phố Hồ Chí Minh với cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh.
Với bề rộng 36-40m và cấu trúc hai làn ô tô, một làn xe máy mỗi bên, tuyến đường hiện nay không còn đáp ứng được nhu cầu giao thông ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án mở rộng có ba phương án được đề xuất gồm phương án xây dựng cầu vượt, phương án xây dựng hầm chui và phương án xây dựng cầu cạn. Tổng mức đầu tư cho 3 phương án lần lượt là 8.414 tỉ đồng, 10.001 tỉ đồng và 11.871 tỉ đồng.
Tư vấn đề xuất vốn thực hiện dự án sẽ có 59,81% từ vốn ngân sách, vốn BOT là 40,19%. Mức thu phí giao động từ 2.100 đồng/km với làn tốc độ cao và 1.400 đồng/km đối với làn giao cắt.