(KTSG Online) – Các địa phương miền Trung như Bình Định, Quảng Nam và Đà Nẵng đã công bố kết quả kinh tế năm 2021 – năm thứ hai bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Điểm sáng chung là GRDP có sự tăng trưởng dương, trong đó thu hút đầu tư có sự tăng trưởng mạnh.
- Bình Định: Kim ngạch xuất khẩu hơn 1,3 tỉ đô la
- Quỹ Singapore tham gia đầu tư trung tâm dữ liệu 100 triệu đô tại Đà Nẵng
Bình Định: Đầu tư đạt hơn 107.000 tỉ đồng
Bất chấp những khó khăn, thách thức, trong năm 2021, dòng vốn đầu tư vào Bình Định vẫn tăng cao. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định, trong năm 2021, tỉnh Bình Định đã thu hút được 86 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn thu hút trên 104.000 tỉ đồng. Trong đó, bất động sản, xây dựng và hạ tầng có 30 dự án với tổng vốn đầu tư trên 41.000 tỉ đồng và công nghiệp có 45 dự án với gần 60.000 tỉ đồng.
Đối với thu hút đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 80,34 triệu đô la bên cạnh 32,23 triệu đô la tăng vốn và 17,8 triệu đô la góp vốn và mua cổ phần.
Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định, cho rằng, trong khó khăn bởi dịch bệnh, Bình Định vẫn giữ được vị thế trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp là nhờ vào chiến lược thu hút đầu tư hiệu quả, là kết quả từ sự nỗ lực của tỉnh trong việc tiếp tục chủ động, linh hoạt về xúc tiến, “tiếp thị” đầu tư bằng hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó, Bình Định đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục đầu tư từ 32 ngày xuống còn 25 ngày. Đây là một trong những hỗ trợ thiết thực đối với các nhà đầu tư đến với Bình Định.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã thành lập Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư với nhiệm vụ trọng tâm là vừa xúc tiến, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp khi đầu tư tại tỉnh, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cũng là Tổ trưởng Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, để thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng, có chiều sâu và bền vững, tỉnh Bình Định sẽ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, sớm tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logictics và chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung mục tiêu thu hút vốn vào bốn trụ cột kinh tế bao gồm: công nghiệp - công nghệ thông tin - nông nghiệp công nghệ cao - thương mại du lịch. Trong đó chú trọng thu hút một số lĩnh vực quan trọng: dự án sản xuất công nghiệp nặng, quy mô lớn và công nghệ cao; các dự án công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin; dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng gia súc, thủy sản; dự án năng lượng tái tạo, điện gió; dự án du lịch, nghỉ dưỡng… nhằm sớm đưa Bình Định trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch, trung tâm đổi mới sáng tạo của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Định đang lên kế hoạch thực hiện chiến lược thu hút đầu tư cho giai đoạn tiếp theo, trong đó, tỉnh sẽ nâng tầm chất lượng đầu tư, lựa chọn công nghệ đầu tư đúng như định hướng phát triển bền vững. Tỉnh sẽ ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư vào những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động và đem lại giá trị gia tăng cao.
Đà Nẵng và Quảng Nam tăng trưởng dương
Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) toàn thành phố năm 2021 ước đạt 105.330 tỉ đồng, tăng 0,18% so với năm 2020. Đây là điểm sáng của nền kinh tế khi biết rằng trước đó GRDP Đà Nẵng 9 tháng âm 1,25%.
Thông tin này được đề cập tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng diễn ra ngày 13-12 do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức để đánh giá tình hình các mặt công tác năm 2021, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Góp phần vào điểm sáng này là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 1,8 tỷ đô la, tăng hơn 15%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 1,4 tỉ đô la, tăng hơn 12%.
Về mặt đầu tư thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 22 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 4.700 tỉ đồng, cấp mới 34 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 150 triệu đô la.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2021 ước đạt 59.039 tỉ đồng, tăng 4%. Tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông năm 2021 đạt hơn 15.600 tỉ đồng, tăng gần 10%; trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt gần 99 triệu đô la, tăng hơn 6%.
Bên cạnh đó, tiến độ các công trình trọng điểm được tập trung đẩy nhanh, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tăng so với năm 2020 (đạt 64,5% kế hoạch thành phố, cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2020 chỉ đạt 40,3% kế hoạch).
Với đà tăng trưởng này, Đà Nẵng đặt mục tiêu trong năm 2022, GRDP tăng 6-7% so với năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 1-2% so với ước thực hiện năm 2021. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 6-7%; trong đó vốn đầu tư công 2022 không thấp hơn năm 2021.
Đồng thời, thành phố vẫn tiếp tục tập trung ưu tiên cho công tác phòng chống dịch. Tiếp tục triển khai, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng, các chỉ đạo của Trung ương: sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 144/2016/NĐ-CP về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trình phê duyệt Đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực trong quí-2022, Đề án thành lập Khu phi thuế quan Đà Nẵng trong quí 3-2022.
Trong khi đó, GRDP dự kiến năm 2021 của Quảng Nam ở mức cao hơn Đà Nẵng, khoảng 5,1%, đạt hơn 60.491 tỉ đồng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng vẫn luôn giữ mức tăng trưởng ổn định, tăng 3,3,6% so với năm 2020, nhiều mô hình phát triển có giá trị gia tăng cao và các mô hình sản xuất thực phẩm hữu cơ, sạch và mang tính bền vững đang dần được phổ biến và phát triển trên địa bàn tỉnh. Khu vực công nghiệp và xây dựng có sự đột phá, phục hồi với mức tăng trưởng đạt 7,8% so với cùng kỳ, trong đó: lĩnh vực công nghiệp tăng 9,1%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 21.154 tỉ đồng, đạt 109,3% so với dự toán, trong đó ước thực hiện thu nội địa 17.519 tỉ đồng, đạt 109,49% dự toán. Cơ cấu nguồn thu chuyển biến theo hướng tích cực, ít lệ thuộc vào một số sản phẩm chủ lực (số thu từ ô tô chiếm hơn 70% tổng thu nội địa vào năm 2015, giảm xuống dưới 50% trong năm 2021).
Bước vào năm 2022, từ tình hình thực tế năm qua, theo đánh giá của lãnh đạo Quảng Nam có thể thấy nền kinh tế vẫn chưa thể thoát hẳn ra khỏi giai đoạn trì trệ. Dự kiến những khó khăn, thách thức trong năm 2021 (nhất là tình hình dịch bệnh) vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong sau.
Quảng Nam xác định từng bước lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá cân xây dựng và thực hiện tốt phương án phục hồi kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao nâng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 phù hợp với trạng thái “bình thường mới”; rà soát, đánh giá, tổng kết hiệu quả việc triển khai các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp đã thực hiện trong thời gian vừa qua.
Để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện và bền vững, Quảng Nam đẩy mạnh việc thực hiện ba nhiệm vụ đột phá. Trước hết, đảm bảo Quảng Nam có một kết cấu hạ tầng đồng bộ cả về hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, kinh tế và hạ tầng nông nghiệp nông thôn.
Kế tiếp, việc phát triển nguồn nhân lực cũng được xác định là một điểm đột phá quan trọng giúp Quảng Nam vượt lên.
Giải pháp cần thực hiện là tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Vừa chú trọng đào tạo nghề, đào tạo lao động nông thôn phục vụ cho yêu cầu trước mắt, vừa quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài.
Nhiệm vụ đột phá thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường và phát triển doanh nghiệp.