Thứ Tư, 7/06/2023, 19:26
30 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Đầu tư năng lượng mặt trời, đón cơ hội tương lai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư năng lượng mặt trời, đón cơ hội tương lai

Nhân Tâm

(TBKTSG) – Một doanh nhân Việt kiều đến từ Thụy Điển đang khai thác tiềm năng đầu tư năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Khi dịch Covid-19 xảy ra làm thiệt hại cho nền kinh tế, bản thân công ty của anh cũng “dính đòn”. Nhưng, theo anh, đại dịch vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội trong tương lai cho mình.

TBKTSG đã có cuộc trò chuyện với doanh nhân trẻ Trần Đoàn Kiệt, Giám đốc Công ty Điện năng lượng mặt trời Suntiki.

Đầu tư năng lượng mặt trời, đón cơ hội tương lai
Anh Trần Đoàn Kiệt (áo đỏ), Giám đốc Công ty Điện năng lượng mặt trời Suntiki, cùng khách hàng của mình. Nguồn: Suntiki

TBKTSG: Anh đã khởi sự dự án này như thế nào?

Trần Đoàn Kiệt: Tôi ấp ủ dự án phát triển điện năng lượng mặt trời từ năm 2015 khi đang làm việc trong ngành dầu mỏ ở Na Uy. Thậm chí trước đó, năm 2010 khi quay lại Việt Nam, nơi tôi sinh ra, và làm việc ở Vũng Tàu tôi đã có ý định làm điều gì đó cho quê hương mình.

Tôi thấy được niềm đam mê của những người bạn Việt Nam đối với công nghệ mới cũng như sự quan tâm đến chất lượng không khí ở đô thị. Tôi cũng thấy được sự gia tăng ô nhiễm môi trường tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế.

Những điều này đã thôi thúc tôi không ngừng suy nghĩ rằng điện năng lượng mặt trời là tương lai ở Việt Nam. Tôi quyết định dốc hết tiền tiết kiệm, kêu gọi bạn bè và người thân đóng góp để đầu tư vào lĩnh vực này.

Ước muốn của tôi dần thành hiện thực khi cửa hàng Suntiki Solar ra đời tại quận 3, TPHCM vào năm 2017. Đây cũng là thời điểm Chính phủ ban hành Quyết định phát triển điện năng lượng mặt trời đầu tiên, cho phép chủ sở hữu mái nhà năng lượng mặt trời bán điện với giá 9,35 cent mỗi kWh (khoảng 2.086 đồng, chưa thuế giá trị gia tăng) [Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg]

Cho đên thời điểm này, tôi không hối hận khi đầu tư vào Suntiki. Năng lượng mặt trời là tương lai. Năm 2019, Việt Nam đã đi từ con số không để trở thành quốc gia hàng đầu ở Đông Nam Á về năng lực lắp đặt năng lượng mặt trời.

TBKTSG: Doanh nghiệp của anh hoạt động như thế nào cho đến trước khi đại dịch xảy ra?

– Suntiki đã có những dự án vào mùa hè năm 2019 nhờ chính sách ưu đãi của Việt Nam. Sự hỗ trợ này cho phép các chủ sở hữu mái nhà lắp đặt pin năng lượng mặt trời và bán điện dư thừa cho tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để dần thu hồi vốn đầu tư ban đầu.

Tấm pin năng lượng mặt trời của chúng tôi được lắp đặt tại nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam từ TPHCM đến Đồng Nai và miền Trung.

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, mối quan tâm hàng đầu của Suntiki là đáp ứng tốt các yêu cầu về lắp đặt đang bùng nổ.

TBKTSG: Còn lúc này thì sao?

– Tổng cộng, chúng tôi đã lắp đặt hơn 10.000 tấm pin năng lượng mặt trời, tương đương với khoảng 20.000 mét vuông. Số lượng điện năng có được cho đến nay là hơn 3 triệu watt, và doanh thu là 60 tỉ đồng.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, ưu tiên của Suntiki cũng thay đổi một chút. Chúng tôi vẫn nhận được các cuộc gọi đặt hàng và làm hết sức trong khả năng có thể trong thời gian giãn cách xã hội này như tư vấn cho ​​khách hàng để duy trì mối quan hệ.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng một trong những dự án thương mại quan trọng của chúng tôi cho một tòa nhà văn phòng mới được xây dựng tại TPHCM đã bị trì hoãn.

 

Các dự án điện năng lượng mặt trời do Suntiki lắp đặt tại TPHCM. Nguồn: Suntiki

TBKTSG: Với những khó khăn như vậy, anh đã tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính như thế nào?

– Chúng tôi vẫn chưa đến mức phải tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính. Nhưng, tôi cũng mừng khi Chính phủ có những gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp gặp khó khăn. Mọi hỗ trợ để giảm chi phí đều có ích trong thời gian này.

Tôi thấy Chính phủ đang có chính sách thành công về năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Mỗi một mái nhà có lắp đặt pin năng lượng mặt trời tự hào đóng góp trực tiếp vào lĩnh vực đang phát triển này của Việt Nam, và cũng giúp cho môi trường sạch hơn.

Chính sách này đang đi đúng hướng. Điều này sẽ làm cho các nhà đầu tư tập trung vào chất lượng tấm pin năng lượng mặt trời hơn, giúp phát triển hệ thống này rộng khắp, giảm tải cho các đường lưới điện quốc gia cũng như các khu tập trung năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg tháng 4-2020 mới nhất sẽ làm tổn thương ngành công nghiệp năng lượng mặt trời. Theo đó, giá mua điện chỉ còn 8,35 cent Mỹ thay vì 9,35 cent Mỹ. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho những người muốn đầu tư vào năng lượng mặt trời.

Vì vậy, tôi đề nghị có những hỗ trợ mạnh hơn cho ngành này.

TBKTSG: Sắp tới Suntiki sẽ làm gì để phát triển?

– Suntiki sẽ tiếp tục kế hoạch kinh doanh của mình, tập trung vào lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà cho các doanh nghiệp và nhà máy lên đến 5 triệu watt. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp khách hàng giảm hóa đơn tiền điện và tăng lợi nhuận hoạt động theo cách bền vững, thân thiện với môi trường.

Chúng tôi đã có một số khách hàng tiềm năng trước khi Covid-19 xảy ra và hy vọng khi đại dịch đi qua, chúng tôi có thể tiếp tục các dự án.

Suntiki cũng theo dõi tình hình hạn hán nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gây thiệt hại nặng nề đối với các doanh nghiệp địa phương. Đợt hạn hán này sẽ tiếp tục trong hai năm nữa do biến đổi khí hậu và điều kiện thủy văn như báo cáo của EVN. Do đó, chúng tôi đang nghiên cứu giải pháp bộ lọc nước thẩm thấu ngược với nguồn năng lượng từ các tấm pin mặt trời, giúp bơm nước và lọc nước để có thể uống được.

Tôi rất đam mê dự án này vì một phần tôi sinh ra tại Cà Mau. Và tôi có kinh nghiệm với các giải pháp lọc nước thẩm thấu ngược với bộ lọc nước của Siemens ở Na Uy và bây giờ có thể kết hợp điều này với năng lượng mặt trời cho khu vực này.

Nhưng, thành thật, chúng tôi cần kêu gọi nhà đầu tư quan tâm cùng Suntiki thực hiện dự án.

TBKTSG: Anh thấy gì về tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam?

– Việt Nam có tiềm năng năng lượng mặt trời rất lớn nhưng chỉ với chính sách phù hợp thì mới có thể phát triển. Các chính sách hỗ trợ năng lượng mặt trời sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bằng năng lượng tái tạo và đồng thời giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Về mặt địa lý, Việt Nam là một trong những nước có số giờ nắng cao nhất trên thế giới. Giá tấm pin năng lượng mặt trời đang ở mức thấp kỷ lục. Và công nghệ năng lượng mặt trời tiếp tục giúp tăng giới hạn năng lượng, ở mức 500 watt cho một tấm pin.

Một yếu tố nữa là giá dầu thấp kỷ lục trong 40 năm qua. Mặc dù điều này sẽ tác động đến nhiều ngành kinh tế, nhưng đây lại là cơ hội để thu hút những kỹ sư có tay nghề cao và giàu kinh nghiệm từ ngành dầu khí phát triển ngành công nghiệp năng lượng mặt trời tại Việt Nam.

Cuối cùng, theo tôi quan sát, người dân Việt Nam ngày càng khát khao sống trong môi trường sạch hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới