Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư tài chính và chuyện minh bạch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư tài chính và chuyện minh bạch

Gemadept đang muốn thoát ra khỏi lĩnh vực đầu tư tài chính để tập trung vào các hoạt động chính. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Doanh nghiệp có toàn quyền quyết định hoạt động của mình miễn sao tuân thủ đúng quy định pháp luật. Ree đã chọn cho mình hướng đi “chung thủy” với đầu tư tài chính. Một số doanh nghiệp khác đang lột xác, trở lại đường đua lĩnh vực kinh doanh chính. Dù quyết định thế nào, điểm cốt lõi là minh bạch.

“Chúng tôi không sợ đầu tư tài chính, nhưng sẽ không đầu tư tiếp nữa. Việc cơ cấu lại danh mục đầu tư đã làm rồi, trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán cũng trích đủ rồi. Nếu thị trường xuống thêm, sẽ trích thêm. Còn không, để đó, khi nào có điều kiện thì thoát ra. Coi như nợ quá hạn đã xử lý xong”, ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gemadept, nói. Bây giờ Gemadept tập trung vào chức năng kinh doanh chính, ở đó công ty luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong ngành.

Đầu tư tài chính là kinh nghiệm xương máu đối với nhiều doanh nghiệp trong năm 2008. Từ nay các quỹ đầu tư nội địa sẽ khó gọi vốn từ các công ty cho dù họ có khoản thặng dư lớn từ phát hành cổ phiếu.

Một nhà doanh nghiệp cho biết khủng hoảng đã khiến ông thay đổi lối suy nghĩ, lối hành xử. “Chúng tôi giật mình, giật lùi trở lại và tự nhìn lại mình. Thay bằng thêm tầng cho tòa nhà đã xây, chúng tôi gia cố lại móng”, ông nói.

Một nhà doanh nghiệp khác dùng hình ảnh bóng bẩy hơn: “Cho dù tình hình đã có tín hiệu lạc quan, chúng tôi vẫn chuẩn bị tinh thần đối phó với kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. Giống như vận động viên chạy trên đường đua, mất sức thì phải dừng lại, nạp năng lượng, thay quần áo để trở thành một vận động viên mới”.

Không ít những vận động viên doanh nghiệp trên đường đua tìm kiếm lợi nhuận nhanh, sau khi trả học phí quá đắt cho bài học đầu tư tài chính, đã quay về với ngành nghề chính. Mới chỉ năm ngoái, ai cũng nghĩ sẽ nhảy ra trước khi tàu chìm, nhưng phần lớn đều không kịp. Bây giờ, để đầu tư tài chính lại phía sau, trở về vạch xuất phát, họ là vận động viên mới, có thể sung sức, có thể chưa, nhưng ít nhất không còn đau đáu phải lo bù lỗ.

Thế nhưng, vẫn có những doanh nghiệp không đi theo con đường vận động viên mới. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Ree, trao đổi với TBKTSG: “Vì sao phải từ bỏ đầu tư tài chính? Chúng tôi đã học bài học rồi, đã hiểu rồi, đã trả học phí đắt rồi, vì sao không làm tiếp? Học để làm chứ đâu phải để bỏ? Học rồi bỏ sao?”. Nói là làm, tháng 3 vừa qua Ree đã tích cực cơ cấu lại danh mục đầu tư, bán ra dứt điểm những cổ phiếu “một thời day dứt”, mua vào những cổ phiếu phòng vệ. Kết quả là hiện tại Ree đã có lãi vài chục tỉ đồng cho danh mục mới.

Đề cập đến cổ phiếu Vietcombank, bà Mai Thanh không phủ định sự niêm yết sắp tới của ngân hàng này sẽ buộc không ít tổ chức phải trích thêm dự phòng giảm giá chứng khoán, bởi giá giao dịch Vietcombank chưa thể nào tăng lên bằng giá đấu giá bình quân IPO. Nhưng Ree thì đã trích dự phòng cho cổ phiếu Vietcombank tới 35 tỉ đồng.

Ree minh bạch. Điều đó cổ đông biết, nhà đầu tư biết. Tuy nhiên,  vẫn còn đó những doanh nghiệp đã hoặc đang nỗ lực trở thành vận động viên mới nhưng chưa minh bạch đủ mức cần thiết. “Cổ phiếu tôm” Minh Phú (MPC) đã phải trích thêm dự phòng rủi ro đầu tư tài chính khi kiểm toán. Kết quả là báo cáo tài chính sau kiểm toán lỗ chứ không phải lãi như công ty báo cáo. Lợi nhuận sau thuế của Sacombank giảm 133 tỉ đồng sau kiểm toán cũng vì phải trích thêm dự phòng cho các cổ phiếu chưa niêm yết. Lợi nhuận trước thuế của một công ty bất động sản hàng đầu niêm yết trên sàn TPHCM sụt giảm hơn 60% sau kiểm toán.

Đáng quan tâm hơn cả về sự minh bạch trong trích dự phòng rủi ro đầu tư tài chính là cổ phiếu của Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVF). Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của PVF, tổng công ty đã trích dự phòng 1.570 tỉ đồng cho tổng giá trị đầu tư 6.550 tỉ đồng vào chứng khoán sẵn sàng để bán và đầu tư dài hạn. Đây là một trong những mức trích lập dự phòng lớn nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết có đầu tư tài chính, nhưng nó đã đủ chưa thì thật khó lòng đánh giá, vì mức trích chỉ bằng 25% giá trị đầu tư trong khi chứng khoán trên sàn và ngoài sàn năm 2008 giảm 60-70%.

Mặt khác PVF có khoản ứng trước ủy quyền bán (repo) trị giá 205 tỉ đồng hoàn toàn không được trích dự phòng. Đây là những hợp đồng đã quá thời hạn thực hiện từ ngày 19-10-2008 và giá thị trường của các chứng khoán repo đến ngày 31-12-2008 đã thấp hơn giá trị PVF mua. Lý giải cho sự không trích dự phòng giảm giá của PVF là: “Tổng công ty sẽ chắc chắn thu hồi đầy đủ số dư trên trong tương lai gần”! Tất cả các doanh nghiệp niêm yết liệu có thể cam kết như PVF để không phải trích dự phòng rủi ro và được kiểm toán chấp nhận như PVF?

Đó là chưa kể PVF chỉ trích dự phòng giảm giá 32 tỉ đồng cho 871 tỉ đồng góp vốn, đầu tư dài hạn vào ngày 31-12-2008, trong khi ngày 18-3-2008 mức trích lập dự phòng cao gấp 2,3 lần, tới 76,7 tỉ đồng dù giá trị đầu tư khi đó thấp hơn, ở mức 613 tỉ đồng và VN-Index khi đó cũng cao gấp 2 lần cuối năm 2008. Trong thời gian từ 18-3 đến 31-12-2008 giá trị đầu tư dài hạn khác tăng từ 324 lên 511 tỉ đồng. Các nhà đầu tư hoàn toàn có quyền băn khoăn: bao nhiêu khoản đầu tư từ ngắn hạn đã được chuyển qua dài hạn để giảm mức trích dự phòng rủi ro?

Doanh nghiệp có toàn quyền quyết định hoạt động của mình miễn sao tuân thủ đúng quy định pháp luật. Ree đã chọn cho mình hướng đi “chung thủy” với đầu tư tài chính. Một số doanh nghiệp khác đang lột xác, trở lại đường đua lĩnh vực kinh doanh chính. Dù quyết định thế nào, điểm cốt lõi là minh bạch. Lòng tin vào thị trường chứng khoán mới chỉ nhen nhúm trở lại, đừng để những báo cáo tài chính năm 2008 có kiểm toán đang được công bố làm sứt mẻ lòng tin đó một lần nữa!

LƯU HẢO

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới