Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư vào chứng khoán Việt: NĐT ngoại cân nhắc gì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư vào chứng khoán Việt: NĐT ngoại cân nhắc gì?

Thảo Nguyên

Đầu tư vào chứng khoán Việt: NĐT ngoại cân nhắc gì?
Nhà đầu tư nước ngoài cho rằng nguồn cung chứng khoán Việt Nam dành cho họ quá thấp. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Tháng Tư rồi, Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng UBS đã ra một báo cáo dày đến 52 trang về chứng khoán Việt Nam, và đưa ra rất nhiều kinh nghiệm cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, chuyện thiếu nguồn cung cổ phiếu, chuyện mòn mỏi chờ nới room, chuyện chứng khoán Việt vẫn chưa nằm trong danh sách của các thị trường mới nổi đã được nhắc đến trong báo cáo này.

Ở phần đầu, báo cáo vẫn cho rằng Việt Nam là một thị trường hấp dẫn nhất để đầu tư tại Châu Á, vì có dân số trẻ, GDP tăng trưởng tốt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục đổ vào, và số lượng người dùng Internet cao.

Sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã dần được khắc phục trong 2012 và lãi suất đã giảm mạnh trở lại. Dự trữ ngoại hối luôn ở mức cao. Trong khi hoạt động tái cơ cấu ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra, từ quí 1 năm 2015, tín dụng đã tăng trở lại và GDP đã tăng 6%. Đây là những tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô Việt Nam.

Nhìn dài hạn hơn, báo cáo cũng cho rằng một số quy định dự kiến sẽ có hiệu lực 2015 như nâng tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp Việt, các quy định về phá sản sẽ giúp doanh doanh tái cơ cấu và hỗ trợ cho tăng trưởng là những thông tin tốt.

Và rủi ro của chứng khoán Việt sẽ có liên quan đến nợ công, lạm phát quay lại và sự thay đổi về chính trị trong vòng 12 tháng tới.

Theo UBS, điều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm lớn nhất đến thị trường chứng khoán Việt Nam chính là nguồn cung cổ phiếu. Theo UBS Việt Nam có gần 700 công ty niêm yết nhưng  90% số công ty có vốn hóa thị trường dưới 100 triệu đô la Mỹ, (ở các doanh nghiệp nhỏ, thanh khoản quá thấp không phù hợp để nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn, vì khi cần mua bán sẽ khó – pv). Trong số 10% công ty còn lại hạn mức của nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận được không nhiều vì hạn mức dành cho khối này đã hết, tập trung vào một vài doanh nghiệp lĩnh vực tài chính.

Báo cáo cũng nói đến chuyện các công ty lớn trong nước mang tiếng đã  trở thành doanh nghiệp niêm yết nhưng thực tế lượng cổ phiếu lưu hành rất thấp. Cụ thể như công ty PV Gas, công ty niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất HOSE, lượng cổ phiếu lưu hành chỉ là 3% trên vốn điều lệ. Một số ngân hàng hiện cũng chỉ niêm yết một số ít cổ phiếu trên sàn chứ không phải toàn bộ.

Chưa kể Việt Nam giới hạn tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 49% cổ phần. Trong khi đó ở nhiều công ty mức này đã đầy. Điều này khiến cho nhà đầu tư nước ngoài khó kiếm cổ phiếu để đầu tư.
“Chúng tôi đã nghe đến một đề xuất về việc nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đến 60% nhưng đã bị ngưng lại từ đầu 2014. Chúng tôi hiểu động thái này của chính phủ. Tuy nhiên một số nhà đầu tư và công ty chứng khoán cho rằng Việt Nam đang xem xét để sử dụng chứng chỉ lưu ký không biểu quyết như tại Thái Lan (Non – Voting Depository  Receipts – NVDR) thì nhu cầu của thị trường chứng khoán Việt có thể tăng cao hơn. Tuy vậy chúng tôi chưa thấy dấu hiệu rõ ràng là khi nào Việt Nam sẽ áp dụng cách làm này.

Thứ hai , Việt Nam chưa nằm trong số các thị trường mới nổi (emerging market) mà chỉ là thị trường biên ( frontier market) vì vậy chưa nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài như thị trường Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan.

Báo cáo của UBS cũng chỉ ra những điểm quan trọng mà nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý khi đầu tư vào Việt Nam, trong đó báo cáo cho rằng tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam bằng 30% GDP, trong khi Thái Lan và Philippines có tỷ lệ tương ứng là 116% và 95% GDP.

Vào đầu tháng Hai vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng chop biết cơ quan này đang gấp rút sửa đổi Nghị định 58 hướng dẫn luật Chứng khoán, trong đó, quan trọng nhất là nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.

“Hi vọng dự thảo nghị định này được ban hành trong đầu quí 2/2015, và sẽ giúp thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài…”, ông Bằng nói.

Theo ông Bằng, quan điểm của UBCK là tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những ngành nghề không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh, và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện để họ tham gia vào TTCK Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ tiếp tục triển khai sửa đổi các quy định nhằm nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các lĩnh vực ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối.

Tuy vậy đến thời điểm này Nghị định 58 vẫn chưa được công bố.

Xem thêm

Mở room tới 100%?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới