Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư vào điện: Sao tập đoàn này được ủng hộ, tập đoàn khác lại không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư vào điện: Sao tập đoàn này được ủng hộ, tập đoàn khác lại không?

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Luật Điện lực quy định Nhà nước độc quyền truyền tải điện. Nhưng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giải thích rằng độc quyền này không có nghĩa là độc quyền về đầu tư mà chỉ là độc quyền về quản lý.

Đầu tư vào điện: Sao tập đoàn này được ủng hộ, tập đoàn khác lại không?
Một trạm biến áp ở Ninh Thuận được EVN đầu tư. Nhưng việc đầu tư vào hệ thống truyền tài điện của tư nhân gặp khó, trong khi Chính phủ không đủ nguồn lực. Ảnh: TL

Tập đoàn Trung Nam đầu tư vào truyền tải có trái luật không?

Liên quan đến nguy cơ thiếu điện mỗi ngày một hiện hữu từ năm 2019 trở đi và đỉnh điểm là 2021 như dự báo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong phiên trả lời chất vấn kéo dài từ chiều 6-11 sang ngày 7-11, thành viên Chính phủ còn phải giải trình về việc ủng hộ các tập đoàn tư nhân đầu tư vào đường dây truyền tải.

Xung quanh việc có cho phép tư nhân đầu tư vào hệ thống truyền tải điện hay không, tại diễn đàn chất vấn Quốc hội sáng ngày 7-11 đã diễn ra cuộc tranh luận khá sôi nổi của các đại biểu với một số thành viên Chính phủ. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Ủy viên Ủy ban Tài chính – ngân sách) có chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về việc Bộ Công Thương ủng hộ Tập đoàn Trung Nam đầu tư vào đường dây 500 kV là phải cân nhắc vì trái Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Điện lực.

Bộ trưởng Tuấn Anh giải thích rằng, còn điều kiện để vận dụng pháp luật và có thể tách phần đầu tư các công trình truyền tải điện, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác có thể đầu tư. Cũng có thể đề xuất sửa Luật Đầu tư, Luật Điện lực để không bó hẹp việc chỉ có Nhà nước đầu tư vào hệ thống truyền tải vì “Nhà đầu tư tư nhân làm đường dây 500 kV theo cách là đường dây đấu nối của dự án với hệ thống điện quốc gia thì sẽ không vượt quy định của luật”.

Giải trình ngay sau đó về những vướng mắc lớn của ngành điện dẫn đến nguy cơ thiếu điện ngày càng hiện hữu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết vướng mắc lớn nhất khi huy động đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện là do Luật Điện lực quy định về sự độc quyền của Nhà nước trong lĩnh vực này.

“Nhưng độc quyền này không có nghĩa là độc quyền về đầu tư, mà chỉ là độc quyền về quản lý”. Ông giải thích thêm là các nhà đầu tư tư nhân nên được khuyến khích đầu tư vào hệ thống truyền tải, sau đó giao lại cho Nhà nước quản lý nên không e ngại độc quyền dẫn đến những khó khăn khác.

Phó Thủ tướng nói rằng, nếu chỉ Nhà nước độc quyền đầu tư là khó khăn vì nguồn lực cho lĩnh vực này chưa đảm bảo. Kể từ năm 2020 trở đi, sẽ có thêm nguồn lực phát triển hệ thống truyền tải khi nhiều tập đoàn đề xuất đầu tư vào hệ thống đường dây 500 kV. Chính phủ đã hướng đến phương án đầu tư cho truyền tải theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).

Trước đó, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án nhà máy điện mặt trời kết hợp đường dây truyền tải vào quy hoạch điện quốc gia do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư. Trung Nam sẽ kết hợp đầu tư trạm biến áp 500 kV và đường dây đấu nối công suất 450 MW của Công ty đầu tư xây dựng Trung Nam.

Chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao miễn phí với mức 0 đồng cho Tập đoàn điện lực EVN khi vận hành vào năm 2020.

Trường hợp EVN không tiếp nhận, bàn giao thì Trung Nam sẽ tiếp tục quản lý, vận hành hệ thống theo cơ chế thống nhất giữa EVN và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT).

Thực tế trước đây, các tập đoàn như Dầu khí quốc gia (PVN) đã đầu tư một số công trình truyền tải như sân phân phối, trạm biến áp 500 kV, sau cũng bàn giao lại cho EVN.

Đề xuất giảm độc quyền đầu tư vào truyền tải để giải tỏa công suất điện năng sản xuất, tăng khả năng phân phối điện cần được khuyến khích. Vì hiện nay, Ninh Thuận và Bình Thuận dẫn đầu cả nước về số lượng nhà máy điện mặt trời làm quá tải hệ thống do đầu tư nguồn phát và đầu tư truyền tải không đồng bộ. Nếu không giải quyết dứt điểm và không quá phó mặc cho EVN thì các dự án đầu tư vào lưới điện sẽ có lối ra, thay vì để hệ thống điện bị rã lưới nghiêm trọng

Vì sao Bộ Công Thương không tích cực với dự  án điện khí Bạc Liêu?

Đại biểu quốc hội tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Huy Thái đã bày tỏ sự không đồng tình về việc dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc từ 18 tháng trước. Nhà đầu tư cũng đã hoàn thành yêu cầu, thủ tục như bộ quy định song dự án không thể triển khai và không biết lý do. Trong khi đó tình trạng thiếu điện mỗi ngày một gần.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình rằng, dự án đã được bộ 2 lần trình Thủ tướng và nhanh nhất đầu 2020 có thể triển khai.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho Quốc hội biết rằng: nhà đầu tư đề nghị xây dựng dự án với tổng công suất 3200 MW nhưng Bộ Công Thương mới trình bổ sung 800 MW vào quy hoạch dự án điện VII. Nên việc này gây khó khăn cho lập quy hoạch tổng thể cảng, kho khí.

Nhiều đại biểu khác cũng nhận định Bộ Công Thương “không tích cực” trong dự án này. Đại biểu Lê Thanh Vân (Ủy ban Tài chính-ngân sách) khẳng định dự án không vướng Luật Quy hoạch như Bộ Công Thương báo cáo vì Bộ KH-ĐT, Ủy ban Kinh tế (Quốc hội ) thẩm tra cũng thấy là không vướng mắc như vậy.

“Trong tình trạng thiếu điện đang diễn ra mà cách xử lý như vậy của Bộ Công Thương là không tuân thủ cam kết với nhà đầu tư, thậm chí cố ý làm trái Luật Quy hoạch”, ông Vân nói và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo triển khai ngay dự án này. 

Mời xem thêm:

Vì sao thị trường mua bán điện mặt trời rối loạn?

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới