Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư vốn cổ phần tư nhân ở Nhật Bản ‘ngược dòng’ xu hướng suy giảm ở châu Á

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tổng giá trị các thương vụ đầu tư vốn cổ phần tư nhân (private equity) ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương suy giảm mạnh năm ngoái, xuống mức thấp nhất trong 10 năm. Trong bức tranh ảm đạm đó, Nhật Bản là điểm sáng hiếm hoi khi ghi nhận trị giá các thương vụ này tăng vọt 183%.

Năm ngoái, Nhật Bản trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất châu Á-Thái Bình Dương khi chiếm đến 30% tổng giá trị đầu tư vốn cổ phần tư nhân của khu vực. Ảnh: Getty

Bất ổn kinh tế, lãi suất cao kìm hãm triển khai vốn tư nhân

Theo báo cáo vừa phát hành của hãng tư vấn quản lý Bain & Co. (Mỹ), trong năm 2023, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vốn cổ phần tư nhân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm hơn 23% so với một năm trước đó, xuống còn 147 tỉ đô la Mỹ. Con số đó thấp hơn 35% so với giá trị trung bình giai đoạn 2018-2022 và thấp hơn gần 60% so với mức đỉnh 359 tỉ đô la vào năm 2021.

Báo cáo giải thích, tổng vốn tư nhân huy động được trong khu vực giảm xuống mức thấp nhất 10 năm là do tăng trưởng kinh tế chậm lại, lãi suất cao và các thị trường chứng khoán trồi sụt quá mạnh.

Bất ổn về kinh tế ảnh hưởng đến hầu hết các thị trường bao gồm Úc-New Zealand, Trung Quốc, Đông Nam Á và Ấn Độ, nơi giá trị giao dịch vốn cổ phần tư nhân giảm lần lượt 63%, 58%, 47% và 41% so với mức trung bình của 5 năm trước. Tất cả 4 thị trường này đều chứng kiến ít giao dịch quy mô lớn (trên 1 tỉ đô la Mỹ) hơn so với những năm trước.

“Năm 2023 là một năm rất hỗn loạn trên thị trường vốn cổ phần tư nhân ở châu Á-Thái Bình Dương cũng như ở châu Âu và Bắc Mỹ”, Lachlan McMurdo, đồng tác giả của báo cá cho hay. Ông lưu ý thêm, các nhà đầu tư vẫn “đặc biệt thận trọng” đối với các công ty ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan.

Tuy nhiên, Nhật Bản lại là một ngoại lệ với giá trị giao dịch tăng 183% so với một năm trước đó, lần đầu tiên trở thành thị trường vốn cổ phần tư nhân lớn nhất ở khu vực.

Các thương vụ lớn là yếu tố lớn nhất đằng sau sự gia tăng giá trị giao dịch vốn cổ phần tư nhân ở Nhật Bản. Các thương vụ này giúp Nhật Bản chiếm 30% tổng giá trị đầu tư vốn cổ phần tư nhân ở châu Á-Thái Bình Dương trong năm ngoái, tăng so với mức trung bình 7% của 5 năm trước đó. Trong khi đó, giá trị các thương vụ ở Trung Quốc giảm 58% so với mức trung bình 5 năm trước đó, khiến thị phần của nước này ở châu Á - Thái Bình Dương giảm xuống còn 28%.

Bain đánh giá, Nhật Bản là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ có nhiều công ty mục tiêu có tiềm năng cải thiện hiệu suất lợi nhuận đáng kể. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng lạc quan hơn sau khi chính phủ Nhật Bản và các cổ đông gây áp lực buộc các doanh nhiệp ở đây phải cải cách quản trị, tập trung vào việc xử lý các tài sản không cốt lõi. Lãi suất cực thấp của Nhật Bản cũng thu hút các quỹ đầu tư vốn cỗ phần tư nhân.

“Một lý do chính khiến giá trị các giao dịch vốn cổ phần tư nhân sụt giảm ở hầu hết các thị trường trên thế giới là do chi phí nợ tăng lên khi lãi suất tăng. Tuy nhiên, lãi suất ở Nhật Bản vẫn ở mức thấp”, Lachlan McMurdo nói.

Lĩnh vực công nghệ sa sút dù vẫn dẫn đầu

Bain ghi nhận, các thương vụ thâu tóm chiếm 48% tổng giá trị giao dịch vốn tư nhân ở châu Á-Thái Bình Dương trong năm ngoái. Giá trị của những thương vụ này lần đầu tiên vượt qua giá trị của các thương vụ đầu tư vào các công ty tăng trưởng kể từ năm 2017.

Lĩnh vực công nghệ tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn tư nhân ở khu vực nhưng chỉ chiếm 27% tổng giá trị giao dịch vào năm 2023, giảm so với mức trung bình 41% trong  5 năm trước đó. Năng lượng và tài nguyên thiên nhiên là lĩnh vực duy nhất ghi nhận tăng trưởng về giá trị giao dịch và số lượng giao dịch. Điều này là do các quỹ ngày càng quan tâm đến các tài sản liên quan đến chuyển đổi năng lượng.

Báo cáo của Bain cho biết thêm, các thương vụ thoái vốn cổ phần tư vấn ở khu vực giảm 26%, xuống còn 101 tỉ đô la trong năm 2023. 40% trong số này được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Các công ty ở Trung Quốc đại lục chiếm 89% giá trị IPO ở châu Á-Thái Bình Dương, với phần lớn niêm yết ở Thượng Hải và Thâm Quyến. Nếu không tính các đợt IPO của Trung Quốc, tổng giá trị thoái vốn ở khu vực trong năm ngoái chỉ 65 tỉ đô la.

Mặc dù số lượng nhà đầu tư ngày càng giảm, Bain nhận định, lợi nhuận từ vốn cổ phần tư nhân vẫn hấp dẫn hơn so với lợi nhuận từ thị trường đại chúng trong khoảng thời gian 5, 10 và 20 năm.

Theo hãng tư vấn này, triển vọng phục hồi của thị trường vốn tư nhân của châu Á vẫn chưa rõ ràng, dù đã có một số dấu hiệu cải thiện vào cuối năm ngoái. Bain dự báo, khi quá trình phục hồi diễn ra, các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh sẽ nằm trong số các lĩnh vực mới hứa hẹn thu hút nguồn tiền đầu tư lớn.

Báo cáo của Bain ghi nhận, nhiều quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân hàng đầu đang nhắm đến các loại tài sản thay thế trong khu vực, chẳng hạn như lĩnh vực hạ tầng bao gồm các trung tâm dữ liệu, lưu trữ năng lượng tái tạo và sân bay. Đây là những tài sản mang lại thu nhập từ trung bình đến cao.

Trích cuộc khảo sát nhà đầu tư năm 2023 của Preqin, Bain cho biết, Nhật Bản, Ấn Độ và Đông Nam Á nằm trong số các thị trường của khu vực được đánh giá thuận lợi về cơ hội đầu tư cổ phần tư nhân trong 12 tháng tới.

Theo Bain.com, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới