(KTSG) - Những ngày hè rồi cũng qua mau. Không đầy một tháng nữa, năm học mới sẽ bắt đầu. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh toàn quốc sẽ không tựu trường sớm hơn một tuần so với lễ khai giảng năm học vào ngày 5-9, trừ lớp một có thể sớm hơn hai tuần.
Như vậy, về nguyên tắc, sẽ không còn chuyện phải đi học sớm… cả tháng. Người lớn cần phải trả lại mùa hè cho trẻ em; mùa hè phải thực sự là mùa nghỉ ngơi, vui chơi để con trẻ không còn phải tự hỏi không biết ai đã “đánh cắp” mùa hạ của mình.
Đó là về mặt lý thuyết. Trên thực tế, đối với nhiều em, mùa hè đã kết thúc ngay khi bắt đầu với vô số lớp học thêm đủ mọi môn học, đủ mọi giờ giấc. Nhưng thử nghĩ lại xem! Dường như có một vòng lẩn quẩn trong việc phụ huynh chạy đua cho con học thêm. Một mặt, họ than sao con tôi không có thời gian nghỉ ngơi ngay cả trong mùa hè. Mặt khác, chính họ lại bắt con dự hết lớp học thêm này đến lớp khác. Cớ sự này xem ra chẳng khác gì “cách dạy con” trong câu chuyện sau đây.
Tại một trung tâm tiếng Anh có vốn đầu tư nước ngoài nọ, thuộc loại lớn nhất ở Việt Nam, cứ đến giờ tan các ca học vào buổi tối là lại… kẹt xe. Các anh bảo vệ vất vả toát mồ hôi, gần như bất lực trước cảnh hỗn loạn các loại xe tầng tầng lớp lớp - bên trong là xe gắn máy, bên ngoài là ô tô, chẳng ai chịu nhường ai. Trong tình cảnh lộn xộn đó, thủ phạm chính là các chiếc xe hơi chở phụ huynh cứ nối đuôi nhau đậu giữa đường chờ rước con em mình. Thế là kẹt xe, đến hẹn lại lên.
Nếu phân tích tâm lý của các phụ huynh này, có thể thấy hai lý do. Thứ nhất, họ không muốn con em phải nhọc sức đi xa - bước ra khỏi cửa trường là đã thấy xe cha mẹ đậu sẵn, chỉ việc mở cửa bước lên. Thứ hai là ý nghĩ không thể chịu thua “thằng xe hơi đậu trước mặt xe mình”. Vì sao “nó” đậu chờ đón con được mà mình thì không. Kẹt xe hả? Thì đã sao, vài phút chứ mấy, kẹt xe cả thành phố, kẹt xe đầy đường cao tốc, chứ riêng gì ở đây? Tại sao tôi phải nhường chỗ cho giao thông trong khi mọi người khác đều không nhường? Nhường chỗ mới là bất công cho tôi.
Công tâm mà nói, cũng có vài phụ huynh hành xử khác. Họ tìm chỗ đậu ở xa hơn, rồi chịu khó đi bộ đến cổng trường đón con. Đó cũng là cách làm ở nhiều nước để giảm bớt nạn kẹt xe do phụ huynh đưa đón con ở trường.
Dĩ nhiên, nhà trường cũng liên đới trách nhiệm nên tìm cách hạn chế nạn kẹt xe với lý do này chứ không thể điềm nhiên tọa thị, sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi. Nhưng về phần mình, phụ huynh nhất thiết phải xem lại cách hành xử của họ. Trong trường hợp trung tâm ngoại ngữ này, cách hành xử của phụ huynh phần nào cũng là hình ảnh của đất nước trước con mắt của các nhà giáo dục nước ngoài. Có lẽ cũng cần tránh cho họ suy nghĩ “à Việt Nam là thế!”. Quan trọng hơn, cách ứng xử của phụ huynh là tấm gương cho việc hình thành nhân cách khiến con em mình trở thành một công dân của nước Việt Nam như thế nào sau này.
Chúng ta cứ than vãn về tình trạng thiếu trật tự trong xã hội và cứ rao giảng công dân tốt phải làm thế này, phải làm thế kia với con em. Nhưng trên thực tế, trước mặt con em, chúng ta cứ hành xử trái với những gì chúng ta nói. Đó mới chính là tấm gương xấu hằn sâu vào nhân cách của trẻ con, khiến chúng dễ bắt chước, chứ không phải là lời giảng của thầy cô hay những dòng dạy đạo đức trong sách vở. Vì thế, đừng mong là con mình mai sau sẽ được sống trong một xã hội trật tự nếu hôm nay chúng ta hành xử không đúng mực trước mặt chúng.
Đậu xe khi rước con thoạt nhìn chỉ là một chuyện rất nhỏ. Nhưng trong thâm sâu, điều đó cũng phần nào phản ảnh một tấm gương trong việc hình thành tính cách công dân của một đất nước. Chúng ta thường bảo nhau phải xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng văn minh. Một xã hội văn minh như vậy nếu không phải bắt đầu bằng những hành động đúng mực của công dân, như phụ huynh đậu xe đúng chỗ khi đưa rước con để không gây kẹt xe, thì là gì?
Ở Mỹ, xe con đầy đường, nhưng vẫn dùng “xe tập thể” đưa đón học sinh. Đây là xe thuộc diện ưu tiên số một trên đường phố, cũng không thuộc diện hiện đại gì, trông chẳng hơn gì xe bus của ta. Chỉ có điều nó rất trật tự, quy củ, văn minh.