Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ĐBSCL cần hạn chế tác động môi trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ĐBSCL cần hạn chế tác động môi trường

Cần ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở ĐBSCL, theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online)- Nếu không quy hoạch phát triển các dự án công nghiệp phù hợp và giải quyết bài toán xử lý chất thải công nghiệp thì ĐBSCL sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả do ô nhiễm môi trường.

Đây là cảnh báo được đưa ra tại buổi tọa đàm “Công nghiệp nào cho ĐBSCL”, do TBKTSG cùng Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ phối hợp tổ chức tại Cần Thơ hôm 18-12.  

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường khu vực Tây Nam bộ, hàng năm các nhà máy ở ĐBSCL thải ra khoảng 220.000 tấn chất thải công nghiệp, trong đó có 2.400 tấn chất thải rắn nguy hại. Nếu lượng chất thải này chưa được xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Còn trong tổng lượng nước thải công nghiệp khoảng 47,2 triệu mét khối/năm, có một lượng lớn chưa được xử lý vô tư tuồn thẳng ra sông, rạch gây ô nhiễm môi trường kéo dài.  

Hiện nay, toàn vùng có 111 khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung, nhưng chưa một khu công nghiệp nào đầu tư hệ thống đủ tiêu chuẩn để xử lý triệt để chất thải công nghiệp. Gần đây, vùng này còn liên tiếp đón nhiều dự án đầu tư có tính chất nhạy cảm với môi trường như nhà máy điện chạy than, nhà máy giấy, lọc dầu, đóng tàu với số vốn đăng ký hàng tỉ đô la Mỹ.  

Theo ông Phạm Đình Đôn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ, những dự án này có nguy cơ gây ô nhiễm trên diện rộng cho ĐBSCL nếu như không được tính toán quy hoạch ngay từ đầu và xử lý triệt để các nguồn chất thải phát sinh.  

Tiến sĩ Chế Đình Lý, Viện phó Viện Môi trường – Tài nguyên Đại học Quốc gia TPHCM, ví von: Hệ sinh thái có quy luật như một thanh thép, bẻ cong đôi chút nó có thể đàn hồi trở lại, nhưng nếu tác động với lực mạnh, nó sẽ bị biến dạng hẳn. Môi trường sống cũng tương tự.    

Tiến sĩ Trần Võ Hùng Sơn, cán bộ trường Đại học Kinh tế TPHCM, nhấn mạnh: “Chúng ta đã bán một phần môi trường để công nghiệp hóa”. Theo ông, đó là hệ quả của việc phát triển các khu công nghiệp trong vùng một cách máy móc, tỉnh nào cũng phải có để thu hút đầu tư, trong khi cơ sở hạ tầng và nhận thức của chính quyền về môi trường chưa đáp ứng kịp.  

Ông Sơn lo ngại khi cấp phép đầu tư, chính quyền các địa phương ít chú ý đánh giá  “báo cáo đánh giá tác động môi trường ” của chủ đầu tư.  

Trong khi đó, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Cần Thơ, cho rằng không nhất thiết phải có những nhà máy đồ sộ thì ĐBSCL mới phát triển. Nhiều đại biểu tham gia tọa đàm đồng tình và gợi ý ĐBSCL cần xác định lại điểm mạnh, điểm yếu của mình so với các vùng khác để đừng phát triển rập khuôn. Lợi thế của vùng này là nông nghiệp, cần ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao và ưu tiên phát triển các nhà máy chế biến nông, thủy sản đi kèm.  

“Nhiều nơi trong nước đã đi trước trong việc thu hút đầu tư, nay họ có quyền lựa chọn và từ chối các dự án “xấu”. ĐBSCL đã đi sau thì đừng nên tiếp tục đi sau để “hứng” các dự án mà những vùng khác từ chối, cần chọn những dự án ít tác động xấu tới môi trường”, ông Dũng nhận định.

HỒ HÙNG 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới