Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ĐBSCL chưa biết làm du lịch!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ĐBSCL chưa biết làm du lịch!

Phú Quốc- một điểm du lịch được nhiều người biết đến nhờ quảng bá tốt. Ảnh: Hồ Hùng

(TBKTSG Online) – Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm… bàn về phát triển du lịch được tổ chức, nhưng đến giờ vẫn chưa có một giải pháp thiết thực nào được thực hiện để níu kéo du khách về với vùng đất miền Tây.

Tiềm năng được kể ra hàng loạt và cái khó, cái yếu cũng đã được đề cập rất nhiều, nhưng điểm yếu nhất là về con người lại ít khi được đề cập.     

1. Tại hội thảo “Tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch ĐBSCL” do UBND thành phố Cần Thơ tổ chức hồi tuần rồi, khi ông Phạm Phước Như, người vừa được bầu vào chức Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (MDTA) thừa nhận rằng, chính ông cũng không am tường về lĩnh vực du lịch thì cũng không khiến nhiều người ngạc nhiên.

Thực tế là vậy! Nhiều người “tay ngang” nhưng vẫn phải tham gia vào lĩnh vực du lịch chỉ vì quá thiếu người.

Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra hồi đầu năm 2008, thì trong số 250.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch ĐBSCL có đến một nửa không có nghiệp vụ về du lịch; thậm chí có đến 35% lao động chưa có bằng Trung học phổ thông.

Theo đó, khu vực này có khoảng 1 triệu người tham gia hoạt động du lịch thì có tới 58% không được đào tạo và chỉ có 15% được đào tạo qua các lớp trung, sơ cấp. Chính một lãnh đạo ngành Du lịch ở Cần Thơ cũng thừa nhận: “Ngay cả những người làm du lịch chuyên nghiệp cũng chưa có… chuyên nghiệp”.

Người trong ngành đã vậy thì hy vọng gì nhiều ở sự góp sức của người dân, dù rằng đây là thành phần khá quan trọng để tiếp thị, níu khách. Bản thân người miền Tây rất hiền hòa, mến khách, nhưng chỉ vậy thì chẳng đủ.

Ông Tô Minh Giới, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhận xét: “Người dân ở Cần Thơ, thậm chí được hỏi còn không biết hết về các địa danh… ở Cần Thơ, nói chi đến các tỉnh khác. Trong khi ở Xiêm Riệp (Campuchia), người dân rất am tường, cặn kẽ hướng dẫn khách từng chút một”…

2. Năm 2008, vùng ĐBSCL có cơ hội lớn để tự tiếp thị về mình, khi được đăng cai tổ chức năm Du lịch Quốc gia. Nhưng cơ hội ấy cũng sắp trôi qua mà các tỉnh, thành nơi đây chưa khai thác được gì nhiều.

Ông Lê Thanh Quý, Giám đốc khách sạn Sài Gòn – Cần Thơ cho biết, lượng khách mà khách sạn của ông “tiếp đón” từ đầu năm đến nay vẫn đều đều vậy chứ không tăng bao nhiêu. Và không nhiều người khách đến tỏ vẻ quan tâm đến sự kiện lớn của địa phương là nơi đang cai năm Du lịch Quốc gia. Thậm chí, nhiều người dân ở ngay Cần Thơ cũng không biết gì nhiều về sự kiện này, ngoài lễ khai mạc được tổ chức “hoành tráng” hồi đầu năm để nhiều quan khách và người dân địa phương chiêm ngưỡng!

Theo số liệu của UBND tỉnh Tiền Giang, một trong những địa phương “cửa ngõ” của vùng ĐBSCL, trong bảy tháng qua, doanh thu từ du lịch lữ hành chỉ tăng 9%, dịch vụ tăng 33%, khách sạn – nhà hàng tăng 45,5%, trong khi cùng lúc chỉ số giá bình quân đã tăng đến 31%. Như vậy, doanh thu ngành du lịch có tăng cũng chỉ nhờ… giá tăng (?!).

Trên 40 sự kiện, lễ hội… của năm Du lịch Quốc gia đã diễn ra tại ĐBSCL, nhưng ấn tượng để lại trong lòng du khách không nhiều. Trong nhiều nguyên nhân, có lẽ chính công tác lựa chọn sự kiện để tổ chức cũng khó hấp dẫn khách. Giả như, với sự kiện khánh thành sân bay Cần Thơ, liệu có bao nhiêu du khách vì việc ấy mà tìm về Cần Thơ bởi bản thân họ làm sao được vào tham dự, khi thành phần khách mời sẽ chỉ là các quan chức, báo giới…

Còn lễ hội Trái ngon ĐBSCL được tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, nhiều du khách đến để rồi phải thất vọng! Bởi thay vì tận dụng cơ hội để quảng bá những loại trái cây đặc sản của vùng đất này – thậm chí có thể bán rẻ, mời ăn miễn phí, thì nhiều người địa phương chỉ xem đó là cơ hội để “chặt, chém” khách. Cứ mỗi loại trái cây được hét giá cao hơn từ 2.000 – 6.000 đồng so với bình thường, gửi xe gắn máy cứ 5.000 đồng mỗi chiếc, vào cửa thì phải mua vé 10.000 đồng!

Kiểu làm ăn chụp giựt ấy chẳng riêng gì ở ĐBSCL mà nhan nhản khắp các điểm, tua du lịch của Việt Nam. Nhưng đối với ĐBSCL, nơi chưa tạo được dấu ấn trong lòng du khách, thì làm ăn kiểu ấy chẳng khác nào đè bẹp những hào hứng vừa nhen nhóm trong lòng du khách.

3. Giám đốc một doanh nghiệp du lịch ở TPHCM nói rằng, điều đáng buồn là không có nhiều công ty du lịch khai thác tua, tuyến đến ĐBSCL trong năm Du lịch Quốc gia này. Chính công tác quảng bá kém cũng là nguyên nhân.

Không đề cập đến chuyện chung của vùng ĐBSCL, ông Phùng Xuân Mai, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn – Phú Quốc nhận xét: “Phú Quốc chưa có được một hội thảo nào để bàn về du lịch, cũng chẳng bao giờ được đăng cai tổ chức một sự kiện du lịch, văn hóa nào; nhưng từ một hòn đảo nông nghiệp vào mười năm trước, nay nó đã là hòn đảo du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến”.

Cảnh đẹp Phú Quốc thì không phải bàn cãi, nhưng chính cách quảng bá tốt đã làm nó nhanh chóng được nhiều người biết đến. Ông Mai nói, chỉ riêng công ty của ông đã chi bình quân 1,2 tỉ đồng/năm để thiết kế, cập nhật hình ảnh, thông tin cho website giới thiệu về Phú Quốc. Rồi hàng loạt đĩa, tờ bướm… giới thiệu về Phú Quốc cũng được trao tận tay nhiều đại biểu trong và ngoài nước tại các hội thảo, diễn đàn về du lịch trong và ngoài nước… 

Không tìm ra cơ hội để quảng bá, khai thác đã đành, vậy mà khi cơ hội được trao tay nhưng nhiều người quản lý ngành du lịch cũng ngó lơ!

Như triển lãm Du lịch Quốc tế ITE HCMC vào tháng 8 này là sự kiện lớn của ngành du lịch ba nước Đông Dương, tổ chức định kỳ tại TPHCM và ban tổ chức dự định sẽ tổ chức 6 tour khảo sát tuyến điểm và dịch vụ (famtrip) cho khoảng 140 đại diện các hãng lữ hành quốc tế. Cần Thơ cũng được trao cơ hội để quảng bá mình, nhưng khi được đề nghị tổ chức đón khách và chỉ cần hỗ trợ chi phí ăn nghỉ, thì MDTA lại viện lý do này nọ… để rồi cuối cùng, một cơ quan khác phải đứng ra làm thay!

4. Giáo sư Ernst Sagemueller, Tổng giám đốc trường Du lịch châu Âu – Đông Dương (TPHCM), sau khi giới thiệu những hình ảnh khắc họa vẻ đẹp của ĐBSCL, lại “trưng” ra ngay những bức ảnh khác phô bày tình trạng ô nhiễm ở các điểm du lịch. “Chúng ta có chỉ duy nhất một Việt Nam, một ĐBSCL và nếu chúng ta hủy hoại nó trong vòng mười năm thì cần cả một thế kỷ để khắc phục nó”, ông nói.

Ông Quý cũng cho biết, nhiều du khách cũng đang rất khó chịu khi đến tham quan chợ nổi Cái Răng – một điểm đến khá nổi tiếng ở Cần Thơ, chỉ vì tình trạng ô nhiễm, rác thải vô tư. Ông nói, thậm chí có thể gọi nơi này bằng cái tên khác là… “chợ rác” Cái Răng.           

Tiềm năng có thì chưa biết cách tận dụng, nhưng còn “vô tình” phá nó vì sự quản lý lỏng lẻo thì trách sao ĐBSCL vẫn nhạt nhòa trong lòng du khách. Âu cũng là bởi con người mà ra…

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới