Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

ĐBSCL dẫn đầu về hút vốn ngoại nhờ các dự án điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ĐBSCL dẫn đầu về hút vốn ngoại nhờ các dự án điện

Lê Hoàng

(KTSG Online) - Các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lâu nay vốn không phải là trọng điểm trong thu hút vốn nước ngoài đột nhiên vượt lên dẫn đầu cả nước trong 4 tháng đầu năm nay về lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đáng chú ý, các dự án đầu tư sản xuất điện đóng vai trò chính trong sự gia tăng nguồn vốn FDI của khu vực.

Theo thống kê, vốn thực hiện của dự án FDI trong 4 tháng qua ước đạt 5,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

ĐBSCL dẫn đầu về hút vốn ngoại nhờ các dự án điện
Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,3 tỉ đô la, do Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) làm chủ đầu tư, là dự án có vốn FDI lớn nhất tại Cần Thơ. Trong ảnh là nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), tính từ đầu năm đến ngày 20-4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,25 tỉ đô la Mỹ, bằng 99,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, có 263 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 2,7 tỉ đô la, thứ tự giảm 21,5%, và giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 1.151 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt trên 1 tỉ đô la, thứ tự giảm 64,1% và 57,8% so với cùng kỳ năm 2000.

Trong khi đó, trong cùng thời gian này, đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới có 451 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỉ đô la, thứ tự giảm 54,2% và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái.  Chính nguồn vốn FDI đăng ký mới này tăng cao đã giúp đẩy tổng nguồn vốn ngoại vào Việt Nam tăng cao trong 4 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, theo tìm hiệu của KTSG Online, kết quả nguồn vốn FDI mới này tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh do Covid-19 trên thế giới còn phức tạp là chủ yếu nhờ vào hai dự án điện được cấp phép đầu tư ở các địa phương của khu vực ĐBSCL.

Cụ thể, thành phố Cần Thơ cấp phép dự án nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II, công suất thiết kế 1.050 MW, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,3 tỉ đô la, do Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) làm chủ đầu tư.

Trong 4 tháng có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn trên 4,8 tỉ đô la, chiếm gần 39,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,5 tỉ đô la, chiếm 20,5%. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,5 tỉ đô la, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư.

Đây cũng là dự án có vốn FDI lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Nhờ dự án điện này mà thành phố của khu vực ĐBSCL này đã vươn lên đứng thứ hai với tổng vốn ngoại đăng ký, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư cả nước trong 4 tháng.

Đáng chú ý, trong tháng 3 vừa qua, chính quyền tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhà máy điện LNG Long An I&II vốn thực hiện khoảng 3 tỉ đô la. Dự án do Công ty Vinacapital GS Energy Pte. Ltd thực hiện đầu tư có công suất dự kiến 3.000 MW, bao gồm hai nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500 MW.

Cũng chính nhờ dự án đầu tư vào sản xuất điện này mà tỉnh Long An đã vượt qua tất cả các tỉnh thành khác trong cả nước để dẫn đầu với tổng vốn đầu tư ngoại đăng ký vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, đạt gần 3,3 tỉ đô la, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Điều này cho thấy chỉ cần hai dự án đầu tư vào sản xuất điện mà các địa phương này của khu vực ĐBSCL vốn lâu nay thu hút nguồn vốn ngoại rất thấp trong nhiều năm qua bổng chốc bay lên đứng đầu cả nước về vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, thành tích dẫn đầu nguồn vốn ngoại này của Cần Thơ và Long An khó duy trì bền lâu vì mang tính đột biến của một dự án tỉ đô la mang lại.

Trong khi đó, những địa phương khác dù không có dự án lớn lên đến tỉ đô la nhưng lại có nhiều dự án sản xuất công nghiệp, kinh doanh hơn. Cụ thể TPHCM đứng vị trí thứ ba với 1,1 tỉ đô la, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư ngoại đăng ký trong 4 tháng.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực luôn dẫn đầu vốn ngoại cam kết vào Việt Nam, chiếm hơn 50% tổng vốn đăng ký. Tuy nhiên, dù lĩnh vực này tiếp tục dẫn đầu vốn cam kết ngoại vào Việt Nam, đạt 5,2 tỉ đô la, nhưng rong 4 tháng đầu năm nay chỉ chiếm 42,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện nhờ có những dự án lớn mà trở thành lĩnh vực có vốn đăng ký lớn thứ 2, với tổng vốn đầu tư gần 5,1 tỉ đô la, chiếm 41,3% tổng vốn đầu tư đăng ký vào tất cả các lĩnh vực.

Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 778 triệu đô la và 464 triệu đô la.

Dù hoạt động vẫn đang bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng các nhà đầu tư vẫn cho triển khai thực hiện dự án đầu tư ở Việt Nam. Cụ thể, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 4 tháng ước đạt 5,5 tỉ đô la, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một kết quả mà theo giới phân tích là đáng khích lệ.

Trên thực tế, hoạt động sản xuất của khối doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam vẫn tăng trưởng khá. Theo MPI, kim ngạch xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt trên 80,6 tỉ đô la, tăng 38,7% so với cùng kỳ, chiếm 78% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt trên 80,1 tỉ đô la, tăng 39,2% so với cùng kỳ, chiếm 77,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 66,2 tỉ đô la, tăng 32,8% so cùng kỳ và chiếm 65,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2021, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 14,4 tỉ đô la kể cả dầu thô và xuất siêu 13,9 tỉ đô la không kể dầu thô. Xuất siêu khu vực đầu tư nước ngoài đã bù đắp cho phần nhập siêu 12,5 tỉ đô la của khu vực doanh nghiệp trong nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới