Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

ĐBSCL hạn chế tưới nước cây trồng, đồng bằng sông Hồng giữ nước mặt ruộng

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn như tích trữ nước ngọt khi triều thấp, hạn chế tưới nước nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất. Trong khi đó, ở khu vực đồng bằng sông Hồng, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân cần giữ nước mặt ruộng, đảm bảo đủ nước cho cây lúa trong giai đoạn làm đòng, trổ bông, tránh ảnh hưởng đến thu hoạch của vụ mùa.

Ảnh hưởng của xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trung Chánh

TTXVN dẫn lời đại diện phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) cho biết, từ nay đến ngày 10-5, tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng dần vào giữa tuần rồi giảm dần. Độ mặn phổ biến tại các trạm lớn hơn so với độ mặn cao nhất hồi tháng 4-2022. Còn một số trạm như trạm tại Long An, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh có độ mặn nhỏ hơn.

Theo đó, chiều sâu ranh mặn 4 phần ngàn xâm nhập sâu và có khả năng có phạm vi xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là từ 40-50km; tại sông Cửu Tiểu, Cửa Đại là từ 30-35km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên là từ 35-40km; sông Hậu là 25-30km; còn sông Cái Lớn là từ 40-50km.

Cũng theo TTXVN, tình hình xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2022-2023 ở mức tương đương mùa khô 2021-2022. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long là từ cấp 1 đến cấp 2.

Do vậy, các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn như tích trữ nước ngọt khi triều thấp, hạn chế tưới nước nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất. Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém thì trước khi tưới nước, người dân cần kiểm tra nồng độ mặn.

TTXVN cho biết, tại các tỉnh phía Bắc Trung Bộ, lúa vụ đông xuân đã trổ; các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, lúa đang ở giai đoạn phân hóa đòng. Theo đó, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cần chủ động các biện pháp bảo vệ hoa màu tránh tác động của nắng nóng và phòng trừ dịch hại kịp thời, đảm bảo vụ mùa.

Cụ thể, tại khu vực Bắc Trung Bộ, nông dân thu hoạch nhanh diện tích lúa đông xuân đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do những đợt mưa dông bất thường gây ra.

Trên các diện tích đã thu hoạch triển khai cày lồng vùi rơm rạ sớm, kết hợp xử lý chế phẩm sinh học (Trichoderma, AT-YTB...) để phân hủy nhanh rơm rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ với lúa vụ sau, đồng thời, hạn chế cầu nối sâu bệnh cho vụ sau.

Ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương giữ nước mặt ruộng, đảm bảo đủ nước cho cây lúa trong giai đoạn làm đòng, trổ bông, đồng thời, tùy theo giai đoạn của lúa mà nông dân bón đón đòng kịp thời; bón bổ sung Kaliclorua và cân đối NPK để lúa sinh trưởng phát triển tốt, theo dõi diễn biến thời tiết và sâu, bệnh hại để chủ động phòng trừ dịch hại.

Ngoài ra, các tỉnh thành được đề nghị chủ động lên kế hoạch gieo cấy lúa vụ hè thu, vụ mùa và vụ đông 2023 theo định hướng là mở rộng diện tích các giống lúa cực ngắn và ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được với sâu bệnh và điều kiện thời tiết không thuận lợi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới