Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

ĐBSCL: Hợp long cầu Mỹ Thuận 2 và khởi công cầu Đại Ngãi

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỉ đồng  được hợp long vào hôm nay (14-10) sau hơn 3 năm khởi công xây dựng. Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 nối tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng sẽ được khởi công xây dựng vào ngày mai, 15-10.

Cầu Mỹ Thuận 2 được hợp long vào hôm nay, 14-10. Ảnh: Trung Chánh

Việc hợp long chuẩn bị đưa dự án cầu Mỹ Thuận 2 vào khai thác từ cuối năm nay cũng như đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi được kỳ vọng tạo "cú huých" đột phá về hạ tầng giao thông cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là khi các dự án cao tốc trục dọc và trục ngang như cao tốc Cần Thơ- Cà Mau; Châu Đốc (An Giang)- Cần Thơ- Trần Đề (Sóc Trăng) và dự án Cao Lãnh- An Hữu đã được khởi công xây dựng.

Công ty cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam (Trungnam E&C) - đơn vị phối hợp cùng liên danh thực hiện gói thầu XL03B (thi công thân trụ (T14-T17) và kết cấu nhịp chính dây văng cầu Mỹ Thuận 2) - cho biết đây là công trình trọng điểm của khu vực ĐBSCL, giúp giải toả, kết nối giao thông vùng và rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đến vũng lõi kinh tế của ĐBSCL.

Gói thầu XL03B đã được Trungnam E&C và liên danh thực hiện xong việc thi công bó cáp cuối cùng số MC14-MC16; đã hoàn thành thi công khối đúc hẫng cuối của nhịp chính và hợp long nối đôi bờ sông Tiền vào hôm nay, 14-10.

Dự kiến cuối năm nay, sẽ hoàn tất công tác đúc dầm để thi công các hạng mục hoàn thiện khác trên mặt cầu và đưa vào khai thác, theo Trungnam E&C.

Cầu Mỹ Thuận 2 là "cú huých" tạo đột phá mới cho phát triển hạ tầng ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Trước đó, vào ngày 19-8-2020, dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng mức đầu tư 5.003 tỉ đồng đã được khởi công xây dựng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và Mỹ Thuận- Cần Thơ, giúp hoàn thiện tuyến cao tốc từ TPHCM về Cần Thơ.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có điểm đầu tại km 101+126, kết nối vào dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và điểm cuối tại km 107+740 kết nối với dự án cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ tại nút giao quốc lộ 80 thuộc địa phận TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Công trình có tổng chiều dài 6,61 km, trong đó, đường dẫn hai cầu dài 4,7 km (phía Tiền Giang khoảng 4,3 km và phía Vĩnh Long khoảng 0,4 km), được đầu tư với quy mô 4 làn xe ở giai đoạn trước mắt và sẽ được nâng lên 6 làn xe trong giai đoạn hoàn chỉnh.

Về phần cầu chính, có chiều dài khoảng 1.906 mét, được đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 6 làn xe (bề rộng mặt cầu xe chạy là 25 mét), có vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Nhịp chính dự án có kết cấu dây văng dài 650 mét; nhịp dẫn kết cấu dầm Super T và dầm hộp đúc hẫng cân bằng dài 1.276 mét.

Cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến đưa vào khai thác từ cuối năm 2023, giúp kết nối thông tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận với Mỹ Thuận- Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Trong khi đó, dự án cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 nối tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, có tổng mức đầu tư gần 8.000 tỉ đồng từ vốn ngân sách nhà nước do Ban quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư sẽ được khởi công xây dựng vào ngày mai, 15-10.

Dự án này có điểm đầu giao quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh và điểm cuối giao với quốc lộ Nam sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Toàn tuyến dự án cầu Đại Ngãi có chiều dài trên 15 km, bao gồm 5 nút giao, 7 cầu, trong đó, có 2 cầu vượt sông Hậu là cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2.

Dự án cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh và Sóc Trăng sẽ được khởi công xây dựng vào ngày mai, 15-10. Trong ảnh là phối cảnh dự án. Ảnh: Ban quản lý dự án 85.

Theo đó, cầu Đại Ngãi 1 được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng cầu 17,5 mét, trong đó, riêng phần cầu chính dây văng bề rộng 21,5 mét; cầu Đại Ngãi 2 có quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng cầu 17,5 mét.

Việc đầu tư dự án này sẽ giúp nối thông tuyến quốc lộ 60, góp phần nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TPHCM. Điều này giúp tiết kiệm thời gian di chuyển và giảm chi phí vận tải hàng hoá, mở rộng giao thương cũng như giúp rút ngắn khoảng 80 km so với tuyến quốc lộ 1 khi di chuyển từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng về TPHCM và ngược lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới