Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

ĐBSCL: Thiếu dữ liệu về nguồn cát, khó tính chuyện khai thác bền vững

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đồng bằng sông Cửu Long từng xuất khẩu cát đi Singapore thậm chí phải khai thác tận thu để khơi thông luồng lạch. Thế nhưng, hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm ở khu vực này, nhất là các tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang lại đang bị chậm tiến độ vì thiếu cát.

Điều này đặt ra vấn đề khai thác bền vững để đảm bảo nguồn cát, không chỉ cho các dự án hạ tầng mà còn cho nhiều dự án quan trọng khác của khu vực trong tương lai. Và để khai thác bền vững thì trước hết, vùng cần có dữ liệu đầy đủ về nguồn cát.

Cát phục vụ thi công các dự án cao tốc ở ĐBSCL đang thiếu hụt. Ảnh: Trung Chánh

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai 9 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư 106.000 tỉ đồng. Trong đó, có 8 dự án đang thi công. Tuy nhiên, hiện tiến độ thực hiện của các dự án cao tốc được xác định đang chậm so với kế hoạch đề ra.

Cao tốc miền Tây vẫn than chậm vì… thiếu cát

Tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL” được tổ chức ở thành phố Cần Thơ hôm qua (16-10), ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trừ dự án thành phần 1 thuộc cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng, dự án Cầu Rạch Miễu 2 và cầu Đại Ngãi, hầu hết tiến độ của các dự án/dự án thành phần đang chậm hơn so với kế hoạch từ 4% đến 15%.

Cụ thể, dự án cao tốc Cần Thơ- Cà Mau, đoạn Cần Thơ- Hậu Giang đạt 48,5%/59,4% kế hoạch, đoạn Hậu Giang- Cà Mau đạt 42%/53,2%; cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng, dự án thành phần 1 đạt 31%/30,5%, dự án thành phần 2 đạt 12,07%/27,58%; dự án thành phần 3 đạt 23%/27%, dự án thành phần 4 đạt 10,6%/19%.

Cao tốc Cao Lãnh- An Hữu, dự án thành phần 1 đạt 39%/49%, dự án thành phần 2 mới bắt đầu thi công đào hữu cơ, đường công vụ; dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Rạch Sỏi- Bến Nhất, Gò Quao- Vĩnh Thuận đạt 7,1%/11,8% kế hoạch; dự án cầu Đại Ngãi đạt 47,4%.

Nguyên nhân khiến tiến độ thi công chậm, theo ông Lâm, vẫn là do nguồn vật liệu cát đắp nền cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này, gây lãng phí thời gian, nguồn lực của các nhà thầu, ảnh hưởng đến hiệu quả thi công và tiến độ hoàn thành các dự án.

Chẳng hạn, với cao tốc Cần Thơ- Cà Mau và đường Hồ Chí Minh, để hoàn thành dự án đúng tiến độ vào cuối năm 2025, đơn vị xây dựng cần hoàn thành công tác gia tải chậm nhất vào ngày 31-12-2024. Tuy nhiên, hiện cao tốc Cần Thơ- Cà Mau, công suất khai thác cung ứng cát đắp (đắp cát gia tải) hàng ngày mới đạt 54.000 m3/76.000m3, chưa đủ yêu cầu. Với dự án đường Hồ Chí Minh, hiện mới thi công các cầu và đào bóc hữu cơ đường do chưa hoàn thành thủ tục cấp mỏ.

Ở góc độ địa phương, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, địa phương có hai nguồn cát, gồm cát biển và cát sông. Trong đó, tỉnh đã thuê tư vấn khảo sát 8 mỏ cát sông phục vụ cho cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng. Lúc đầu, 8 mỏ trữ lượng dự kiến khoảng 16 triệu m3 nhưng khi làm thủ tục giao nhà thầu, khảo sát thực tế thì không đạt. Trong đó, có 4 mỏ không có cát để khai thác.

Theo ông, sau khi đánh giá 4 mỏ, để đảm bảo khai thác không gây sạt lở, từ đây đến tháng 6-2025, chỉ khai thác tối đa chỉ khoảng 3 triệu m3 trong khi nhu cầu cho cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng đối với dự án thành phần 4 qua Sóc Trăng cần đến 6,6 triệu m3. Vì vậy, ông kiến nghị, được phép sử dụng cát biển ở những địa điểm, đoạn tuyến có điều kiện môi trường phù hợp, với khối lượng khoảng 3,6 triệu m3.

Với An Giang, ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết địa phương đang thiếu 3,5 triệu m3. Tỉnh đã tiến hành đo đạc, xác định trữ lượng nhằm cố gắng đảm bảo khối lượng này nhưng lại lo có khả năng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án thời gian tới vì thiếu cát đắp nền đường.

An Giang có mỏ cát Vàm Nao nhưng hiện đã khai thác vượt 144.000 m3 so với mức quy định trong nên phải tạm dừng, chờ đến ngày 1-1-2025 mới có thể khai thác tiếp.

Ngoài các dự án cao tốc, ĐBSCL còn cần cát cho các dự án hạ tầng khác. Trong ảnh là cao tốc Cần Thơ- Cà Mau đoạn qua tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh

Có thể giải quyết việc thiếu cát trước mắt

Để giải quyết bài toán cát cho các dự án hạ tầng giao thông ở ĐBSCL, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, cần có quy định khai thác mỏ linh hoạt hơn.

Chẳng hạn, với mỏ Vàm Nao, do đây là mỏ nạo vét luồng lạch, có tổng khối lượng khai thác gần 3 triệu m3 trong 3 năm cho nên thay vì chia bình quân mỗi năm khai thác hơn 900.000 m3 thì nên không hạn chế công suất theo năm để có thể khai thác liên tục nhằm đưa cát vào công trường từ nay đến cuối năm 2024, giúp việc gia tải đúng tiến độ.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cũng kiến nghị tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ bổ sung tăng công suất khai thác mỏ Thường Thới Tiền thêm 450.000 m3 để bù cho phần thiết hụt do hai trong bảy mỏ cát được cấp có chất lượng kém, làm thiết đến 476.000 m3.

Với tỉnh Bến Tre, ban quản lý dự án đã thống nhất với địa phương để phấn đến đầu tháng 10 này giao hai mỏ; ở Tiền Giang, có một mỏ đang làm thủ tục.

Ở góc độ nhà thầu thi công, ông Lê Xuân Long, Giám đốc chi nhánh phía Nam Tổng công ty xây dựng Trường Sơn cho rằng, nếu thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ trong huy động, giải quyết vướng mắc thì các khó khăn về nguồn cát sẽ được giải quyết. Vấn đề hiện nay là phải tăng công suất khai thác cát vì sau khi có sự vào cuộc của các địa phương, các địa chỉ của những nguồn cung cấp cơ bản đã có và ước tính số lượng đã đủ cho nhu cầu.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đã xác định được nguồn cát sông đạt 72,3 triệu m3 trong khi nhu cầu hiện nay là khoảng 65 triệu m3.

Thiếu dữ liệu chính xác về nguồn cát

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt vấn đề về việc quản lý dữ liệu tài nguyên cát của ĐBSCL để khai thác bền vững nhằm đảm bảo cát cho các dự án hạ tầng trước mắt và những dự án quan trọng khác của vùng sau này.

Theo ông, vào năm 2017, thời điểm Ban hành nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng biến đổi khí hậu, cát ở vùng này được xuất khẩu sang Singapore thậm chí dư thừa đến mức phải khai thác tận thu nhằm khơi thông luồng lạch.

Tuy nhiên, khi các đập thủy điện ở thượng nguồn hình thành, cát về ĐBSCL ít hơn, làm cho nhiều mỏ cát trước đây không còn cát hoặc có nhưng chất lượng cát lại không đáp ứng được yêu cầu của công trình giao thông.

“Rõ ràng, dữ liệu về tài nguyên cát của ĐBSCL chúng ta nắm chưa chắc nên hình dung trữ lượng là như vậy nhưng lại không phải", ông Hoan nói.

Chính vì vậy, Bộ trưởng kiến nghị, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần khảo sát tất cả các mỏ cát ở ĐBSCL để có dữ lượng chính xác về trữ lượng cát. Việc này không chỉ giúp các bên liên quan nắm rõ hơn nguồn cát của khu vực nhằm tính cụ thể việc khai thác để phục vụ các dự án cao tốc trước mắt mà còn cho các dự án dự án hạ tầng giao thông phát triển đô thị, công nghiệp... sau này.

“Cao tốc có rồi thì đô thị, công nghiệp sẽ mọc lên, thành ra đây là giai đoạn chúng ta cần phân tích thật sự chúng ta có cái gì, có bao nhiêu và sử dụng được ra sao”, ông nói và cho rằng, nếu cứ để các dự án khởi động, thi công rồi mới loay hoay tìm mỏ cát thì sẽ rất khó khăn để xử lý các vấn đề giúp dự án thực hiện đúng tiến độ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới