(KTSG) - “Mức tăng trưởng cao diễn ra ở một vài khu vực chứ không trải dài trên toàn nền kinh tế. Các nhà xuất khẩu phải biết cách “liệu bò lo chuồng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
- Giá cà phê lập đỉnh mới, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu than không kịp trở tay
- Xuất khẩu tôm, cá ngừ trong quí 1-2024 đạt tăng trưởng hai con số
KTSG: Dù tăng trưởng GDP quí 1-2024 là 5,66% - cao nhất so với kỳ quí 1 từ năm 2020 tới nay, nhưng trên thực tế, cảm nhận về sự phát triển của nền kinh tế không được khả quan như vậy. Điều này cần được lưu ý và lý giải như thế nào, thưa ông?
- TS. Nguyễn Trí Hiếu: Ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều chiếm đa số, lần lượt chiếm 72,9% và 65,05%. Như vậy, doanh nghiệp FDI nhập khẩu nguyên vật liệu, sản xuất hàng hóa rồi xuất đi các nước khác trên thế giới, chứ không phục vụ nhu cầu nội địa của Việt Nam. Việt Nam trở thành một công xưởng chế biến, trung chuyển.
Điều này dẫn đến hai vấn đề, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp FDI và phần lợi ích từ thặng dư thương mại không được phân phối lại trong nội địa (thậm chí, trên thực tế, khu vực kinh tế trong nước đang nhập siêu hơn 4 tỉ đô la Mỹ). Đây là thực trạng đã kéo dài nhiều năm nay của nền kinh tế Việt Nam.
Trong ba tháng đầu năm 2024, tính cả số doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, toàn nền kinh tế vẫn mất đi 14.130 doanh nghiệp. Tình trạng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký mới đã xảy ra vào cùng kỳ năm 2023 nhưng ngay cả khi GDP toàn nền kinh tế tăng tới mức 5,66% như quí 1 vừa qua mà tình trạng này vẫn như vậy đồng nghĩa tăng trưởng kinh tế cao chỉ diễn ra ở một vài khu vực, có thể là một số doanh nghiệp lớn và khối FDI chứ không trải dài trên toàn nền kinh tế. Vậy nên, khu vực kinh tế nội địa vẫn còn xập xình lắm.
KTSG: Bàn về câu chuyện xuất khẩu, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa giảm lãi suất, kéo theo ngân hàng trung ương châu Âu có thể cũng chưa giảm lãi suất. Nợ công của Chính phủ Mỹ, nợ tiêu dùng của người dân Mỹ đều lên mức cao kỷ lục trong khi lạm phát ở châu Âu vẫn ở mức cao, là dấu hiệu suy giảm về nhu cầu hàng hóa tiêu dùng. Theo ông, khi triển vọng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu có thể sẽ không quá lạc quan, phương án ứng phó phù hợp sẽ là gì?
- Nếu Fed vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giữ lãi suất ở mức cao thì tất cả các mức lãi suất khác trong nền kinh tế Mỹ như lãi suất mua nhà, mua xe, lãi suất thẻ tín dụng... đều neo ở mức cao. Mức lãi suất này sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ cân nhắc hơn khi chi tiêu, trong đó có việc mua sắm hàng hóa.
Tới thời điểm này, đúng là chưa nhìn thấy dấu hiệu chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ xoay chiều mạnh mẽ. Nếu có, việc Fed giảm lãi suất cũng phải diễn ra vào nửa sau của năm 2024. Với chính sách tiền tệ như vậy, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chắc chắn sẽ bị tác động. Trước tình hình này, các nhà xuất khẩu phải biết cách “liệu bò lo chuồng”.
Một thông tin đáng lưu ý là theo báo cáo “Triển vọng kinh tế châu Á và tiến bộ hội nhập” công bố tại Diễn đàn châu Á Bắc Ngao (Trung Quốc), châu Á được nhận định là điểm sáng của kinh tế toàn cầu năm 2024 với mức tăng trưởng dự kiến là 4,5%. Hai nền kinh tế đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đóng góp một nửa tổng mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam, cả khối trong nước lẫn khối FDI càng mở rộng được thị trường thì càng có lợi.
Mỹ là nền kinh tế có sức tiêu thụ lớn nhất trên thế giới, vì vậy, một mặt phải tìm cách duy trì lượng xuất khẩu, một mặt phải tìm kiếm các thị trường bổ sung để tránh việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ. Việt Nam đang xúc tiến ký nhiều nghị định thư xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, điều này có thể mở ra triển vọng tốt hơn cho xuất khẩu nông sản, thủy sản sang đất nước tỉ dân này. Ngoài ra, nếu khai thác hiệu quả hơn các thị trường lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Singpore, Thái Lan, Indonesia..., sẽ là điều rất tốt.
Tuy nhiên, cái khó nằm ở chỗ xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam chủ yếu nằm trong tay khối FDI. Doanh nghiệp FDI có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu, tuy nhiên, quyền chủ động phụ thuộc vào chính họ. Doanh nghiệp nội địa chưa có thế mạnh trong các ngành hàng khối FDI đang xuất khẩu. Chúng ta chỉ có thể chủ động khai thác thế mạnh trong ngành nông nghiệp, chiếm tỷ trọng trong xuất khẩu chưa cao nhưng mang lại nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
KTSG: Ông nhìn nhận và đánh giá như thế nào về những động lực tăng trưởng mới của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới? Chúng ta cần làm gì để khai thác được những động lực này?
- Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện bán tín chỉ carbon, với số lượng 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (tương ứng 10,3 triệu tấn CO2), thu về khoảng 1.200 tỉ đồng. Năm 2025, Việt Nam sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, tiến tới vận hành chính thức vào năm 2028, vì vậy, mọi sự chuẩn bị cho việc này sẽ phải được thực hiện trong năm 2024.
Nhìn rộng hơn, tăng trưởng xanh sẽ góp phần lớn vào mức tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới. Chúng ta đã có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó đặt ra nhiệm vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn...
Quan trọng không kém, nếu không mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi xanh, hàng hóa Việt Nam sẽ đối diện với nhiều rủi ro vì chưa đáp ứng yêu cầu xanh hóa theo quy định của các thị trường nhập khẩu truyền thống là châu Âu và Mỹ.
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Nền kinh tế vẫn chưa thuận lợi
Xuất khẩu quí 1-2024 khởi sắc một phần liên quan đến chu kỳ nhập hàng của các nhà bán lẻ chứ không chỉ do sự cải thiện sức cầu từ các thị trường lớn. Việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2022 liên quan nhiều tới tồn kho của các nhà bán lẻ tại thị trường Mỹ, châu Âu.
Liên tiếp các năm 2020-2022, khi nền kinh tế thế giới chịu tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lập nên các kỷ lục mới bởi lẽ các hoạt động dịch vụ giải trí đình trệ, người tiêu dùng các nước chuyển hướng từ tiêu dùng dịch vụ sang tiêu dùng hàng hóa, các thiết bị gia đình, tivi, điện thoại, các mặt hàng dệt may, giày dép...
Cùng với đó, các nhà bán lẻ lo ngại tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lặp lại nên tăng nhập khẩu hàng hóa để dự phòng. Khi các nền kinh tế mở cửa sau đại dịch, tồn kho của các nhà bán lẻ ở mức cao, các hoạt động dịch vụ giải trí như du lịch, phim ảnh, âm nhạc... diễn ra như bình thường. Trong năm 2023, các nhà bán lẻ tập trung giải phóng tồn kho, tới thời điểm cuối năm 2023, khi hàng hóa cạn kiệt bớt thì họ đặt hàng trở lại.
Nhìn tổng thể, tình hình xuất khẩu năm 2024 sẽ được cải thiện so với năm 2023 nhưng khó có sự tăng trưởng đột biến ở các thị trường như giai đoạn dịch Covid-19. Các doanh nghiệp vẫn phải tích cực tìm kiếm thị trường mới và cố gắng cải thiện kim ngạch ở các thị trường quen thuộc.
Dù mức tăng trưởng GDP quí 1-2024 đạt 5,66% nhưng vẫn tồn tại hai vấn đề cần lưu tâm. Thứ nhất, như từ trước tới nay, tăng trưởng kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu của khối FDI (chiếm tới 72,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu quí 1-2024 là 93,06 tỉ đô la Mỹ). Lợi ích từ việc xuất khẩu hiện tồn tại dưới dạng lợi nhuận chưa phân phối, sau đó chủ yếu sẽ được chuyển về các quốc gia mẹ của doanh nghiệp FDI nên không có nhiều sự lan tỏa tới các khu vực kinh tế trong nước.
Thứ hai, tăng trưởng chủ yếu đến từ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đã tồn tại trên thị trường từ lâu. Vì vậy, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động thấp hơn số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (có thời hạn, tạm ngừng hoạt động kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể) là 14.130 doanh nghiệp. Thanh lọc tự nhiên trên thị trường khiến những doanh nghiệp yếu kém phải rời khỏi thị trường vẫn luôn diễn ra thường xuyên nhưng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động nhiều như vậy chứng tỏ bối cảnh chung của nền kinh tế vẫn chưa thuận lợi.
Về động lực tăng trưởng cho các quí tiếp theo, sau quí 1-2024 bắt đầu chậm chạp do trùng dịp nghỉ Tết và thực hiện các thủ tục phê duyệt đầu tư công, quí 2-2024 sẽ cải thiện một chút. Tiêu dùng trong nước cũng có thể cải thiện khi lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng thương mại vẫn thấp, giá các tài sản như bất động sản, cổ phiếu tăng khiến người dân cảm thấy tài sản của họ gia tăng. Khi cả khu vực đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều khả quan hơn, tăng trưởng quí 2-2024 có thể được dự báo cao hơn so với quí 1-2024.
Khánh Nguyên (ghi)