Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Để chuyển đổi số thành công, cần có luật về cơ sở dữ liệu

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Tuy nhiên, muốn chuyển đổi số thành công, chuyên gia đề nghị phải sớm có luật về cơ sở dữ liệu.

Để chuyển đổi số thành công, cần có luật về cơ sở dữ liệu. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” diễn ra vào hôm nay, 29-10, ông Nguyễn Quân, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh chuyển đổi số là yêu cầu vô cùng quan trọng, nhưng quá trình này đang diễn ra rất chậm, không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Ở góc độ chuyên gia, ông Quân cho biết, ông đã kiến nghị sớm có luật về cơ sở dữ liệu. Bởi, đây là lĩnh vực rất mới, trong khi kinh tế- xã hội muốn phát triển mạnh phải làm chủ được cơ sở dữ liệu.

Do không có luật về cơ sở dữ liệu nên Việt Nam chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia một cách hoàn chỉnh, khoa học. Trong khi đó, nếu để doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân xây dựng cơ sở dữ liệu riêng, không theo một chỉ đạo và cấu trúc thống nhất, thì chắc chắn sẽ rất khó tích hợp để trở thành cơ sở dữ liệu quốc gia.

Theo ông Quân, hiện Bộ Công an đang có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là một bộ phận rất quan trọng, tuy nhiên, nhiều lĩnh vực khác vẫn chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia, cho nên, quy hoạch tổng thể quốc gia rất là khó khăn.

Trước đây, cơ sở dữ liệu không được xem là một tài sản, nhưng bây giờ nó là tài nguyên, tài sản rất đặc biệt, bởi càng chia sẻ giá trị sẽ càng lớn, chứ không giảm đi như các loại tài sản khác.

“Để có cơ sở dữ liệu quốc gia như vậy, chúng ta cần có luật về cơ sở dữ liệu, trong đó, có quy định về cấu trúc, thẩm quyền, quyền sở hữu, quy định về chia sẻ, quyền lợi sử dụng cơ sở dữ liệu, quy định về sử dụng an toàn bảo mật thông tin, kể cả thông tin cá nhân và của các tổ chức về cơ sở dữ liệu quốc gia”, ông Quân nhấn mạnh.

Trước đó, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển, nhất là lĩnh vực nông nghiệp khi đã đóng góp phần lớn sản lượng và giá trị xuất khẩu nông, thuỷ sản của cả nước. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL cũng đang tồn tại nhiều hạn chế và bất cập, trong đó, vấn đề cần đặc biệt lưu ý là tăng trưởng kinh tế chậm lại, ô nhiễm môi trường gia tăng, tài nguyên đất, rừng đang bị suy thoái, trung tâm logistics lớn chưa được hình thành…

Chính vì vậy, ông Tâm cho rằng, chuyển đổi số là một trong những giải pháp để cơ cấu lại kinh tế vùng, khắc phục những yếu kém hiện tại nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Cao Gia Huấn, Trưởng ban Công nghệ thông tin của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp việc sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn. Chẳng hạn, thông qua ứng dụng chẩn đoán sâu bệnh được cài đặt trên thiết bị di động, nông dân chỉ cần cung cấp hình ảnh, kỹ sư của đơn vị có thể xác định chính xác nguyên nhân và đưa ra khuyến nghị cho người nông dân thực hiện.

Bên cạnh những vấn đề đã được đặt ra, để chuyển đổi số thành công, các đại biểu tham dự hội thảo gợi ý cần quan tâm đến nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Đặc biệt, ở cấp độ địa phương, phải có chính sách đào tạo, thu hút chuyên gia về chuyển đổi số, gồm chuyên gia trong và ngoài nước nhằm giúp doanh nghiệp, các tổ chức trên địa bàn sớm chuyển đổi số thành công…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới