Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao cần cải tiến giáo dục

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao cần cải tiến giáo dục

Thành Hoa

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao cần cải tiến giáo dục
Việc đào tạo chạy theo số lượng mà bỏ quên chất lượng đã gây ra tình trạng thất nghiệp như hiện nay. Trong ảnh là người lao động xếp hàng xác nhận thông tin chưa tìm được việc làm để nhận bảo hiểm thất nghiệp tại TPHCM – Ảnh: Thành Hoa

(TBKTSG Online) – Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng, quyết  định cho sự phát triển kinh tế, xã hội của mọi quốc gia, và để có được nguồn nhân lực chất lượng cao trước tiên phải cải tiến giáo dục. Đó là ý kiến chung của nhiều nhà nghiên cứu tham dự hội thảo về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu tái cơ cấu kinh tế TPHCM được tổ chức vào sáng nay 12-11.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thảo đến từ Hội Khoa học phát triển Nguồn nhân lực-Nhân tài Việt Nam (TPHCM) cho rằng, để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phải bắt đầu từ những điểm yếu của chúng ta, đó là giáo dục.

“Muốn nâng cao chất lượng lao động phải đổi mới từ gốc, từ lĩnh vực giáo dục đào tạo, từ lĩnh vực trồng người,” TS Thảo nói. Đây là vấn đề khó khăn nhất, vì không thể làm một sớm một chiều mà có kết quả ngay được. Đổi mới phải “căn bản, toàn diện” từ đó mới mong có được một đội ngũ nhân lực đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thời kỳ hội nhập.

Theo Tiến sĩ Hoàng Trung, Đại học Kinh tế TPHCM, hiện nay ở Việt Nam đang hình thành hai loại hình nhân lực: nhân lực phổ thông và nhân lực chất lượng cao, trong đó nhân lực chất lượng cao chiếm tỷ lệ rất thấp. Nếu so với lao động các nước thì chất lượng lao động của chúng ta còn rất thấp. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 các nước châu Á tham gia bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm 2010. Trong khí đó, số điểm của Hàn Quốc là 6,91 điểm, Malaysia 5,59 điểm, và Thái Lan 4,94 điểm…

PGS.TS Bùi Ngọc Oánh, Viện Trưởng Viện Khoa học Phát triển Nhân Lực – Tài Năng, cho rằng trong giáo dục đào tạo cần chú ý đến ba yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện nay: Nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo và tổ chức đào tạo.

Bên cạnh yếu tố giáo dục, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng còn có yếu tố văn hóa gia đình và cách tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp (gia đình có tâm lý sính bằng cấp, doanh nghiệp chỉ đăng tuyển người lao động có trình độ đại học) khiến cho sinh viên cứ chạy vào các trường đại học để theo học, gây ra tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay.

Theo Tiến sĩ Hoàng Trung của Đại học Kinh tế TPHCM, nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận của nguồn nhân lực nói chung, nhưng là một bộ phận đặc biệt, bao gồm những người có trình độ học vấn cao đẳng, đại học trở lên, làm việc trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, có những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển bền vững của cộng đồng nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Chất lượng nguồn nhân lực có thể căn cứ vào một số tiêu chí như khả năng thích ứng nhanh với môi trường lao động, với tiến bộ khoa học công nghệ mới; có năng lực chuyên môn và trình độ thành thạo nghiệp vụ cao, có ý chí vượt khó, bền bỉ trong công việc, có năng lực kiềm chế bản thân.

Ngoài ra, người lao động thuộc nhóm nhân lực chất lượng cao cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp thể hiện qua  tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm, ý thức tập thể, tinh thần hợp tác; có  kỹ năng làm việc nhóm, khả năng thay đổi thích ứng nhanh, hội nhập cao, có sáng kiến đột phá, sáng tạo trong công việc; và có đóng góp thực sự hữu ích cho xã hội…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới