Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Để công nghiệp bán dẫn không bỏ lỡ ‘chuyến tàu’ đột phá

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tìm kiếm và đưa ra các giải pháp, cơ hội hợp tác để ngành công nghiệp bán dẫn có thể phát triển, từ đó giúp Việt Nam tạo sự đột phá là nội dung quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam với chủ đề “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á”, diễn ra ngày 29-9 vừa qua.

Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam có tiềm năng trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, sản xuất chip... Ảnh minh họa: Intel

Tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực

Tại sự kiện thường niên thảo luận về các cơ hội hợp tác, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nêu trên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực.

Bản dự thảo chiến lược đang được xây dựng sẽ sớm được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn trên toàn cầu đến Việt Nam nghiên cứu phát triển tại Việt Nam. Đặc biệt, sẽ có những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn.

“Hy vọng Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu bằng các chiến lược quốc gia, kế hoạch dài hạn cũng như thu hút đầu tư, tham gia các công đoạn,” ông Dũng nói.

Cũng tại hội nghị trên, ông Nguyễn Chí Dũng, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn vì những yếu tố sau: có chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, đặc biệt là Chính phủ rất quan tâm đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành này; có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn; có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn và các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn.

Việt Nam cũng thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan... Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai quốc gia đã xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Cùng với đó, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp ngành bán dẫn.  Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu  nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam”.

Ông Nguyễn Chí Dũng cho hay Việt Nam cam kết đóng góp  tích cực vào hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á. Hy vọng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu.

Cũng tại hội nghị trên, bà Linda Tan Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) cũng cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ.

Trở thành trung tâm nhân lực cho ngành bán dẫn

Theo thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trước những biến đổi lớn của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, các quốc gia ASEAN và Việt Nam cần nhanh chóng thích nghi để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã đánh giá cao tiềm năng về sản xuất chip bán dẫn ở ASEAN. Trong đó Singapore, Malaysia, Thái Lan có nhiều ưu thế về nền tảng công nghệ và hạ tầng, Việt Nam có nhiều ưu thế về mặt nhân lực.

“Việt Nam mong muốn Việt Nam sẽ trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn không chỉ phục vụ nhu cầu của Việt Nam mà còn đáp ứng nhu cầu khu vực và thế giới,” Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, cũng trong tháng 9 này, Trung tâm đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) ra mắt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Việc ra mắt trung tâm này được kỳ vọng sẽ góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thiết kế và ứng dụng vi mạch để thực hiện mục tiêu Việt Nam là trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới.

Tại sự kiện ra mắt ESC, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM đã chỉ ra định hướng và chiến lược phát triển ngành vi mạch bán dẫn cho Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó mục đích và trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn của Việt Nam giai đoạn tới là phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước mạnh; việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải có chủ đích và được chọn lọc nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển các doanh nghiệp trong nước.

Ông Thi cho rằng, để đi nhanh, bắt kịp các nước trong các ngành này, Việt Nam cần có cách tiếp cận đột phá, đi thẳng vào khâu thiết kế, bao gồm thiết kế sản phẩm và thiết kế vi mạch.

“Để thực hiện cách tiếp cận này, nguồn nhân lực trình độ cao có vai trò then chốt, quyết định. Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển nguồn nhân lực trong nước, đồng thời có những chính sách để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở các nước phát triển, đặc biệt là tại Thung lũng Silicon - nhằm nhanh chóng tiếp thu, chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong nước,” ông Thi nói.

Chia sẻ về thực tiễn phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Synopsys khu vực Nam Á cho biết, hiện Việt Nam đang làm tốt ở lĩnh vực thiết kế chip và có một nguồn nhân lực dồi dào để đào tạo phát triển ngành này. Chính vì thế, rất nhiều công ty mạnh về chip ở Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) đều đã đầu tư vào Việt Nam.

Synopsys đã khởi động các chương trình hỗ trợ đào tạo cho thiết kế chip ở Việt Nam, như trang bị các công cụ bản quyền, tổ chức các khoá học nâng cao… Ông Lâm cho biết với sự hỗ trợ trên, Việt Nam đã có nhóm thiết kế chip thành công đầu tiên là Viettel 5G DFE. Đây là chip được dùng để trang bị cho trạm phát sóng 5G và là kết quả sau 5 năm hợp tác giữa Viettel và Synopsys.

Đại diện đến từ Synopsys cho rằng đây là thời điểm thích hợp nhất để Việt Nam đầu tư vào việc phát triển thiết kế chip. Tuy nhiên, theo ông, muốn phát triển được ngành này cần có sự đầu tư của Nhà nước. Hiện nhiều nước trên thế giới đầu tư từ vài trăm triệu đến hàng chục và hàng trăm tỉ đô la Mỹ, nhưng Việt Nam hiện tại không cần đầu tư lớn như vậy.

Thay vào đó, ông Lâm cho rằng Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực và Nhà nước đầu tư vào các hệ thống hỗ trợ kiểm thử chip khi thiết kế bằng cách xây dựng một trung tâm kiểm thử cho các trường đại học dùng chung.

Phát biểu tại sự kiện trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng cho rằng, sẽ không thể có ngành vi mạch bán dẫn mạnh nếu không có đội ngũ trí thức am hiểu về nó. Phó Thủ tướng trân trọng khi Việt Nam có được sự giúp đỡ của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp quốc tế trong việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho vi mạch bán dẫn và chỉ ra con đường để Việt Nam phát triển không cần phải tiêu tốn nhiều tỉ đô la Mỹ.

Được biết ngày 20-9 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo của các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn.

Tại cuộc làm việc, các doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ đánh giá rất cao tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt là với nguồn nhân lực chất lượng cao và năng lực ngày càng cải thiện của các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo tại Việt Nam.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với Tập đoàn Cadence Design Systems, Inc về việc triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam; biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia và Đại học bang Arizona về việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Tập đoàn Intel về việc phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao...

Tại thung lũng Silicon, Thủ tướng chứng kiến ký kết hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Synopsys để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, lập Viện nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam. Cụ thể Synopsys sẽ hỗ trợ Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông lập kế hoạch thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn.

Qua đây, Synopsys cam kết hỗ trợ ngành bán dẫn Việt Nam tăng cường lực lượng nhân lực thiết kế vi mạch và năng lực nghiên cứu và phát triển.

Cũng tại đây, Thủ tướng chứng kiến lễ công bố Synopsys hỗ trợ Trung tâm Đổi mới Quốc gia, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip, phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam.

Cũng nhân chuyến thăm trên của Thủ tướng, FPT và doanh nghiệp Mỹ là Silvaco cũng đã hợp tác phát triển nguồn nhân lực bán dẫn. Cụ thể, ngày 22-9 vừa qua, tại New York, Mỹ, FPT Semiconductor ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Silvaco (Mỹ) để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và phát triển kinh doanh ở lĩnh vực giàu tiềm năng này.

Theo biên bản hợp tác, hai bên cam kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn cho các công ty bán dẫn ở Mỹ. Cụ thể, Silvaco, Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor JSC), Đại học FPT cam kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho các công ty bán dẫn tại Mỹ. Các bên đồng thời hợp tác để thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực theo chương trình của Chính phủ.

FPT Semiconductor cũng là đại diện và nhà phân phối độc quyền phần mềm của Silvaco trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam. Silvaco là doanh nghiệp phần mềm công nghệ, tự động hóa và bán dẫn.

Nhằm thực hiện cam kết trên, trong tháng 9 này, Trường Đại học FPT cùng Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT vừa công bố việc thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn để đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu, thiết kế vi mạch.

Công nghiệp bán dẫn là ngành kinh tế có quy mô hàng tỉ đô la Mỹ. Thế nhưng ngành công nghiệp này lại đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về nhân lực trầm trọng.

Các chuyên gia dự đoán đến năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ cần thêm một triệu nhân sự trên quy mô toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, số lượng nhân sự cho ngành công nghiệp bán dẫn mới chỉ đáp ứng dưới 20% nhu cầu của thị trường.

Trong “cơn khát” nhân lực bán dẫn, Việt Nam có cơ hội trở thành nguồn cung ứng nhân lực chất lượng nếu biết nắm bắt nhu cầu của thị trường. Do vậy, việc mở thêm ngành đào tạo về vi mạch bán dẫn của Đại học FPT cũng nhằm mục đích chuẩn bị nguồn lực phục vụ cho thị trường quốc tế.

Đại học FPT đang lên kế hoạch hợp tác với nhiều trường đại học tại Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) để thiết kế chương trình, giáo trình và chuẩn đào tạo. Đây là hai trong bốn thị trường dẫn đầu về chip và bán dẫn toàn cầu, bao gồm Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Song song với đó, Đại học FPT sẽ kết hợp với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp này để cung cấp nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ từ ngắn hạn 6 tháng, 2 năm đến các chương trình đào tạo nâng cao, văn bằng hai, cao đẳng, đại học, sau đại học.

Được biết, trước đó hồi tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã giao cho các bộ ngành nhanh chóng xây dựng và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Trong đó, Việt Nam dự kiến đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Cung cấp thông tin với báo giới, ông Daniel Lin, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh tại các thị trường mới nổi MediaTek cho biết, thế giới hiện đang trong 'cơn khát' nhân lực bán dẫn, do vậy Việt Nam cần đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực cho ngành này để thu hút các công ty trong ngành công nghiệp vi mạch mở trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm tại Việt Nam.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới