Để dân giàu nước mạnh
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo (*)
(KTSG) - Ngày 2-4-2021, Quốc hội đã thông qua nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khép lại một nhiệm kỳ năm năm điều hành nền kinh tế đầy thử thách cam go nhưng đã để lại những nền tảng quan trọng, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội để hướng tới triển vọng “Việt Nam hùng cường” vào năm 2045.
Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức. |
Nền tảng của mô hình tăng trưởng mới
Giai đoạn năm năm vừa qua là một nhiệm kỳ vừa khó khăn nhưng cũng đầy thành tựu. Mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn áp dụng nguyên mẫu công thức của những thập niên 1990, lấy thâm dụng lao động và tài nguyên làm động lực tăng trưởng chính. Vì vậy năng suất và giá trị gia tăng được tạo ra rất thấp.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn quá phụ thuộc vào tăng trưởng cung tiền và tín dụng, khiến cho áp lực giá cả và bong bóng tài sản luôn là những rủi ro tiềm ẩn đe dọa các ổn định và cân đối vĩ mô. Xử lý nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và hạn chế nợ công tiếp tục đặt hệ thống tài chính vào trạng thái dễ bị tổn thương. Hoàn cảnh đó đã buộc Chính phủ tiền nhiệm phải tìm kiếm các kế hoạch đột phá.
Phát triển khu vực kinh tế tư nhân để giải phóng các động lực cho tăng trưởng kinh tế được xem là một chiến lược quan trọng. Năm 2017, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Trên nền tảng đó, Chính phủ đã liên tục có những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thúc đẩy sự năng động, sáng tạo và ý thức làm giàu của toàn dân. Kiến tạo, khởi nghiệp thực sự đã trở thành một chiến lược quốc gia.
Những chính sách xoay quanh việc hỗ trợ cho khu vực tư nhân như thể chế thông thoáng, chính sách hỗ trợ cho quá trình kiến tạo khởi nghiệp, giảm thiểu thủ tục hành chính, bỏ nhiều giấy phép con, áp dụng chính phủ điện tử đã tạo lực đẩy cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh.
Với thực trạng hiện nay thì DNNN giống những chiếc xe buýt cỡ lớn chạy trên con đường làng nhỏ hẹp, lấn át các phương tiện giao thông khác phải dạt ra hai bên hơn là hình ảnh của sếu đầu đàn. “Sếu đầu đàn” hay một chiếc xe quá khổ, quá tải nhưng cũ kỹ là do cách chúng ta tạo ra cuộc chơi như thế nào. |
Và đại dịch Covid-19 bùng nổ đã thực hiện một bài kiểm tra khắc nghiệt để xem đâu mới là rường cột thực sự của kinh tế nước nhà. Từ kết quả chống dịch và phục hồi kinh tế có lẽ chúng ta đã nhận ra câu trả lời. Sức chống chịu, sự linh hoạt và cố gắng của các doanh nghiệp tư nhân được xem chính là yếu tố cốt lõi để giữ cho các hoạt động kinh tế ổn định, không đổ vỡ, nền tảng quan trọng cho thành quả tăng trưởng dương của năm 2020.
Từ khi dịch Covid-19 mới bắt đầu lây lan mất kiểm soát ở Vũ Hán (Trung Quốc), các doanh nghiệp tư nhân đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình tác động sắp tới. Họ còn đưa ra các kịch bản với các mức độ ảnh hưởng tiêu cực từ thấp đến cao để có giải pháp đối phó và thậm chí là thích ứng.
Từ chuyện làm sao để chủ động nguồn nguyên vật liệu, chuyển đổi kênh phân phối, đáp ứng các thay đổi trong hành vi khách hàng cho đến chuyện chăm lo cho sức khỏe nhân viên lẫn chuyện hỗ trợ đời sống cho họ nếu lỡ như mọi thứ trở nên tồi tệ. Họ chưa từng xin một cơ chế hỗ trợ nào và thực sự cũng chưa nhận được bất cứ trợ giúp nào nếu nhìn ở bình diện chung của nền kinh tế.
Con đường phía trước
Hơn ba thập niên kể từ khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu mở cửa, từng bước hoạt động trên nền tảng thị trường, rồi quá trình hội nhập diễn ra ngày càng sâu rộng thì khu vực tư nhân cũng đã tự thân khởi nghiệp bằng chính sự thôi thúc của tinh thần doanh nhân chứ không phải những phong trào “startup” đình đám như bây giờ. Chính sự dồn nén của nhu cầu được kinh doanh, của cơm ăn áo mặc, cho đến ước vọng làm giàu bằng ý chí và tài năng của người doanh nhân là động lực chính để thôi thúc thành phần này phát triển.
Trải qua nhiều sóng gió, xuất phát từ chỗ không được thừa nhận, bị hạn chế, nhiều lần vấp ngã rồi gượng dậy, thất bại để vươn lên, mà không có bất cứ một “cơ chế đặc thù” hay “chiến lược giải cứu” nào. Kinh tế tư nhân phát triển chính bằng sự sàng lọc, đào thải và dung nạp khắc nghiệt của thị trường.
Ngược lại, cũng bằng ấy quãng thời gian, nhiều đời Chính phủ tiền nhiệm đã tìm kiếm và thực hiện đủ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tìm kiếm một chiến lược thực sự khả thi cho sứ mệnh đầu tàu kinh tế. Tất cả những gì cần làm đều đã được thực hiện.
Các giải pháp được nghĩ ra đều được áp dụng, từ cải cách, tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái bớt vốn nhà nước, đến thành lập tổng công ty quản lý vốn nhà nước, nhưng đều không thể cải thiện triệt để hiệu quả hoạt động của các DNNN. Mô hình quản lý, mô hình hoạt động, quan hệ sở hữu của DNNN vẫn chưa được xác định hợp lý và có giải pháp triệt để.
Vì vậy, tôi cho rằng để giải quyết vấn đề này một cách triệt để thì giải pháp trả DNNN về cho thị trường một cách thực chất là lựa chọn duy nhất. Thị trường là cơ chế sàng lọc và là người “thầy giáo” tốt nhất cho mọi thành phần kinh tế. Thực hiện được chiến lược này quả thật là một thách thức của Chính phủ mới nhưng cũng là cơ hội để tạo ra đột phá, hình thành một nguồn động lực mới cho tăng trưởng kinh tế mà chưa có một Chính phủ tiền nhiệm nào làm được.
Nền kinh tế của các giai đoạn trước hưởng lợi nhiều từ nhu cầu tiêu dùng nội địa cao, lợi thế về tài nguyên, về lao động nhưng mô hình này đã đến lúc tới hạn. Cho đến lúc này, dư địa cho tăng trưởng dựa vào sự thâm dụng đã bị thu hẹp đáng kể. Trong khi đó, bối cảnh hiện nay đã thay đổi với sự xuất hiện nhiều hơn của khoa học công nghệ có hàm lượng đổi mới sáng tạo ngày càng cao, của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số. Giai đoạn tới, chắc chắn một mô hình tăng trưởng kinh tế theo kiểu cũ sẽ không phù hợp và giải quyết được các mối quan hệ kinh tế mới phát sinh, cũng không tận dụng và tạo ra cơ hội từ các xu thế mới của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh hậu dịch Covid-19 và một trật tự thế giới đang dần được xác lập.
Tại Đại hội 13 vừa qua, đường lối về kinh tế của Đảng cũng đã đề cập đến vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng và khẳng định động lực tăng trưởng của giai đoạn tiếp theo phải dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Để tạo ra được động lực này thì không thể là thành phần kinh tế nào khác ngoài kinh tế tư nhân. Không giống như khu vực nhà nước vốn được bao bọc, hỗ trợ bởi những cơ chế đặc thù, khu vực tư nhân đi lên từ những doanh nghiệp mới khởi sự.
Họ luôn phải xoay xở, tìm cách thích ứng và vượt qua các rào cản. Khi bị dồn ép tới giới hạn, họ buộc phải sáng tạo, tìm tòi những điều mới. Nếu không có Uber, Grab vào Việt Nam, taxi truyền thống có tạo ra các ứng dụng gọi xe? Nếu không có làn sóng bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt của các công ty công nghệ tài chính (FinTech), ngân hàng có đưa ra các ứng dụng tốt như hiện nay?
Cho nên, để thúc đẩy hình thành một mô hình kinh tế mới cho giai đoạn tiếp theo thì phải phát triển tối đa sức mạnh của thành phần kinh tế tư nhân, bằng cách rút DNNN ra khỏi các sứ mệnh đầu tàu kinh tế hay vai trò “sếu đầu đàn”. Với thực trạng hiện nay thì DNNN giống những chiếc xe buýt cỡ lớn chạy trên con đường làng nhỏ hẹp, lấn át các phương tiện giao thông khác phải dạt ra hai bên hơn là hình ảnh của sếu đầu đàn. “Sếu đầu đàn” hay một chiếc xe quá khổ, quá tải nhưng cũ kỹ là do cách chúng ta tạo ra cuộc chơi như thế nào.
Nếu muốn phát triển kinh tế tư nhân mà vẫn trao cho các DNNN nhiều đặc quyền và cơ chế ưu đãi là mâu thuẫn. Trừ một số lĩnh vực thực sự đặc biệt hoặc nhạy cảm thì trả kinh tế tư nhân và DNNN về cho thị trường định đoạt là chiến lược thích ứng và giải pháp triệt để tháo gỡ thút nắt lớn nhất của các động lực tăng trưởng kinh tế hiện nay. Không còn thành phần kinh tế chủ đạo, không ai là đầu tàu hay đầu đàn. Tất cả đều được đối xử công bằng bởi một luật chơi chung thì người về đích sẽ là người chiến thắng. Nhiều người cùng về đích thì tất cả cùng chiến thắng.
(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM