Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Để doanh nghiệp không chùn bước trước áp lực kép

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tăng sức cạnh tranh, nhưng cũng là thách thức do chi phí đầu tư không hề nhỏ.

Khi doanh nghiệp phải ‘vừa xanh, vừa số'

Là đơn vị chuyên sản xuất kinh doanh may mặc xuất khẩu, PPJ Group nhận thức khá sớm về yêu cầu phải vừa chuyển đổi xanh, vừa chuyển đổi số, để đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Đặng Vũ Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PPJ Group cho biết, thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã ban hành những quy định khắt khe, đòi hỏi quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải tuân thủ các yêu cầu về môi trường và phát triển bền vững từ lâu. Do đó, đã chủ động chuyển đổi kép - vừa chuyển đổi xanh, vừa chuyển đổi số - từ trước dịch Covid-19, với mục tiêu hướng tới thị trường toàn cầu.

Nhờ chuyển đổi sớm, PPJ Group có thời gian để nghiên cứu tỉ mỉ về khoa học, công nghệ lõi. Chẳng hạn, công nghệ góp phần khống chế lượng nước tiêu thụ để sản xuất quần jean chỉ bằng một cốc nước.

Tuy nhiên, bản thân ông Hùng việc chuyển đổi kép khiến doanh nghiệp đối mặt với áp lực tài chính không nhỏ, khoảng năm triệu đô la Mỹ cho phần cứng và phần mềm, cùng hàng chục triệu đô la cho chuyển đổi xanh trong 5 năm qua.

"Con số này sẽ chưa dừng lại. Chi phí chuyển đổi kép rất lớn nhưng cái giá cho chậm chuyển đổi và không chuyển sẽ lớn hơn nhiều lần", ông Hùng nói tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam lần thứ 2 diễn ra tuần qua.

Hệ thống pin mặt trời lắp trên mái các nhà máy của TH true MILK. Ảnh: DNCC.

Với TH Group, ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống chip gắn vào chân, cổ của 700.000 con bò để theo dõi sức khỏe, sản lượng sữa, thời điểm động dục, qua đó quản lý sinh sản. Khâu cung cấp thức ăn cho bò cũng được tự động hóa 100%, từ khâu lập khẩu phần, phối trộn chế biến đến từng chiếc xe đi đúng tới cửa mỗi chuồng.

Ngoài ra, chất thải trong trang trại được phân tách và xử lý thành phân bón vi sinh, không chỉ dùng trong canh tác mà còn bán ra thị trường.

“Nhờ áp dụng chuyển đổi kép, tập đoàn dần hình thành chuỗi tuần hoàn, hướng tới tối ưu chi phí. Mỗi năm các tấm pin mặt trời lắp trên mái nhà máy có thể tự sản xuất khoảng 8 triệu kWh. Thay vì nguyên liệu hóa thạch, gỗ dăm được đưa vào để đốt nồi hơi, giảm thiểu 85% tổng lượng phát thải nhà kính so với 2021, giảm 70% phát thải metan so với cách xử lý thông thường”, ông Hải nói.

Thừa nhận các việc ứng dụng công nghệ và các giải pháp phát triển bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động môi trường, mà còn tạo ra những giá trị kinh tế lâu dài, nhưng ông Hải cũng thừa nhận tư duy chuyển đổi kép tại nhiều doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức và bước đầu thực hiện do yêu cầu về nguồn vốn ban đầu rất lớn.

Từ góc nhìn của đơn vị cung ứng năng lượng, ông Đỗ Văn Tiến, Giám đốc đầu tư Tập đoàn PC1 cũng thừa nhận, thách thức trong khai thác năng lượng xanh nằm ở hạ tầng lưới điện hiện chưa thực sự phát triển. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa làm chủ công nghệ lưu trữ điện mặt trời vào ban đêm, mà phải nhập khẩu, dẫn đến chi phí đầu tư cao.

“Hai yếu tố này, cộng thêm lãi suất cho vay với nhà đầu tư Việt Nam cao hơn so với nhà đầu tư nước ngoài, khiến các đơn vị cung ứng năng lượng gặp khó khăn”, ông Tiến đánh giá.

Hình thành văn hoá chuyển đổi kép từ nội tại doanh nghiệp

Xác định Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng chuyển đổi kép toàn cầu, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV kiến nghị Nhà nước hoàn thiện khung chính sách, cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh doanh mới. Đồng thời, phát triển các thị trường vốn, như: trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, quỹ đầu tư, đầu tư mạo hiểm, phái sinh và tín chỉ carbon. Đây là nền tảng để doanh nghiệp thu hút nguồn lực (cả Nhà nước và tư nhân - PV) cho đầu tư phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng.

“Danh mục phân loại xanh hai năm nay chưa có, đây là điều đáng tiếc. Từ danh mục phân loại xanh mới có tài chính xanh, tín dụng xanh và nhiều thứ xanh khác”, ông Lực nhấn mạnh.

Chuyển đổi xanh yêu cầu doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, nhưng lại là cơ hội giúp doanh nghiệp mở rộng khai thác thị trường và bán được tín chỉ carbon. Ảnh: Trung Chánh

Đồng quan điểm, ông Đặng Vũ Hùng thừa nhận việc chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để thẩm định một dự án xanh đã khiến việc cấp tín dụng xanh gặp nhiều trở ngại.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, thiết bị về đo lường, đánh giá về môi trường và vạch ra lộ trình để phát triển bền vững. Nhưng việc thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng khiến một số bên đã phải thuê nhân lực nước ngoài đảm nhiệm nhân sự chủ chốt, từ trung đến cao cấp, tạo ra hiệu quả nhanh hơn.

Trong bối cảnh trên, ông Lê Vũ Minh, Giám đốc tư vấn FPT Digital cho rằng, bên cạnh nỗ lực từ Chính phủ thì nội bộ doanh nghiệp cần chủ động chuyển dịch, tận dụng công nghệ để phát triển bền vững hơn.

Tùy theo quy mô và nguồn lực, doanh nghiệp có thể hợp tác với những công ty tư vấn uy tín, giúp xây dựng chiến lược và lộ trình ESG gắn với mục tiêu kinh doanh, như việc PC1 hợp tác với FPT để đào tạo nhân lực từ cấp trung đến lãnh đạo để phục vụ xanh hóa.

“Phương pháp tiếp cận để xác định các mục tiêu phát triển bền vững có thể dựa trên 4 hạng mục gồm xác định cơ hội và rủi ro từ các yếu tố bên ngoài; tối ưu hóa hoạt động dựa trên các trụ cột ESG; xây dựng chuỗi giá trị và hệ sinh thái đảm bảo tính bền vững từ nguồn cung đến vận hành; tìm kiếm mô hình kinh doanh mới”, ông Minh cho biết.

Bổ sung, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomn Việt Nam, Lào, Campuchia cũng cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp cần có mục tiêu rõ ràng trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đồng thời, thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số - xanh trong doanh nghiệp, và chuẩn bị hạ tầng số riêng để phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số.

“AI đang là công nghệ tác động đến nhiều lĩnh vực nhất hiện nay, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cần quan tâm vấn đề bảo mật dữ liệu để quá trình chuyển đổi số được diễn ra bền vững. Theo đó, các doanh nghiệp cần sẵn sàng đối phó với những rủi ro của ứng dụng công nghệ, bao gồm bảo mật an toàn thông tin, bảo vệ quyền riêng tư của nhân viên”, ông Nam lưu ý.

Vị này cũng cho rằng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số. Do đó, cần có thêm các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các startup và doanh nghiệp phát triển các công nghệ tiên tiến.

“Việt Nam cần tích cực thiết lập cơ chế sandbox để các startups có cơ hội thử nghiệm các công nghệ mới. Hiện chúng tôi đã và đang tích cực kêu gọi các quỹ đầu tư hỗ trợ nguồn vốn cho các startups, nhưng nếu có thêm nhiều nguồn vốn đầu tư công cho các startups công nghệ, đây sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp phát triển lớn mạnh hơn”, ông Nam kỳ vọng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới