Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để dữ liệu không còn là “dầu thô”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để dữ liệu không còn là “dầu thô”

Chí Thịnh

(TBKTSG Online) –  Theo nhận định từ các chuyên gia công nghệ, nếu không tăng cường hoạt động khai thác, thu thập và chia sẻ thì dữ liệu cũng giống như “dầu thô”, chưa thể đưa vào sử dụng trong đời sống.

Do đó, thay vì “mạnh ai nấy khai thác, thu thập”, chúng ta cần chú ý tới việc kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… chia sẻ dữ liệu để có thể triển khai AI một cách hiệu quả. Đây là vấn đề quan trọng được đặt ra tại hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo – Khuyến cáo cho TPHCM" diễn ra tại TPHCM vào hôm nay, ngày 25-9.

Để dữ liệu không còn là
Ông Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM đang trình bày về định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), đào tạo nguồn lực về AI… Ảnh: Chí Thịnh

Tại hội thảo, các chuyên gia công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước… đều đánh giá tầm quan trọng của hoạt động chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nhau… Đây sẽ là một điều kiện cần thiết để triển khai thành công trí tuệ nhân tạo ở các ngành nghề khác nhau.

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, chúng ta cần tăng cường hoạt động đầu tư cho nguồn lực, đào tạo nhân lực cho phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)… Bên cạnh đó, cần chú ý tới yếu tố chia sẻ dữ liệu nếu muốn làm tốt việc ứng dụng, triển khai AI… ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ông Duy chia sẻ thêm, hiện tại chúng ta đang không có thói quen tích lũy dữ liệu hàng ngày, đây chính là đầu vào cho AI, giúp hệ thống xử lý bằng công nghệ AI trở nên thông minh hơn.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Chúng ta cần lưu ý tới liên kết tứ giác bao gồm nhà nước – doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà đầu tư tài chính; đây là sự liên kết, tương tác của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời mô hình và mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ là điều kiện tiên quyết quyết định sự thành công của thành phố vì điều này liên quan tới cơ chế, chính sách và hạ tầng hiện hữu cũng như tính đặc thù của TPHCM so với các đô thị khác trên thế giới.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp cho TPHCM xây dựng đô thị thông minh để tăng cường khả năng chống chọi với những sự biến đổi trong tương lai. TPHCM đang triển khai AI để giải quyết các vấn đề như ùn tắc giao thông, ngập nước…, cải thiện dịch vụ công… và để trở thành đô thị đổi mới sáng tạo,TPHCM cần tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo là giải pháp phù hợp cho việc này.

Bên cạnh đó, đại diện các trường đại học cũng nhấn mạnh tới yếu tố nguồn lực cho AI; thí điểm vận hành các công nghệ mới trong phạm vi hẹp (áp dụng cơ chế thử nghiệm sandbox).

Theo ông Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM, trong quá trình triển khai AI, cần lưu ý tới nguồn nhân lực bao gồm các hoạt động đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực về AI… Cụ thể, cần xây dựng một chương trình về trí tuệ nhân tạo với sự phối hợp giữa Đại học quốc gia TPHCM, Sở Khoa học Công nghệ TPHCM…

Đại diện Đại học quốc gia TPHCM cũng nhấn mạnh tới hoạt động liên kết giữa chính quyền, doanh nghiệp và trường đại học để có thể tập trung nguồn lực, tận dụng cơ chế/chính sách ưu đãi cho ngành công nghệ cao. Như chương trình giáo dục và nghiên cứu AI tại TPHCM hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cần xây dựng nền tảng liên kết ba nhà gồm có nhà trường, nhà tuyển dụng và nhà nước.

Đối với công tác nghiên cứu và đào tạo, cần đầu tư vào mảng trí tuệ nhân tạo thông qua các quỹ đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước để tập trung được nhiều thế mạnh từ các góc độ và khía cạnh khác nhau vì một trường đại học hay viện nghiên cứu đơn lẻ không thể gánh vác hết.

TPHCM nhấn mạnh vào một số vấn đề cần làm rõ trong triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo: Nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phải gắn liền với ba mũi nhọn là công tác nghiên cứu và đào tạo; nắm bắt công nghệ; đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những đội ngũ giỏi có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Tạo ra sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, tổ chức tài chính: Việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo phải thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp, tổ chức tài chính lớn tham gia.

Sự sẵn sàng của TPHCM: Thiếu cơ chế, chính sách, tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao… là một trong những nguyên nhân gây trở ngại cho việc nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Mời đọc thêm

TPHCM tìm giải pháp để ứng dụng trí tuệ nhân tạo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới