Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Để hiểu hơn về chuyện ‘không được ly hôn’

Phan Thị Ngọc Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết về vụ việc hôn nhân và gia đình có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.

Trong đó, về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn quy định tại khoản 3 điều 51 của Luật Hôn nhân và Gia đình thì được hướng dẫn ở điều 2.4 của Nghị quyết 01 như sau: “Trường hợp vợ đang mang thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai và sinh con với ai”. Một số ý kiến không đồng tình cho rằng quy định này khá bất công với người chồng khi người vợ ngoại tình và mang thai.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có rất nhiều quy định dành cho phụ nữ mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà không phân biệt người phụ nữ có thai, sinh con với ai. Ảnh minh họa: freepik.com

Thực ra, quy định rằng người chồng không có quyền yêu cầu đơn phương ly hôn khi vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi đã xuất hiện từ lâu trong Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam. Trong suốt lịch sử ban hành luật này vào các năm 1959, 1986, 2000, 2014 đều quy định về điều này. Tinh thần của điều luật là nhằm bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ và trẻ em.

Cụ thể, điều 51.3 Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 của Quốc hội, ngày 19-6-2014 quy định: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Quy định này đã bao quát các trường hợp mà người chồng không có quyền ly hôn và điều 2.4 của Nghị quyết 01 làm rõ hơn một trường hợp của điều 51.3 của Luật Hôn nhân và Gia đình chứ không quy định khác hay mâu thuẫn với luật.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có rất nhiều quy định dành cho đối tượng phụ nữ mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà không phân biệt người phụ nữ có thai, sinh con với ai. Trong Bộ luật Lao động, các quy định hạn chế quyền của người sử dụng lao động đối với đối tượng lao động này như: (i) không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; (ii) không được xử lý kỷ luật lao động; (iii) không được yêu cầu làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp người lao động mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình xem hành vi bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi là hành vi bạo lực gia đình. Luật Bảo hiểm y tế chi trả cho việc khám thai định kỳ, sinh con.

Như vậy, để hiểu sâu, thấu rõ một quy định pháp luật cần đặt nó trong một tổng thể chung hệ thống pháp luật, luật... để hiểu hết bản chất, ý nghĩa và phạm vi áp dụng của điều luật đó. Khi một quy định pháp luật bị tách riêng ra khỏi tổng thể chung ấy có thể dẫn đến việc quy định đó bị hiểu sai, phiến diện.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận về tính phức tạp của các trường hợp người vợ mang thai với người không phải là chồng trong thực tế, vì có cả các trường hợp người vợ ở tình huống bị động (bị cưỡng hiếp, ép buộc mà không thể tự phòng vệ) và cả chủ động (ngoại tình hoặc được sự đồng ý của người chồng) dẫn đến mang thai.

Có rất nhiều lý do có thể nhìn thấy rõ, hiểu được nhưng cũng còn rất nhiều ẩn tình khuất lấp sau các câu chuyện khiến người chồng thấy bức xúc, không nhẫn nhịn được, muốn ly hôn khi người vợ đang mang thai hay đang nuôi con nhỏ dù biết tình huống này không được pháp luật cho phép.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới