(KTSG Online) - Mới đây, các doanh nghiệp lớn đã công khai đăng ký tổng cộng gần 1,3 triệu căn nhà ở xã hội sẽ được thực hiện từ đây cho đến năm 2030. Kế hoạch lớn đã đưa ra vậy và cần làm gì để số lượng căn hộ đăng ký được cụ thể hóa trên thực tế, tránh tình trạng “đi hoài chưa tới đích”...
- Doanh nghiệp đăng ký với Chính phủ xây gần 1,3 triệu căn nhà ở xã hội
- Mới giải ngân được 5,4% tiền hỗ trợ thuê nhà trọ
Sự hưởng ứng của các "ông lớn" như Vingoup, Sun Group, Novaland, Bitexco… với đề án xây dựng 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp giai đoạn 2022-2030 đang tạo động lực lớn để các chính sách liên quan thay đổi. Tương quan 1,3 triệu căn hộ được doanh nghiệp đăng ký đã vượt kế hoạch của đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, con số này đủ lớn để giải tỏa sức ép nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Đây là một phép tính đơn giản dựa trên dữ liệu các con số, nhưng để dữ liệu được hiện thực hóa còn tùy thuộc vào cách giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách với loại hình nhà ở này.
Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng cần nêu cụ thể về nhiệm vụ của từng cơ quan, bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết vấn đề tồn đọng mới khơi thông kế hoạch phát nhà ở xã hội.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì, đề xuất và phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương theo kế hoạch trung hạn và hàng năm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng do nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Về phía Bộ Tài chính, cần nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thuế để phù hợp với pháp luật về nhà ở đối với trường hợp ưu đãi thuế cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay cá nhân, hộ gia đình mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần chủ trì, hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nghiên cứu chính sách ưu đãi không tính tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân trong quá trình xây dựng luật Đất đai sửa đổi.
Các vấn đề cố hữu liên quan đến thủ tục, thời gian cấp phép, quỹ đất đầu tư đã được doanh nghiệp đặt ra trong hội nghị với Thủ tướng mới đây. Hầu hết cho rằng, nếu có chính sách hữu hiệu thì trong vòng chỉ hai năm là giải quyết được cơ bản về nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp.
Doanh nghiệp cam kết đóng góp phát triển quỹ nhà nhưng nhà nước cần có cơ chế chính sách để doanh nghiệp thực thi một cách dễ dàng, không để liên hệ quá nhiều đầu mối, đi gặp quá nhiều các cơ quan…
Đi sâu hơn vào chi tiết, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng đã đề xuất bỏ quy định nộp bằng tiền đối với quỹ đất 20% trong dự án. Ngoài ra, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được lựa chọn việc xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong dự án hoặc được hoán đổi bằng quỹ đất ở hoặc quỹ nhà ở tại vị trí khác theo nguyên tắc đảm bảo giá trị tương đương.
Để gỡ một số vướng mắc trong các quy định hiện nay, thúc đẩy việc đầu tư nhà ở xã hội đối với doanh nghiệp tư nhân, HoREA kiến nghị cần sửa Luật Nhà ở quy định quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá phù hợp thu nhập. Ngoài ra cần bổ sung chính sách ưu đãi để phát triển loại hình nhà ở phù hợp thu nhập với mức ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng bằng khoảng một nửa mức ưu đãi dành cho nhà ở xã hội.
Hiệp hội cũng cho rằng, để đạt được hiệu quả, Quốc hội cần bố trí vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội trong kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có nguồn vốn mồi thực hiện chính sách.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần xem xét sửa đổi Thông tư 20 cho phép các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank được cho cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bởi vì với quy định hiện nay, cá nhân, hộ gia đình chỉ được vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội với điều kiện phải gửi tiết kiệm tại đây trong 12 tháng.