(KTSG) - Nhu cầu trường học, nhất là mầm non ở các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) là rất lớn nhưng các nhà đầu tư khó mở trường bởi Nghị định 36.
- Nguồn cung khu công nghiệp vẫn còn hạn chế mặc dù thủ tục thành lập giảm
- Sớm gỡ điểm nghẽn tại các khu công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp lớn châu Âu
Chiều 18-8-2022, đoàn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với giáo dục mầm non tại các KCN, KCX trên địa bàn TPHCM có buổi làm việc với UBND thành phố. Đại diện TPHCM kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh một số điều trong quy định hiện hành để tạo điều kiện phát triển giáo dục mầm non tại KCN, KCX. Có thể nói đây là động thái rất muộn màng. Lẽ ra việc có nhà trẻ, trường học ở các KCN, KCX phải tính đến từ năm 1995, khi các KCN, KCX ra đời ở Việt Nam và Luật Đầu tư được xây dựng.
Tại các KCN, KCX ở Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, việc có nhà trẻ, trường mẫu giáo và cả tiểu học, trung học là điều bình thường. Họ chú trọng phát triển các đô thị công nghiệp gắn với hoạt động công nghiệp. Điều đó có nghĩa là khi một KCN ra đời, ngay bên cạnh nó là một tổ hợp dịch vụ đảm bảo cho hàng trăm ngàn công nhân và gia đình của họ sinh hoạt bình thường để công nhân yên tâm sản xuất. Các dịch vụ về y tế - chăm sóc sức khỏe, dịch vụ giao thông vận tải, thông tin liên lạc, thương mại, vui chơi giải trí, và cả giáo dục, trong đó tất nhiên là có hệ thống giáo dục từ nhà trẻ đến trung học.
Việt Nam hiện có 395 KCN, KCX, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến đầu năm 2022, nhưng hầu như không khu nào có nhà trẻ và trường học. Nguyên do bắt nguồn từ Nghị định 36-CP ban hành ngày 24-4-1997 với nội dung: “Khu công nghiệp” và “khu chế xuất” là khu tập trung các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống”.
Ở Việt Nam hiện nay có 395 KCN, KCX, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến đầu năm 2022, nhưng hầu như không có KCN nào có nhà trẻ và trường học. Nguyên do bắt nguồn từ Nghị định 36-CP ban hành ngày 24-4-1997 với nội dung: “Khu công nghiệp” và “khu chế xuất” là khu tập trung các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống”.
Hiện nay tổng số lao động trong KCN, KCX tại TPHCM là gần 300.000 người, trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ 59,6%. Do vậy, nhu cầu xây dựng gia đình và sinh con đẻ cái là lẽ tự nhiên. Không có nhà trẻ và trường mẫu giáo khiến các gia đình trẻ này rất lúng túng. Một số trong số đó gửi con về quê cho ông bà nội, ngoại nuôi, rồi hàng tháng gửi tiền về.
Cách thức này không ổn lắm vì cha mẹ phải xa con quá sớm, hai bên thiếu thốn tình cảm và luôn phải lo lắng những rủi ro xảy ra khi con đau ốm ở quê mà mình không có mặt.
Một số đông khác gửi con vào các nhóm trông trẻ tự phát do những người rảnh rỗi nhận trông. Cách thức này cũng không ổn, đã có tình trạng trẻ bị hành hạ, người chăm trẻ không qua trường lớp, không có kỹ năng, kiến thức nên trẻ con đau ốm, suy dinh dưỡng.
TPHCM hiện có 16 KCN, KCX, các gia đình đang gửi trẻ vào 1.177 nhóm, lớp độc lập tư thục, đa phần là không đăng ký hoạt động cho nên không kiểm soát được chất lượng. Thực tế, nhu cầu của công nhân lớn hơn rất nhiều. Việc công nhân gửi trẻ vào các nhóm trông trẻ nhỏ lẻ như thế chỉ là giải pháp tình thế. Các cháu cần được học trong các trường lớp bài bản hơn, được chăm sóc tốt hơn.
Trong những năm qua, một vài chủ doanh nghiệp có thiện chí trong việc hỗ trợ cho công nhân nơi ăn ở trong các nhà lưu trú. Hiện nay thành phố có bảy khu nhà lưu trú cho công nhân, nhưng đây là nơi để ở, không có nhà trẻ, trường mẫu giáo. Nhiều chủ doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan có tính đến việc xây dựng các cơ sở dịch vụ trong đó có nhà trẻ và mẫu giáo nhưng không thực hiện được vì vướng Nghị định 36. Mặc dù một số KCN, KCX có diện tích khá rộng, hoàn toàn có thể bố trí làm nhà trẻ, trường mẫu giáo và cả khu cư trú nhưng Bộ Xây dựng không phê duyệt.
Từ thực tế này UBND TPHCM đã có kiến nghị với Chính phủ về việc cần ban hành nghị định triển khai chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế nhằm khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập tại các KCX, KCN. Trước mắt là cần rà soát các quy định pháp luật để tạo điều kiện cho những KCN, KCX có điều kiện được hình thành các cơ sở giáo dục mầm non và có thể cả tiểu học.
Đồng thời với đó là việc “luật hóa” trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc chăm lo đời sống của công nhân. Xưa nay các chủ doanh nghiệp chỉ khai thác sức khỏe và kỹ năng của công nhân vào sản xuất tạo ra sản phẩm, còn mọi chuyện ngoài nhà máy là vô can. Việc luật hóa như thế để ngay trước khi đến Việt Nam và trước khi đầu tư vào các KCN, KCX là họ biết phải làm gì để đảm bảo đời sống cho công nhân, tránh việc chỉ vận động, kêu gọi khiến hiệu quả không như mong đợi.
Cũng cần phải nói thêm rằng, nhiều chủ đầu tư chỉ chăm chăm vào khai thác sức khỏe công nhân khi còn trẻ, từ 18-30 tuổi, còn sau đó họ tìm cách sa thải, vì theo họ trước cửa nhà máy còn có nhiều công nhân thất nghiệp chờ xin việc làm thì họ tội gì phải nuôi dưỡng và chăm lo cho công nhân cũng như con cái của họ.
Tuy nhiên, có một vấn đề nữa cần được quan tâm là một khi sửa Nghị định 36 thì các chủ doanh nghiệp ở KCN, KCX có thể dành đất và tiền để xây trường, nhưng muốn có được môi trường giáo dục thì lại cần có một đội ngũ các thầy cô giáo làm công tác quản lý, giảng dạy và chăm sóc con trẻ, mà chuyện này thì ngoài tầm với của ban quản lý các KCN, KCX và các nhà đầu tư. Do vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo, sở giáo dục và đào tạo các tỉnh thành phải có chính sách để đào tạo và thu hút nhân lực cho các KCN, KCX, tránh trường hợp có trường mà không có thầy.
Các KCN, KCX hiện nay là một trong những mũi nhọn kinh tế của đất nước, là nơi tạo ra sản phẩm, công ăn việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách, nhưng rõ ràng là còn đang thiếu một thiết chế chăm lo cho người lao động. Người công nhân chính là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển bền vững của các KCN, KCX, do vậy chăm lo cho công nhân chính là vun đắp cho nền công nghiệp nước nhà.
Tầm nhìn phải rộng hơn và bài bản hơn. Nên tách bạch rõ, nếu không sẽ bất cập. KCN/ KCX chỉ là nơi sản xuất kinh doanh, không thể là nơi ăn ở, học hành của các cháu. Nên quy hoạch bố trí lại khuôn viên lân cận, hình thành nên hệ sinh thái dịch vụ đầy đủ, đáng sống, đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt ổn định cho mọi gia đình công nhân. Mỗi một doanh nghiệp trong KCN/ KCX, tùy theo số lượng công nhân của mình, có trách nhiệm đóng góp cổ phần tương ứng vào quỹ đầu tư phát triển hệ sinh thái dịch vụ này. Tương tự, mỗi gia đình công nhân cũng có nghĩa vụ trích một phần tiền lương để đóng góp vào quỹ.