Thứ sáu, 23/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Để khu vực tư nhân ĐBSCL ‘lớn về lượng, mạnh về chất’

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khu vực tư nhân là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong thời gian tới. Vậy, làm sao để khu vực này lớn mạnh hơn cả về số lượng lẫn chất lượng khi đặc thù của ĐBSCL là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ?

Bình quân doanh nghiệp ĐBSCL trong năm 2024 chỉ có 7,5 lao động. Trong ảnh là mô hình nuôi thủy sản nước lợ của một doanh nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo kinh tế thường niên năm 2024 (AMDER 2024) với chủ đề “huy động đầu tư cho phát triển bền vững” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) cùng nhóm chuyên gia thực hiện, được công bố mới đây, cho thấy doanh nghiệp ĐBSCL yếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Doanh nghiệp Đồng bằng đang ở đâu?

Theo AMDER 2024, số lượng doanh nghiệp trên 1.000 dân của vùng ĐBSCL thuộc nhóm thấp nhất trong sáu vùng kinh tế cả nước, chỉ cao hơn Trung du và miền núi phía Bắc.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp trên 1.000 dân năm 2024 của ĐBSCL là 4,2 so với con số 3,2 doanh nghiệp trên 1.000 dân của Trung du và miền núi phía Bắc, nhưng thấp hơn Tây Nguyên (4,3 doanh nghiệp); Đồng bằng sông Hồng (12,7); Đông Nam bộ (19,6); Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung (5,8).

Tính đến cuối năm 2024, ĐBSCL có 71.443 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước đó và là vùng có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động ở mức “khá” khi đứng vị trí thứ ba trong sáu vùng kinh tế của cả nước.

Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động của ĐBSCL cao hơn khu vực Tây Nguyên (26.599 doanh nghiệp) và Trung du và miền núi phía Bắc (42.882 doanh nghiệp), nhưng thấp hơn đáng kể so với các vùng còn lại, như Đông Nam bộ (382.342 doanh nghiệp), Đồng bằng sông Hồng (311.680 doanh nghiệp) và Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung (121.984 doanh nghiệp).

Tuy nhiên, khi xét về chất lượng, doanh nghiệp ĐBSCL rất yếu khi bình quân trên mỗi doanh nghiệp chỉ có 7,5 lao động, cao hơn con số 7,2 của Trung du miền núi phía Bắc, bằng khu vực Tây Nguyên (7,5 lao động), nhưng thấp hơn đáng kể so với Đông Nam bộ (38,8 lao động), Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (11,8 lao động) và Đồng bằng sông Hồng là 27,7 lao động/doanh nghiệp.

Nói đến con số 7,5 lao động/doanh nghiệp của vùng ĐBSCL, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc FSPPM, cho biết đây là đặc trưng rất đáng buồn của ĐBSCL. “Với quy mô như thế, doanh nghiệp ĐBSCL không phải là doanh nghiệp nhỏ nữa, mà là doanh nghiệp siêu nhỏ”, ông nhấn mạnh và cho rằng, điều này cho thấy “sức hấp dẫn” về khả năng thu hút doanh nghiệp của ĐBSCL là hạn chế.

Ông Tự Anh, đánh giá ĐBSCL đạt “tương đối” về số lượng doanh nghiệp (đứng thứ ba trên sáu vùng kinh tế cả nước), nhưng chất lượng là hạn chế rất lớn. “Chúng ta phải quan tâm về số lượng, nhưng quan trọng hơn là bài toán chất lượng, làm sao cho quy mô doanh nghiệp lớn lên, quy mô vốn phải cao hơn, năng suất và mức độ áp dụng công nghệ, chuyển đổi số phải tăng lên”, ông gợi mở.

Thực tế, AMDER 2024, cho thấy vốn đăng ký mới của doanh nghiệp phân theo vùng, thì năm 2024, ĐBSCL đạt trên 103.100 tỉ đồng, chỉ cao hơn khu vực Tây Nguyên (trên 27.580 tỉ đồng), nhưng thấp hơn các vùng kinh tế còn lại, gồm Đông Nam bộ (trên 590.200 tỉ đồng); Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung (gần 149.000 tỉ đồng); Trung du và miền núi phía Bắc (trên 106.100 tỉ đồng) và Đồng băng sông Hồng (gần 571.000 tỉ đồng).

Qua thực trạng nêu trên, rõ ràng các chỉ tiêu về doanh nghiệp của ĐBSCL đều nằm ở mức gần như thấp nhất cả nước. “So với các vùng kinh tế khác, ĐBSCL chỉ tương đương Tây Nguyên và Trung du và miền Núi phía Bắc, vốn là hai vùng đặc biệt khó khăn của cả nước”, báo cáo AMDER 2024 nhận xét.

Dù đứng trước thực trạng như nêu trên, nhưng doanh nghiệp ĐBSCL vẫn miệt mài sản xuất kinh doanh, đóng góp rất quan trọng cho cả nước khi vùng này chiếm hơn 50% tổng thặng dư thương mại cả nước trong năm ngoái.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp ĐBSCL lớn về lượng mạnh về chất. Trong ảnh là công nhân tại một doanh nghiệp chế biến thủy sản ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Làm gì để tư nhân là động lực tăng trưởng của ĐBSCL?

TS Tự Anh của FSPPM, nhấn mạnh trong 5-10 năm tới, doanh nghiệp và đầu tư tư nhân chính là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của vùng ĐBSCL. “Tôi tin, không ai có thể thay thế được doanh nghiệp và đầu tư tư nhân sẽ trở thành động lực tăng trưởng quan trọng nhất của ĐBSCL”, ông nói.

Vậy câu hỏi được đặt ra, đó là làm sao để thúc đẩy khu vực tư nhân ở ĐBSCL phát triển mạnh hơn thời gian tới?

Trao đổi với KTSG Online, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI, nhấn mạnh muốn doanh nghiệp vùng phát triển cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, doanh nghiệp tư nhân đang đầu tư vào chế biến nông sản, thì đầu tư công cần tập trung đầu tư tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về hệ thống kho lạnh, cải thiện logistics cho nông nghiệp, bởi chi phí kinh doanh cao, logistics gặp trở ngại là những rào cản lớn. “Đấy chính là phát triển doanh nghiệp tư nhân nên muốn khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, thì vai trò Nhà nước rất quan trọng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần dừa Bến Tre khi trao đổi với KTSG Online, thừa nhận chi phí thu gom, vận chuyển nguyên liệu đến nhà máy cao do logistics kém phát triển, khiến giá thành sản phẩm sau chế biến khó cạnh tranh. “Đây là một trong những khó khăn kém hấp dẫn nhà đầu tư”, ông cho biết.

Để “kích thích” doanh nghiệp khu vực ĐBSCL phát triển cần “thiết kế” một sản phẩm tín dụng riêng, phù hợp với đặc thù sản xuất nông nghiệp có tính chu kỳ và rủi ro riêng của vùng. “Dĩ nhiên, điều này cần có sự phối hợp của Nhà nước và các tổ chức tài chính để thiết kế một sản phẩm phù hợp”, ông Tự Anh nói.

Với đặc thù doanh nghiệp ĐBSCL là “siêu nhỏ”, ông Tuấn của VCCI, gợi ý nên có những chương trình hỗ trợ, đào tạo về quản trị, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số..., nhằm “nâng cấp” hộ kinh doanh - vốn là thành phần chiếm 43% kinh tế của ĐBSCL - lên thành những doanh nghiệp.

Việc tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh, bao gồm khả năng tiếp cận đất đai, tín dụng, thủ tục hành chính… là những yếu tố rất quan trọng để phát triển lực lượng doanh nghiệp cho vùng ĐBSCL, bởi khi môi trường thuận lợi, hấp dẫn sẽ thu hút các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp.

“Chẳng hạn, để thành lập một doanh nghiệp, hiện cần rất nhiều giấy phép, mất rất nhiều thời gian, thì cần giảm nhẹ hơn, bao gồm chi phí tuân thủ và chi phí kinh doanh doanh nghiệp là bước đầu tiên cần thực hiện”, ông Tự Anh gợi ý

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhấn mạnh cần tăng cường đầu tư công cho ĐBSCL nhằm tạo “nền tảng” cho việc khắc phục những khó khăn của doanh nghiệp. “Ví dụ, đầu tư về mặt hạ tầng, giáo dục con người… sẽ giúp cho khu vực tư nhân có điều kiện để phát triển”, bà nhấn mạnh.

Với cơ hội được mở ra từ chính sách và sự năng động của khu vực tư nhân ở ĐBSCL, nếu nhận được sự quan tâm nhiều hơn cho khu vực này, bao gồm tăng đầu tư công, chính sách đột phá về tín dụng cũng như cải thiện mạnh mẽ về môi trường kinh doanh…, khu vực tư nhân của vùng sẽ phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Khi đó, tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển của ĐBSCL, đóng góp quan trọng cho phát triển của cả nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới