Thứ Năm, 3/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Để Luật Khiếu nại minh bạch hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để Luật Khiếu nại minh bạch hơn

Luật gia Vũ Xuân Tiền (*)

(TBKTSG) - Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII sắp tới, dự thảo Luật Khiếu nại sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua. Tuy nhiên, để luật đảm bảo tính minh bạch và sát với thực tế cuộc sống hơn nữa, vẫn còn những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung.

Có thể thấy dự thảo Luật Khiếu nại đã có nhiều điểm mới tiến bộ hơn như đưa vào quy định về khiếu nại đông người hay bổ sung quy định về việc tổ chức đối thoại vào quy trình giải quyết khiếu nại lần đầu... Tuy nhiên, vẫn còn những nội dung cần nghiên cứu, sửa đổi để đảm bảo sự minh bạch hơn nữa.

Thứ nhất, đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của luật các “tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan đó”. Bởi lẽ, cho đến nay, việc tổ chức và quản lý các cơ quan này về cơ bản vẫn theo nguyên tắc tổ chức, quản lý các cơ quan hành chánh, các công chức, viên chức nhà nước.

Hơn nữa, nếu không bổ sung đối tượng trên, lại phải có một văn bản riêng về việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại đối với các tổ chức, cơ quan và các cá nhân nói trên, làm tăng thêm văn bản quy phạm pháp luật không cần thiết và có thể dẫn đến sự chồng chéo, thiếu minh bạch.

Thứ hai, về người có quyền, nghĩa vụ liên quan, dự thảo Luật Khiếu nại mới chỉ xét đến đối tượng là người khiếu nại. Điều này chưa hợp lý vì người có quyền, nghĩa vụ liên quan phải được xét ở cả hai đối tượng: người khiếu nại và người bị khiếu nại. Do đó, khoản 7 điều 2 nên sửa lại như sau: “Người có quyền, nghĩa vụ liên quan là người có quyền và nghĩa vụ chịu tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà không phải là người khiếu nại và người bị khiếu nại”.

Thứ ba, điều 7 dự thảo luật quy định về trình tự khiếu nại như trình tự đang áp dụng hiện nay. Thực tế cho thấy, quy định “người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính” đã tạo ra cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi” vì người bị khiếu nại lại trở thành người giải quyết khiếu nại.

Do đó, việc giải quyết khiếu nại thiếu khách quan, thậm chí có trường hợp cố tình không giải quyết và bưng bít thông tin. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại vượt cấp và tình trạng chuyển đơn khiếu nại lòng vòng giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, đề nghị áp dụng phương án: người khiếu nại lần đầu khiếu nại đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người hoặc cơ quan có hành vi bị khiếu nại. Nếu không chấp nhận quyết định giải quyết lần đầu, người khiếu nại có quyền khởi kiện ra Tòa hành chính.

Thứ tư, hình thức khiếu nại trực tiếp được đưa vào dự thảo luật là hợp lý vì trong thực tế có những trường hợp người khiếu nại không thể viết được đơn khiếu nại và không có đủ điều kiện hoặc không muốn thuê luật sư. Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, minh bạch cần thay cụm từ “người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản” bằng quy định “người tiếp nhận lập biên bản ghi lại những nội dung trình bày của người khiếu nại, có sự chứng kiến của người thứ ba. Biên bản phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại, người ghi biên bản và người chứng kiến”.

Thứ năm, nhiều ý kiến cho rằng quy định thời hiệu khiếu nại là 90 ngày như dự thảo luật là ngắn. Để thực sự tôn trọng quyền khiếu nại của công dân, đề nghị quy định thời hiệu khiếu nại là 120 ngày kể từ ngày nhận quyết định hành chính hoặc biết được hành vi hành chính.

Thứ sáu, dự thảo luật quy định một trong những khiếu nại không được thụ lý giải quyết là “quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Trong điều kiện chưa có Tòa án Hiến pháp, đề nghị cho phép công dân và các doanh nghiệp được phép khiếu nại đối với các quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật. Bởi lẽ, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 không có quy định về vấn đề này. Trong khi đó, có không ít quyết định, thông tư, thậm chí là các công văn có chứa nội dung quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ không đúng hoặc không đúng từng phần gây thiệt hại rất lớn cho công dân và các doanh nghiệp.

Thứ bảy, về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, điều 17 dự thảo luật quy định: “Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã); thủ trưởng cơ quan thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp”. Từ điều 18 đến điều 23 cũng có quy định tương tự đối với thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp khác.

Theo chúng tôi, cơ chế này không chỉ tạo ra cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi” mà còn rất khó đảm bảo sự khách quan, minh bạch. Vì vậy, đề nghị sửa lại là “… giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của thủ trưởng đơn vị hoặc cán bộ, công chức, viên chức đơn vị cấp dưới trực tiếp của mình”.

Cuối cùng, việc kiểm tra, thanh tra công tác giải quyết khiếu nại hiện đang là “một khoảng trống pháp lý” trong thực tế nhưng dự thảo luật lại chưa đề cập. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào chương VII một điều khoản về vấn đề này theo hướng cơ quan thanh tra thuộc đơn vị quản lý cấp trên có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra công tác giải quyết khiếu nại của đơn vị cấp dưới trực tiếp và thông báo công khai cho nhân dân.

_______________________________________________________

(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới