Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Để mỏ vàng du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên thành thương hiệu quốc gia

Nguyễn Văn Mỹ(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên hiện nay là một phần cứ địa chiến khu Đ rộng lớn, gánh chịu nhiều bom đạn trong thời kháng chiến và may mắn thay, tính nguyên sinh ở nơi này nhiều năm rồi vẫn không thay đổi. Tôi đã đến VQG Cát Tiên hàng chục lần, lần nào cũng có những phát hiện mới. Choáng ngợp bởi tài nguyên nơi đây và mãi đau đáu về việc làm sao để mỏ vàng du lịch VQG Cát Tiên thành thương hiệu quốc gia.

Vườn quốc gia Cát Tiên sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú nhờ sự đa dạng sinh học tự nhiên với nhiều loài, lớp động vật, nhiều loại rừng thảm thực vật cùng sinh tồn mạnh mẽ.

Có đến 1.729 loài động vật thuộc 238 họ, 51 bộ, trong đó có 571 loài động vật có xương sống trên cạn, thuộc 121 họ, 33 bộ. Nếu xếp theo lớp cho dễ nhớ thì gồm 96 loài thuộc 30 họ, 11 bộ (thú); 343 loài thuộc 68 họ, 20 bộ (chim); 94 loài thuộc 16 họ, 3 bộ (bò sát); 37 loài, thuộc 6 họ và 01 bộ (lưỡng cư); 903 loài, 59 họ, 9 bộ (côn trùng);130 loài, 31 họ, 9 bộ (cá). Đặc biệt, Cát Tiên có hơn 300 cá sấu nước ngọt, 120 con bò tót, 18 con voi. Trước đây còn có tê giác, riêng chim chiếm 42,39% tổng số loài ở Việt Nam.

Sự đa dạng kiểu rừng của vườn cũng đáng nói, như rừng lá rộng thường xanh thuộc họ Dầu (dầu rái, dầu lông); cây hộ đậu (cẩm lai Bà Rịa, cẩm lai vú, gõ đỏ, giáng hương)... rừng thường xanh nửa rụng lá như bằng lăng, tung, râm, gáo,... rừng hỗn giao gỗ, tre nứa; kiểu phụ thứ sinh của rừng thường xanh và rừng nửa rụng lá như vắp, bằng lăng, căm xe; hai loài chủ yếu là lồ ô và mum, tạo thành các rừng lớn; nơi ngập nước có tre La Ngà. Rừng lồ ô, tre nứa tự nhiên và rừng thứ sinh sau khai thác nương rẫy. Phân loài, hệ thực vật có 1.655 loài, thuộc 168 họ, 57 bộ; có 28 loài trong danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm. Khu hệ đất ngập nước Bàu Sấu chiếm diện tích hơn 13.000 héc ta.

Dẫn đầu các vườn quốc gia về du lịch sinh thái rừng

Năm 1995, VQG Cát Tiên trở thành tuyến điểm du lịch sinh thái rừng dẫn đầu các VQG với nhiểu điểm đặc trưng. Cây tung cổ thụ hơn 400 tuổi, thân như trục tung thẳng đứng, cao vút, gốc mấy vòng ôm, rễ như trục hoành dài hàng chục mét, cao hơn 2 mét. Cây gõ Phạm Văn Đồng 700 tuổi. Rừng bằng lăng (còn gọi là săng lẻ, thao lao); nguyên sinh thuần loài, có cây 9 ngọn. Cây đa Lộc Giao (còn gọi là cây đa bóp cổ với sáu ngọn cây giao nhau), cây bằng lăng lục bình, bằng lăng sơn nữ, cây si trăm thân… Sông Đồng Nai qua đây có thác Bền Cự, thác Trời gắn liền với những huyền tích.

Du khách tham quan VQG Cát Tiên có thể xem thú, chim, cá sấu nước ngọt tự nhiên, tham quan bảo tàng thiên nhiên, khu cứu hộ gấu, thú linh trưởng, động vật hoang dã, khu nghiên cứu nấm. Đến đây, du khách sẽ bắt gặp thiên nhiên sinh tồn theo các mùa ve, bướm, vắt, chim sinh sản, mùa gặt, mùa cỏ lau, hoa bằng lăng, hoa muồng đào, hoa vừng (không phải lộc vừng), rừng thay lá, nấm… Những người yêu thích khám phá rừng sẽ không thể làm ngơ các tuyến đi trekking rừng đặc dụng.

Vườn hiện cho phép lưu trú qua đêm với khoảng 180 chỗ ngủ hoặc lều cho các đoàn khách đông người. Số liệu tôi có tuy đã cũ nhưng năm 2019, Cát Tiên dẫn đầu 34 vườn quốc gia trong cả nước về du lịch với 51.000 lượt khách, trong đó khách nước ngoài chiếm 30%. Còn lượng khách lưu trú qua đêm là 60%. So với số 2.000.000 lượt khách đến vườn Khao Yai của Thái Lan cùng năm thì Cát Tiên còn hết sức khiêm tốn, nhưng tiềm năng du lịch thì không nhỏ.

Một số gợi ý làm du lịch rừng

Để du lịch rừng Cát Tiên tăng tốc, rất nhiều việc phải làm ngay. Về mặt quản lý nên giao tài nguyên du lịch như Cát Tiên về cho ngành du lịch làm đơn vị chủ quản vì các bộ, ngành khác không thể làm du lịch hiệu quả bằng ngành du lịch được. Tùy tình hình thực tế mà có thể hợp tác, mời thầu hoặc thuê đối tác thứ ba làm công tác tổ chức du lịch vườn quốc gia một cách bài bản và chuyên nghiệp theo kế hoạch lâu dài, thống nhất. Dĩ nhiên, việc hợp tác này phải được kết hợp chặt chẽ và chịu sự giám sát của đơn vị chủ quản.

Kế đến là việc thực thi các quy định về bảo tồn, bảo vệ môi trường ở vườn quốc gia. Du khách thăm vườn phải tuân thủ những quy định chung nhằm gìn giữ môi trường tự nhiên của rừng, như đi bộ hoặc chỉ dùng xe đạp. Nên cấm việc dùng ô tô tham quan, trừ các tuyến xem thú đêm, cấm dùng âm thanh điện tử hoạt náo, lửa trại… Đơn vị quản lý không được để khách tự ý vào rừng, kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm và từ chối khách không phù hợp. Không mở rộng lưu trú trong vườn quốc gia ngoài các điểm lưu trú dài ngày dành cho du khách mê rừng, nghiên cứu về rừng.

Thái Lan lập làng resort cách VQG Khao Yai 4 ki lô mét để làm trạm trung chuyển, sắp xếp khách tham quan rừng. VQG Cát Tiên cũng có thể xây dựng làng trung chuyển khách ở bên kia sông Đồng Nai và các nhà giữa vườn cây ăn trái (gardenstay), nhà nổi trên sông (riverstay). Đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hộ dân làm du lịch cộng đồng, tăng cường phà vận chuyển hoặc làm cầu treo. Kinh nghiệm cho thấy cách thức đưa khách qua sông hay vào rừng sáng tạo sẽ tạo dấu ấn riêng, cũng là điểm du khách check in đầu tiên.

Điều kiện tự nhiên của VQG Cát Tiên thực sự là một mỏ vàng cho ngành du lịch nếu biết tổ chức khai thác.

Nên chọn con và cây làm biểu tượng độc đáo của vườn, đến là thấy. Quà lưu niệm cũng được làm theo các biểu tượng này bên cạnh hàng tiêu dùng gắn với vườn và địa phương.

VQG Cát Tiên có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù như xem thú đêm, ngắm rừng chim sáng sớm, ngắm rừng cổ thụ, rừng đặc dụng, hái nấm, săn mây… dư sức tổ chức các tuyến tour theo mùa, quanh năm, độc lạ từ nội dung đến dịch vụ. Khách được xem trước các tài liệu, clip hình ảnh về nơi mình sắp tham quan rồi trekking để thấy tận mắt, sờ tận tay. Tắm rừng (Forest Bathing) cũng là một phần hấp dẫn trong tour trekking chỉ có ở VQG. Ban ngày, cơ chế sinh học nhiều loài cây tiết ra những hoạt chất để tự vệ, chống côn trùng. Trekking cho vã mồ hôi, hít thở không khí trong lành để giảm stress, thông phế quản, kích thích hệ tuần hoàn là phương pháp chữa bệnh nhẹ nhàng ở nhiều nước.

Tắm giữa dòng sông dài nhất trên lãnh thổ Việt Nam với áo phao ở khu vực riêng là trải nghiệm thú vị. Đi thuyền hoặc kết bè, xuôi dòng, khám phá những vườn bưởi da xanh, vườn trái cây trĩu quả của vùng đất bazan màu mỡ. Vùng phụ cận có các tộc người Mạ, Ch’Ro, S’Tiêng, M’Nong, Tày, Nùng, H’Mong, Dao, Hoa, Mường, Ê đê,… còn giữ nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội đặc sắc, như lễ tế trâu (không phải đâm trâu) của người S’Tieng và Mạ; lễ hội Sayangva (mừng lúa mới) của người Ch’Ro, S’Tieng và M’Nong...; nghề thổ cẩm, làm hàng gia dụng từ cây mum…

Tham quan, tắm rừng rồi thì phải tìm thứ ăn. Ở VQG Cát Tiên không khó làm bộ thực đơn với những món ăn riêng. Rất nhiều lá rừng ở vườn ăn được và có tác dụng chữa bệnh. Có thể làm tour thực dưỡng, hướng dẫn vào rừng nhận diện và hái các loại lá ăn hoặc làm thuốc. Thi thoảng tổ chức bữa ăn giữa rừng theo yêu cầu cho thực khách vài ba người và không trái luật định.

----------

(*)Chủ tịch Lửa Việt Tours

2 BÌNH LUẬN

  1. Không nên gọi Cát tiên là “mỏ vàng”. Điều này dễ khơi dậy lòng tham, vốn dĩ vô độ, của nhiều người. Hãy trả lại tên cho Cát tiên là “gia sản” của mẹ thiên nhiên, để ai ai cũng muốn chiêm ngưỡng, bảo tồn và phát huy đời đời.

  2. Di sản cuốc gia là vào tay của các nhà làm kinh tế tài ba đang sở hữu các công ty quốc doanh lỗ hàng ngàn tỷ hàng chục ngàn tỷ đồng và lỗ luỹ kế lỗ ……. lỗ lỗ lỗ …. Xin cho đất nước được bình yên mấy anh chị thiên tài ơi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới