Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để nâng cao tri thức và tính chuyên nghiệp cho nông dân

Võ Hiền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Các chính sách về sản xuất nông nghiệp cũng như các phương thức hỗ trợ nông dân nuôi trồng đã được Nhà nước ta thực hiện từ lâu, nhưng xem chừng những nỗ lực chưa đem lại kết quả như mong muốn. Có thể nói nền nông nghiệp vẫn giậm chân tại chỗ và khó cho cái nhìn lạc quan.

Thông tin hàng ngày về giá vật tư nông nghiệp tăng, giá nông sản rớt, rồi giải cứu, rồi chặt bỏ…, đủ cho thấy đời sống của phần lớn nông dân vẫn khó khăn, trắc trở. Trong hoàn cảnh này, việc đòi hỏi người nông dân phải có tri thức để vươn lên trong lao động sản xuất là rất cần thiết và chính đáng, như tựa bài viết “Làm nông hiện đại thì nông dân phải có tri thức” của tác giả Lê Minh Hoan trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ngày 14-7-2022.

Nhưng tri thức của nông dân từ đâu mà có và cần những điều kiện gì?

Nông dân ở quê tôi bây giờ không còn nhiều đất đai canh tác, nhà nào có nhiều nhất cũng chỉ độ chừng 5.000 mét vuông. Trước kia, suốt nhiều năm chỉ một màu xanh của lúa. Giờ thì lởm chởm chỗ ổi, chỗ dừa, chỗ rau, chỗ mít…, một lối sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm. Và dĩ nhiên đến kỳ thu hoạch thì cũng… hên, xui như ai cũng đã biết.

Chuyện kết hợp “bốn nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) trong sản xuất nông nghiệp đã được nghe từ lâu nhưng thực tế trong suốt quá trình sản xuất, nông dân vẫn chỉ có một mình. Vốn thiếu, họ phải mua chịu vật tư, nguyên liệu đầu vào. Đến thu hoạch, may mắn thì đủ trả nợ và có dư đôi chút, còn thất mùa hay mất giá thì lâm cảnh nợ nần, thậm chí phải giao cả nhà cửa, đất đai cho chủ nợ. Về con giống, hầu hết nông dân đều phải nhờ thương lái đầu tư, khi thu hoạch thì bị cấn trừ vào giá thành nông sản, bị ép giá, vì mua bán chẳng có giao kèo hay hợp đồng chắc chắn. Về kỹ thuật canh tác thì phải tự mò mẫm, rồi cũng đi đến chuyện tìm những loại thuốc bảo vệ thực vật có hàm lượng hóa chất cao, bởi cho dù có lòng tin cũng không thể mua nổi các sản phẩm sinh học hoặc các hoạt chất hữu cơ do giá quá cao. Và cũng vì vậy mà sản phẩm của họ không thể là hàng chất lượng cao hay nông sản sạch.

Tôi đọc báo, xem đài, được biết nông dân ở Thái Lan rất chuyên nghiệp và có cuộc sống phong lưu hơn nông dân xứ mình nhiều. Thông qua các hợp tác xã, họ luôn cập nhật tri thức hiện đại và áp dụng vào sản xuất. Trong đại dịch Covid-19, mỗi người nông dân được chính phủ hỗ trợ mỗi tháng 5.000 baht (tương đương hơn 3 triệu đồng), chuyển thẳng vào tài khoản cho đến tháng 7-2020 (theo Tạp chí Cộng sản tháng 5-2022). Cũng theo tạp chí này, năm 2020, Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch hỗ trợ các dự án mới trị giá khoảng 30 tỉ baht (tương đương 816 triệu đô la Mỹ) cho lĩnh vực nông nghiệp và tạo việc làm ở khu vực nông thôn. Nông dân trồng lúa còn được hưởng những ưu đãi như mua phân bón với giá thấp, miễn cước vận chuyển phân bón, được cung cấp giống mới có năng suất cao, được vay vốn lãi suất thấp từ ngân hàng nông nghiệp. Trước đó, năm 2019, Chính phủ Thái Lan đã giải ngân 330 triệu đô la Mỹ từ Quỹ Năng lực cạnh tranh để hỗ trợ thành lập học viện công nghệ cao giúp tăng khả năng cạnh tranh của Thái Lan trong thu hút đầu tư nước ngoài. Ngân hàng nông nghiệp thông qua các gói cho vay trị giá 65 tỉ baht mua máy móc và sản phẩm công nghệ cao sử dụng trong nông nghiệp, và các khoản vay chỉ phải chịu mức lãi suất hằng năm là 0,01%.

Tôi tự hỏi, phải chăng nông dân Thái Lan từ lâu được nâng cao tri thức là nhờ vào những nỗ lực, quyết tâm từ chính phủ cũng như các tổ chức như hợp tác xã, hội nghề nghiệp của họ, đặc biệt là từ các chính sách, kế hoạch rất cụ thể và kịp thời đi vào đời sống thực tiễn nền nông nghiệp của họ và phát huy tác dụng? Tôi nghĩ, nếu người nông dân của chúng ta cũng có được những sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời thì nền nông nghiệp Việt Nam cũng rất nhiều hy vọng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Phương pháp đào tạo/ đào tạo lai mới là quan trọng nhất. Nông dân không cần “tri thức” kiểu hàn lâm. Cái họ cần là kỹ năng, tính chuyên nghiệp trong canh tác sản xuất nông nghiệp hiện đại nhiều hơn. Tất nhiên, kỹ năng gì cũng phải dựa trên sự hiểu biết tính kế thừa di sản canh tác truyền thống trao truyền lại, những thứ không chỉ góp phần nuôi sống chính bản thân người nông dân mà cả dân tộc này từ bao đời nay. Khoa học kỹ thuật cũng vậy, không thể tồn tại nếu không bắt nguồn từ nền tảng là đời sống xã hội, để từ đó quay trở lại phục vụ xã hội tốt hơn. Có rất nhiều loại nông sản tuy đã được tái sinh dưới bàn tay ma thuật các nhà công nghệ sinh học, năng suất cao hơn, giá cả rẻ hơn, nhưng chưa chắc ngon và lành hơn những sản phẩm truyền thống. Người tiêu dùng đang quay lưng trở lại với những gì hoa mỹ mà không thiết thực. Mít Thái là một ví dụ, đã và đang tàn lụi dần. Tóm lại, nâng cao tri thức và tính chuyên nghiệp cho nông dân chính là phải biết sống cùng cuộc sống của chính họ, phải học hỏi họ trước khi đào tạo lại họ. Đó mới là phương pháp khả thi nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới