Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để ngày trở lại không xa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để ngày trở lại không xa

Michael Modler

Các tour du lịch sông nước vùng ĐBSCL luôn hấp dẫn du khách nước ngoài – Ảnh: Lý Hồng Bé

(TBKTSG) – (Cảm nghĩ về du lịch Việt Nam của một du khách người Mỹ) Làm đám cưới ở TPHCM quả thật là một trải nghiệm kỳ diệu. Nhưng cũng giống như nhiều chú rể khác, tôi chẳng có chút quyền hành gì về chuyện đám cưới của mình sẽ diễn ra như thế nào. Cô dâu chỉ giao cho tôi một nhiệm vụ quan trọng duy nhất là lo cho các vị khách mời nước ngoài muốn tranh thủ thăm thú Việt Nam. Họ sẽ kéo nhau đến đây 10 ngày trước đám cưới và toàn là dân chân ướt chân ráo lần đầu du lịch Việt Nam.

Truyền thông trong nước gần đây đã lên tiếng về các vấn nạn của ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt là tỷ lệ khách nước ngoài quay trở lại khá thấp (chỉ khoảng 15% so với 50% ở Thái Lan). Có người nghĩ nạn lừa đảo và tiếp thị gian dối là thủ phạm chính. Vài người bạn của chúng tôi muốn tự đi du lịch đã phàn nàn rằng công ty lữ hành họ chọn cố tình đưa ra thông tin sai lệch về các tour chào bán; cộng đồng mạng thì kháo nhau về chuyện họ bị đội quân bán hàng rong tại các điểm du lịch quấy nhiễu. Và thú thật là tôi khó có thể quán xuyến hết mọi điều trong chuyến du lịch của các vị khách của mình.

Khi tôi và cô dâu đưa cả đoàn ra Hà Nội đã gặp phải cảnh tài xế taxi ăn gian bằng cách chạy lòng vòng để tăng tiền cước. Lúc bọn tôi dạo thăm phố cổ Hà Nội, một phụ nữ luống tuổi có vẻ đứng đắn đội nón lá quẩy gánh trái cây đến gần. Sau khi cười mời chào và được chúng tôi cười đáp không muốn mua gì, bà tỏ thái độ thân thiện mời chúng tôi thử trái cây và chụp vài tấm ảnh. Khi cả bọn quyết định chụp ảnh và ngỏ ý muốn mua vài quả chuối thì ngạc nhiên chưa, bà ta mắng chúng tôi sa sả, ý bảo tại sao không mua hết gánh hàng? Cuối cùng, chúng tôi bảo sẽ trả 20.000 đồng cho mấy quả chuối, nếu bà ta vẫn không chịu thì… thôi vậy!

Những câu chuyện đại loại như thế đã làm cho nhiều du khách cảm thấy thất vọng vì mình bị người địa phương xem là các chiếc máy rút tiền di động thay vì là thượng khách. Thế nhưng sau đám cưới, bạn bè lại bảo rằng việc bị quấy rầy hay bị lừa đảo không phải là lý do ngăn họ quay lại Việt Nam – một di sản văn hóa độc đáo ở ngã tư giao thoa giữa Trung Hoa và Đông Nam Á với phong cảnh đẹp, các đô thị năng động, con người mến khách, thức ăn tuyệt vời… Ngay cả cặp đôi đã mua nhằm tour du lịch “dỏm” cũng cho là tránh điều này chẳng có gì khó nếu ngay từ đầu có sự tìm hiểu cặn kẽ hơn. Những chuyến taxi lừa và hàng rong quấy nhiễu cũng không thiếu tại các điểm du lịch ở Thái Lan, Campuchia hay Trung Quốc. Bù đắp lại những phiền toái này là sự hài lòng của họ về giá cả phải chăng, cơ hội dự một đám cưới Việt Nam, khám phá Sapa, ăn uống thỏa thích ở Hội An, thưởng thức bia hơi với người Hà Nội và nhiều điều khác nữa.

Tuy vậy, trong số 15 vị khách nước ngoài của tôi, chỉ có vài người bảo sẽ chắc chắn trở lại Việt Nam trong vòng vài năm tới. Những người khác tỏ ra ngần ngại và lý do chính mà họ đưa ra gồm: (1) Hà Nội và Sài Gòn không có chỗ cho người đi bộ vì cơ sở hạ tầng yếu kém và ô nhiễm không khí; (2) Du lịch bằng đường bộ hay đường sắt nhàm chán và mất nhiều thời gian khiến họ khó có thể đến những điểm thú vị khác ngoài các đô thị; (3) Trong khi rất dễ tìm các khách sạn bình dân với giá cả phải chăng thì dịch vụ lưu trú cao cấp lại quá hiếm hoi ngoài hai thành phố lớn nhất, và lại thường rất đắt so với các nước láng giềng như Thái Lan hay Indonesia; (4) Các chuyến bay quốc tế đến Hà Nội và TPHCM ít hơn so với các sân bay trong khu vực, trong khi các sân bay nhỏ hơn hầu như chẳng có chuyến bay quốc tế nào.

Nói cách khác, tôi nhận ra tình trạng du khách nước ngoài ít quay lại Việt Nam không phải vì Việt Nam thiếu cảnh đẹp, thiếu sự quyến rũ hay vấn nạn lừa đảo vặt và hàng rong quấy rầy, mà là ở chuyện hạ tầng giao thông kém cỏi kéo theo các vấn đề hậu cần du lịch ở Việt Nam khó khăn hơn các nước lân cận.

Nhưng điều này đang bắt đầu thay đổi khi việc đầu tư vào khách sạn và các khu nghỉ dưỡng ngày càng nhiều, và quan trọng hơn, người ta cũng đã chú ý đến việc cải thiện đường sá và giảm kẹt xe.

Để ví dụ, tôi làm một sự so sánh hai chuyến đi của tôi đến Cái Bè thuộc ĐBSCL. Chuyến đầu khoảng bốn năm trước và chuyến sau cách đây hơn một tháng. Trong chuyến đi lần đầu, quang cảnh thôn dã của sông nước, ruộng vườn mới thú vị làm sao, còn cả tiếng chim líu lo, hương thơm của những cây ngọc lan, và mùi vị khó quên của những tô cháo hến nóng hổi…Dù không hề tiếc nuối về một chuyến du ngoạn chạy trốn khỏi Sài Gòn nhưng tôi đã không quay lại Cái Bè trong suốt bốn năm sau đó chỉ vì cái ấn tượng mệt mỏi về chuyến xe lăn bánh chậm chạp, chưa kể có lúc kẹt cứng vì xe gắn máy. Hành trình mất đến ba giờ đồng hồ, mà chỉ một chiều thôi nghe!

Trong lần trở lại gần đây, Cái Bè vẫn như trong ký ức của tôi. Nhưng chuyến đi thú vị hơn nhiều khi một đoạn đường rất dài trước kia đã trở thành xa lộ mới xây. Nhờ vậy, tôi tha hồ ngắm nhìn cảnh đồng quê và rút ngắn hơn một giờ đồng hồ đi đường.

Chắc chắn chúng tôi sẽ thăm lại Cái Bè và lần này sẽ không cần đến bốn năm như lần trước. Thiết nghĩ, đây cũng có thể là câu chuyện cho tương lai của du lịch Việt Nam.

(Quỳnh thư dịch)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới