Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đề nghị gỡ khó về hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp ngành gỗ

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi công văn cho Bộ Tài chính hôm 5-12 đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Ảnh minh họa: TL.

Để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chỉ đạo các cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến thuế VAT.

Hiện tại, việc xác minh nguồn gốc để hoàn thuế VAT đối với mặt hàng gỗ có nguồn gốc từ rừng trồng trong nước đang được các cơ quan thuế làm theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại các căn bản số 429/TCT-TTKT năm 2021 và số 2124/TCT-TTKT, số 2928/TCT-TTKT, số 4569/TCT-TTKT trong năm 2020.

Trong khi đó, Thông tư số 27/2018/TTBNNPTNT năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản thì gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp, người dân tự quyết định việc khai thác, tự lập bảng kê lâm sản, tự do lưu thông và không phải xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước.

Như vậy, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo phương pháp kiểm tra, xác minh thông qua UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của cơ quan thuế là chưa phù hợp.

Ngoài ra, theo văn bản số 2124/CT-TTKT của Tổng cục Thuế xác định các doanh nghiệp và ngành nghề có rủi ro trong việc hoàn thuế VAT, trong đó chỉ đánh giá trên cơ sở các công ty sản xuất và kinh doanh ván dán.

Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm đồ mộc nội thất, ngoại thất, dăm gỗ và viên nén đều bị xem xét là có nguy cơ rủi ro cao trong việc hoàn thuế VAT. Do vậy, cơ quan thuế cần có những đánh giá kỹ lưỡng hơn trong việc phân loại, áp dụng rủi ro đối với các sản phẩm gỗ, nhất là đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có uy tín.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày có thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế hoặc không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế.

Do đó, việc các cơ quan thuế tiến hành xác minh nguồn gốc gỗ của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và giải quyết hoàn thuế VAT kéo dài nhiều tháng đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp ách tắc ở khâu xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng theo yêu cầu của cơ quan thuế, từ đó dẫn đến việc hoàn thuế VAT bị “ngâm”. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số tiền thuế VAT chưa được hoàn lên đến khoảng 1.000 tỉ đồng, thời gian chậm hoàn thuế vượt xa so với quy định.

Trong những năm qua, gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước là nguồn cung chủ yếu và quan trọng, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu nguyên liệu, giúp cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam liên tục tăng trưởng, năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt 16,3 tỉ đô la, tăng 19,8% so với năm 2020.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới