(KTSG Online) - Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần có một chương quy định việc thu hút đầu tư tư nhân tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhất là trong bối cảnh nhà nước đang khuyến khích xã hội hóa y tế.
Các đại biểu Quốc hội đã đưa ra những góp ý như trên tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra vào chiều ngày 8-9. Đây là phiên thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhằm tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4.
- Xã hội hóa y tế: miếng bánh của bệnh nhân nghèo bị cắt xén
- Thiếu đất, thiếu bác sĩ để xã hội hóa y tế
Tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Công Long, đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai cho rằng cần làm rõ cơ sở quy định đầu tư theo hình thức đối tác công tư để thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám, chữa bệnh.
Ông Long cho biết, tại Khoản 3 Điều 105 về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh quy định: việc thu hút đầu tư tư nhân trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở của nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư... Hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các hình thức xã hội hóa khác theo quy định của Chính phủ.
Ông Long cho rằng, quy định như vậy chưa xác định rõ những chính sách thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực này là gì. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư chỉ là một chính sách thôi.
Bên cạnh đó trong thực tế, từ khi ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, việc thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực giao thông, điện, hạ tầng trầm lắng đáng lo ngại. Do vậy nếu coi đây là một chính sát thu hút, ưu đãi trong lĩnh vực khám, chữa bệnh cần phải làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn như thế nào.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh, đoàn đại biểu Quốc hội Cà Mau thì cho rằng, cần có một chương riêng về chính sách cho thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư vào y tế. Ông Minh cho biết, hiện chính sách Nhà nước khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân vào khám, chữa bệnh. Song dự thảo luật chỉ quy định nội dung này ở khoản 4, Điều 4, với hơn 7 dòng.
Ông Minh cho rằng, quy định như vậy mới chỉ gắn tên, hình thức còn chưa có nội dung, nếu thực hiện trong thực tế sẽ rất vất vả và có thể dẫn đến sai phạm. Ông cho rằng cần có một chương về chính sách cho thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư vào y tế. Bởi mục tiêu của luật, đến một lúc nào đó, hoạt động khám, chữa bệnh phải là một ngành kinh tế. Mục tiêu đến năm 2030, số giường bệnh ít nhất 50% của tư nhân và 50% của bệnh viện công.
“Thực tế, các bệnh viện, đặc biệt Hà Nội và TPHCM chưa đủ cung cấp dịch vụ y tế cho người dân. Các bệnh viện thường bệnh nhân đông, chất lượng chưa ổn, đặc biệt là điều dưỡng không đáp ứng đủ, dẫn đến tình trạng một người bệnh nhiều người nhà đi chăm sóc,” ông Minh nói.
Ngoài ra, ông Minh còn cho rằng, về dài hạn cần xây dựng được một chính sách và quy định rõ trong luật về mục tiêu số giường bệnh của thành phần kinh tế tư nhân tương đương với số giường bệnh của Nhà nước.
Cũng liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Lân Hiếu, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng, nên bỏ cụm từ “xã hội hóa y tế”, bởi trong lịch sử của Việt Nam cũng như trên thế giới không thấy định nghĩa thế nào là xã hội hóa y tế. Không thể xã hội hóa y tế bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua máy đặt trong bệnh viện công để chia nhau lợi nhuận.
Ông Hiếu cho rằng, chỉ nên quy định 3 hình thức hợp tác công tư trong y tế. Hình thức thứ nhất là cho vay (ưu đãi cho các bệnh viện được mua sắm, đầu tư, cụ thể hóa trong luật), khuyến khích điều này để bệnh viện sẽ có thể vay tiền của tổ chức tín dụng cũng như những tổ chức quốc tế. Bệnh viện đầu tư bằng nguồn tiền vay và có trách nhiệm bảo vệ vốn vay như một doanh nghiệp - bảo vệ trách nhiệm của mình khi vay tiền đầu tư.
Hình thức thứ 2 là thuê - hình thức này đã có nhưng chưa rõ ràng. Đây là hình thức để các bệnh viện, các cơ sở y tế có thể thực hiện, với hai chiều. Chiều thứ nhất là bệnh viện công thuê các phương tiện, trang thiết bị của bệnh viện tư hay của tư nhân như máy móc. Với những loại máy đắt tiền, những phương tiện không có đủ điều kiện mua thì thuê.
Chiều thứ hai là tư nhân thuê bệnh viện công, điều này rất khó. Tuy nhiên, theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu vẫn nên đặt ra trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - để có hướng dần dần các luật khác sẽ hỗ trợ hiện thực.
Ông Hiếu cho rằng, y tế công có thương hiệu, có hiểu biết, có nguồn chất xám rất lớn nhưng không đủ khả năng để bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện và vận hành bệnh viện về mặt quản trị. Chúng ta lấy cái mạnh của y tế công là thương hiệu, niềm tin người dân cộng với chất xám của các bác sĩ, điều dưỡng, nhà khoa học, còn tư nhân sẽ vận hành bệnh viện, tư nhân thuê lại thương hiệu. Mặc dù rất khó định giá thương hiệu của bệnh viện cũng như tài sản công khó khăn nhưng chúng ta cần có hướng đi này.
Hình thức thứ ba được đại biểu Nguyễn Lân Hiếu góp ý đó là hợp tác công tư phi lợi nhuận. Bởi ông cho rằng thực tế trên thế giới đang triển khai từ rất lâu và rất thành công. Việt Nam đã có những bệnh viện tư nhân phi lợi nhuận, thế nhưng chưa có bệnh viện nào hợp tác công tư phi lợi nhuận. Nghĩa là các nhà hảo tâm, các quỹ xây dựng bệnh viện và cho các bệnh viện công vận hành bệnh viện đấy.
Lúc đó, lợi nhuận được giữ lại đầu tư để phát triển bệnh viện rộng hơn, nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên bệnh viện, cũng như cho các trường hợp bệnh nhân nghèo. Ông Hiếu đề nghị nên khuyến khích mô hình này và chắc chắn sẽ rất nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện thương hiệu nhà nước để phục vụ người bệnh.
Luật Khám chữa bệnh, rốt cuộc nhằm giải quyết mục tiêu gì ? Y tế công hay tư, đều là phương thức phục vụ mà xã hội cần, mục tiêu phải hướng đến là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, duy trì, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đó mới là tối thượng. Y tế công thì do nhà nước chủ trì, phục vụ số đông cộng đồng, không phân biệt đối tượng bệnh nhân. Y tế tư do chủ doanh nghiệp gánh vác, phục vụ theo cơ chế thỏa thuận. Cả hai mô hình đều phải chịu trách nhiệm về uy tín của chính mình. Có hai tình huống đáng quan tâm nhất 1. Trường hợp nguy cấp nhất mà mọi tổ chức y tế cần phải đáp ứng vô điều kiện, đó là xử lý bệnh cấp cứu và bệnh có nguy cơ tử vong. 2. Khó khăn nhất mà người bệnh phải đối mặt thường xuyên, đó là nguồn lực tài chính và sự lựa chọn nơi khám chữa bệnh phù hợp. Mọi luật lệ muốn đi vào cuộc sống thì phải giải tỏa được những vướng mắc lớn này.