(KTSG) - Để người dân ĐBSCL không còn phải ly hương tức là làm sao để họ sống được với nông nghiệp.
Làn sóng người hồi hương và những trăn trở
Từ sáng sớm ngày 1-10-2021, khi TPHCM chấm dứt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hàng vạn người đã có mặt ở các cửa ngõ thành phố để trở về quê. Hình ảnh những đoàn người khi thì bị dồn ứ ở các trạm, khi thì rồng rắn trên đường về quê; rồi cảnh người dân hai bên đường tiếp cơm, tiếp nước gợi lên biết bao cảm xúc. Không có từ ngữ nào lột tả được tình cảnh hàng đoàn người dài dằng dặc, “chất” cả gia đình trên chiếc xe máy để hồi hương. Họ ly hương để mong có cuộc sống khá hơn, có thêm chút tiền gửi về cho gia đình. Quê hương là nơi họ lớn lên, là nơi họ luôn nghĩ đến, luôn nhớ về mỗi khi có cuộc vui, ngày lễ, ngày Tết. Nhưng lần này thì không phải là cuộc vui mà bao trùm những nỗi âu lo, hoảng sợ.
Con số di dân của ĐBSCL đã tăng liên tiếp trong hơn 20 năm. Giai đoạn 1999-2009 là 664.000 người, và 2009-2019 là 1,31 triệu người (Điều tra dân số năm 2009 và 2019). Đi “Bình Dương” là câu nói ở Sóc Trăng những năm trước đây, hàm chứa sự phá sản của việc nuôi tôm, phải đi trốn nợ, tìm kiếm công việc mới ngoài nông nghiệp. Di dân vào lúc đầu chỉ là việc tìm kiếm công ăn việc làm mới của một vài nhóm người, dần dà trở thành hiện tượng có sức lôi kéo, cuốn hút. Đà di dân tăng cao thì tỷ lệ tăng dân số chậm lại. Trong 10 năm (2009-2019) dân số của vùng chỉ tăng 0,05%. Trong khi thành thị tăng được 0,98%, thì nông thôn giảm -0,24%. Những tỉnh như An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau có tỷ lệ tăng trưởng dân số âm, lần lượt là -1,16%, -0,75% và -0,1% năm. Đây cũng là những tỉnh có số dân hồi hương rất cao thời gian qua.
Làn sóng người trở về và sự quá tải của nhiều tỉnh cho thấy thực tế là nền kinh tế của vùng ĐBSCL rất yếu kém, trái ngược với những lời ca ngợi có cánh của nhiều năm trước. Di cư lớn, suy giảm dân số nhanh phản ánh đúng thực trạng kinh tế của vùng và nó không còn là câu chuyện nhỏ như một số người từng nghĩ.
Nông nghiệp ĐBSCL nên tính đến lợi thế so sánh với sự khác biệt. Khác biệt do điều kiện tự nhiên, khác biệt do tính đặc thù của mỗi tiểu vùng làm cho sản phẩm có đặc tính riêng, nhờ đó có giá bán cao. Sự đa dạng này tạo thêm cơ hội cho nhiều nông dân tham gia, gắn bó với nông nghiệp.
Tác động lớn nhất là suy giảm nguồn lực lao động, cả về số lượng và chất lượng. Hơn 73% số người di cư thuộc lực lượng lao động. Thiếu hụt lao động đã xuất hiện ở khu vực công nghiệp. Các doanh nghiệp trong vùng từ lâu đã rất khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Tình trạng thiếu hụt lao động gia tăng, đồng thời tinh thần, thái độ làm việc cũng kém đi. Bỏ việc, nhảy việc, đòi hỏi mức lương cao đến vô lý... Những người trẻ khỏe ra đi, chỉ còn người già yếu. Nông nghiệp và khu vực nông thôn cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.
Ẩn sau sự trở về của dòng di dân cho thấy phần nào sự thật đắng lòng. Nền y tế của vùng ĐBSCL yếu kém, nhưng TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai thì cũng không khá hơn là mấy. Những nơi này đã không giữ được người lao động ở lại vào thời điểm mà nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Sự vội vã bỏ đi, bất chấp hiểm nguy rình rập để tìm mọi cách trở về quê nhà của đoàn người đã nói lên rất nhiều điều.
Khi tình trạng lây nhiễm ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai được kiềm chế thì các tỉnh ĐBSCL lại “tăng nhiệt”. Nói cách nào đó thì đây là sự “chuyển đổi”, “phân tán” vùng dịch từ các tỉnh thành nói trên về ĐBSCL.
Đã không có sự liên kết, phối hợp nào giữa các tỉnh thành nói trên với ĐBSCL trong thời kỳ cao điểm phòng chống dịch. Ngay tại ĐBSCL cũng vậy. Mỗi địa phương đều quyết liệt rào chắn, ngăn cách để rồi tự làm khó mình, làm tăng gánh nặng cho nền kinh tế, cho hệ thống y tế. Ai cũng thấy mối nguy của tình trạng chia cắt, cô lập nhưng hầu như không làm gì, hoặc không biết phải làm gì. Không địa phương nào lên tiếng kêu gọi sự liên kết, phối hợp, hỗ trợ nhau. Ở cấp cao hơn, Hội đồng Điều hành kinh tế vùng cũng không có cuộc bàn thảo nào trong tình cảnh rất cần tiếng nói chung.
Doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn thì không có tiếng nói, cũng không ai lắng nghe. Rất nhiều cách hành xử thô bạo, kỳ dị tưởng chừng đã không còn tồn tại lại bất ngờ xuất hiện, làm ngỡ ngàng nhiều người.
Chỉ với vài tháng thời cao điểm chống dịch đã cho nhiều bài học và những nhận thức để nhiều người, nhiều cấp phải suy nghĩ và hành động.
ĐBSCL có đứng trước cơ hội mới?
Tập trung dân cư với mật đô cao vào đô thị lớn, khu dân cư đã thất bại trước làn sóng lây lan dịch bệnh. Quá tải, mệt mỏi, căng thẳng ở các đô thị lớn; chật chội trong các khu nhà trọ sẽ còn là nỗi ám ảnh trong ký ức của nhiều người. Nhưng với ĐBSCL thì đây là cơ hội để định hình lại chiến lược phát triển của mình về đô thị, về y tế, về du lịch - nghỉ dưỡng và cơ hội cho phát triển công nghiệp.
Tập trung vào cực tăng trưởng ở các tỉnh Đông Nam bộ (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai) nếu vẫn tiếp tục với mô hình thu hút lao động giản đơn từ khắp các miền của đất nước có nguy cơ làm suy yếu các vùng miền khác, nền kinh tế quốc gia cũng trở nên kém đa dạng, kém cạnh tranh. Hậu quả là các vùng nông thôn suy kiệt, dân số suy giảm nhanh; mà trước mắt đã thấy rõ với ĐBSCL, còn lâu dài là các hệ lụy xã hội, văn hóa sẽ ngày càng khó lường hơn.
ĐBSCL phải tính lại chiến lược phát triển, không nên coi mình chỉ là nơi làm nông nghiệp và cung cấp nguồn lao động. ĐBSCL cũng cần rút ra bài học chăm sóc tốt hơn với lao động ở địa phương mình, tập trung nhiều hơn vào việc đào tạo nguồn lực lao động có chất lượng. Để giải quyết bài toán chất lượng lao động, đòi hỏi các cơ sở đào tạo trong vùng phải được nâng cấp. Làm thế nào để có nhiều trường đào tạo có chất lượng phải là chương trình ưu tiên trong chiến lược đào tạo của vùng.
ĐBSCL đang có một số chuỗi ngành, sản phẩm chủ lực xây dựng được lợi thế cạnh tranh với chi phí thấp. Một số chuỗi sản phẩm khác cũng đi theo theo mô hình sản xuất với số lượng lớn, cạnh tranh với giá thấp. Tập trung vào một ít chuỗi giá trị có thể xuất khẩu được nhiều, nhưng càng cạnh tranh thì các chuỗi này càng giảm sử dụng lao động, giá thấp cũng dễ bị đánh đồng với hàng chất lượng kém.
Nông nghiệp của vùng nên tính đến lợi thế so sánh với sự khác biệt. Khác biệt do điều kiện tự nhiên, khác biệt do tính đặc thù của mỗi tiểu vùng làm cho sản phẩm có đặc tính riêng, nhờ đó có giá bán cao. Sự đa dạng này tạo thêm cơ hội cho nhiều nông dân tham gia, gắn bó với nông nghiệp. Nền nông nghiệp cần có một số chuỗi ngành (value chain) chủ lực nhưng cũng cần có nhiều các cụm ngành (cluster) cho những sản phẩm nông nghiệp đa dạng.
Sản xuất nông nghiệp của vùng cho đến nay là những nông hộ nhỏ. Những người này nếu được tự đầu tư, trang bị máy móc, phương tiện sản xuất, tiếp cận các ứng dụng công nghệ để sản xuất, bán hàng thì nông nghiệp sẽ nhanh chóng phát triển. Chìa khóa (của vấn đề) nằm ở thể chế mới cho vay/thế chấp trong nông nghiệp. Ở mức cao hơn, thể chế đất đai giúp làm tăng tài sản của người nông dân sẽ tạo ra cơ hội cho hàng triệu nông hộ thêm nguồn vốn tích lũy, đầu tư. Với những tài sản tự đầu tư, người nông dân sẽ gắn bó nhiều hơn với nông nghiệp, năng suất lao động sẽ được cải thiện.
Máy móc, thiết bị nông nghiệp nay được theo hướng cho cá nhân sử dụng, thích hợp với nền kinh tế của nông hộ nhỏ và cho những mô hình sản xuất đa dạng về sản phẩm, chất lượng vẫn tốt. Đây cũng là cơ hội cho sự thay đổi nông nghiệp của vùng. Vấn đề là cần có thêm cú hích từ chính sách hỗ trợ người nông dân tự đầu tư, trang bị cho mình.
Nền kinh tế của vùng phát triển thì mới giữ được lao động, giảm bớt tình trạng xuất cư. Nông nghiệp lâu nay là nguồn cung cấp lực lượng lao động cho nền kinh tế, nay nông nghiệp cũng đang đối mặt tình trạng thiếu hụt do làn sóng di cư. Vấn đề cần được xem xét trên tổng thể các ngành liên quan, tương hỗ với nhau. Không thể chỉ dựa vào nông nghiệp, ĐBSCL phải phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đó là những ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp sử dụng nhiều lao động; các ngành dịch vụ, dịch vụ kết nối nông nghiệp đến thị trường. Mối quan hệ này là không tách rời để phát triển kinh tế, giữ được lao động, ổn định xã hội.