(KTSG Online) - Một trong những dữ kiện đáng chú ý trong báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý 3-2021 vừa được Tổng cục Thống kê (GSO) công bố là số lượng lao động làm công việc tự sản, tự tiêu tăng mạnh trong sự tác động của dịch bệnh. Việc nhiều người trở lại cách thức sản xuất đơn lẻ, manh mún đã đặt ra nhiều câu hỏi về chuỗi kết nối sản xuất qua mô hình hợp tác xã (HTX), chuỗi cung ứng... trong gia đoạn bùng phát dịch bệnh.
Từ mô hình sản xuất tập trung quay về tự cung ứng
Lao động làm các công việc tự sản tự tiêu trong khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản tạo ra sản phẩm với mục đích chủ yếu phục vụ cá nhân, gia đình sử dụng. Số người lao động trong hoạt động này thường tập trung ở nông thôn. Ở các thời điểm bình thường, số lao động này thường tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung ứng như HTX, doanh nghiệp nhỏ tại chỗ hay là cơ sở sản xuất mang tính đầu mối cung ứng cho các doanh nghiệp tại các thành phố lớn. Nhưng dịch bệnh đã làm thay đổi đáng kể tình hình lao động. GSO thống kê cho thấy, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu trong quý 3 năm nay là 5,2 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với quý trước và tăng gần 2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động “cô đơn” trong dịch bệnh như vậy đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Nó cho thấy các mô hình sản xuất như doanh nghiệp, HTX, chuỗi cung ứng… bị đứt gãy nặng nề và đến nay chưa khôi phục được.
Trong tổng số 5,2 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có đến hơn 3 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 58,6%). Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Muốn thay đổi trạng thái lao động tự cấp, tự túc của 5,2 triệu người, phần lớn ở độ tuổi lao động thì việc khôi phục lại các chuỗi liên kết, cung ứng, HTX…là cách thức đưa lao động vừa duy trì được việc làm, vừa thoát khỏi cuộc sống manh mún, khép kín.
Những tháng cao điểm dịch bệnh, Bộ Công Thương đã liên tục phối hợp với các địa phương, các Sở NN-PT Nông thôn, các HTX xây dựng các mô hình chuỗi cung ứng, phân phối 4.0 ở trong và ngoài nước để cứu người dân sản xuất tự cấp, tự túc có đầu ra. Nhất là người dân các vùng sản xuất các sản phẩm có đặc sản, thương hiệu sẵn có. Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang) nhờ thế đã đi vào rất nhiều kênh phân phối khác nhau, nhất là các kênh phân phối thương mại điện tử để ra nước ngoài.
Nhiều tỉnh cũng không đứng ngoài cuộc. Hai năm trước, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang và các hiệp hội, HTX trong tỉnh đã vận hành sàn giao dịch “Nông sản Hậu Giang” có 2200 tổ chức và cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng với 320 nông sản tham gia. Sàn giao dịch đặt mục tiêu giúp người nông dân, HTX, doanh nghiệp…trong và ngoài tỉnh đưa nông sản lên sàn, gắn với truy xuất nguồn gốc để giao dịch, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tốt hơn.
Mô hình này đã “cứu” nông dân, nông sản Hậu Giang khá hiệu quả trong những tháng dịch bệnh vừa qua. Do đó, UBND tỉnh này đã sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện giao dịch điện tử đối với nông sản đến các HTX, người dân để chuỗi liên kết này phục hồi và ngày càng phát huy giá trị trong giai đoạn “bình thường mới”.
Tuy nhiên, nông sản đã lên sàn tức là đã tiếp cận được giai đoạn cuối cùng trong chuỗi phân phối đến tay người tiêu dùng. Còn con đường từ sản xuất đến tiêu thụ bao gồm rất nhiều các giai đoạn khác nhau và vai trò của người nông dân, HTX vẫn đóng vai trò “đầu vào”, đầu tiên trong chuỗi sản xuất, là những đối tượng cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất theo quy mô, nâng cao tính tổ chức, liên kết sau thời gian dịch bệnh.
Những nguồn hỗ trợ "treo"
Tin từ Liên minh HTX Việt Nam cho biết: Sáu tháng đầu năm, cả nước thành lập mới 843 HTX, cao hơn 92 HTX so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là 635 HTX (chiếm 75,32%), phi nông nghiệp là 208 HTX (chiếm 24,68%). Khu vực HTX thu hút trên 6,81 triệu thành viên. Tổng vốn điều lệ đạt trên 48,8 nghìn tỷ đồng, trung bình 1,868 tỉ đồng/HTX.
Tuy nhiên, nhiều HTX được thành lập theo Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động; tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương còn ít (chiếm hơn 5%/tổng số HTX). Một tỷ lệ khá lớn (hơn 70%) HTX qui mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực tài chính và quản trị yếu, thiếu nguồn lực thực hiện, ít có khả năng tự huy động nguồn lực từ thị trường; phần lớn HTX nông nghiệp, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, vận tải,...bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 dẫn đến doanh thu dịch vụ nội bộ và tiêu thụ sản phẩm giảm mạnh.
Dự báo đến cuối năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 42.000 HTX, với 13 triệu thành viên, trong đó 10 triệu thành viên là hộ cá thể ở địa bàn nông thôn (chiếm 60%);
Để HTX phát triển cả về số lượng và chất lượng trong giai đoạn bình thường mới, chính sách của Nhà nước không nên bỏ sót loại hình này, hoặc nêu tên trong Nghị quyết 105/2021/NQ-CP của Chính phủ về Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối dịch bệnh nhưng không cụ thể hóa và hướng dẫn chi tiết khiến doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh đều không thể tiếp cận được các nguồn lực.
Trước đó, một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các HTX trong dịch Covid-19 (Nghị quyết số 42/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021,...) đều đã có. Tuy nhiên, không quy định rõ đối tượng thụ hưởng là HTX hoặc người lao động trong HTX; một số văn bản thủ tục hành chính, hồ sơ phức tạp, qua nhiều cơ quan, ban ngành khiến các HTX thấy mất nhiều thời gian mà mức hỗ trợ không đáng kể, thậm chí có thể không đủ bù phần chi phí làm hồ sơ thụ hưởng nên chưa mang lại tác dụng gì.