Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để Quốc hội thực hiện đúng chức năng cơ quan lập pháp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để Quốc hội thực hiện đúng chức năng cơ quan lập pháp

Nguyễn Sơn

(TBKTSG) – Nhân đọc bài viết của GS.TS. Nguyễn Vân Nam “Nghị định hướng dẫn quan trọng hơn luật” trên TBKTSG số 31-2009 vừa qua, tôi rất tâm đắc và có một số ý kiến chia sẻ liên quan hoạt động lập pháp ở nước ta hiện nay.

Tình trạng luật đã ban hành nhưng chưa được thực thi vì thiếu văn bản hướng dẫn (nghị định, thông tư…) là thực tế tồn tại trong quản lý nhà nước ở Việt Nam đã được nói đến nhiều nhưng không được cải thiện.

Việc luật phải đợi nghị định, thông tư không chỉ “vi phạm nguyên tắc nhà nước pháp quyền nói chung” như ý kiến của GS.TS. Nguyễn Vân Nam mà còn tạo nên một hệ thống văn bản thiếu minh bạch, không khoa học và rất phức tạp, cồng kềnh do phải dẫn chiếu từ văn bản nọ tới văn bản kia khi áp dụng.

Đây là một trong những lý do khiến pháp luật chậm đi vào cuộc sống. Để giải quyết tình trạng này, chức năng lập pháp phải thực sự do cơ quan có thẩm quyền này (tức là Quốc hội) đảm nhiệm. Tuy nhiên, vấn đề là phải làm thế nào trong thực tế hiện nay ở nước ta để Quốc hội đảm nhiệm được đúng và đủ thẩm quyền tối quan trọng này của mình.

Nguyên nhân của tình trạng luật chờ văn bản dưới luật trong thực tiễn lập pháp nước ta bắt nguồn từ hai lý do. Trước hết, đó là rơi rớt của tư duy và phương thức quản lý thiên về hành chính vốn tồn tại từ thời bao cấp. Các cơ quan quản lý dự thảo luật khung để Quốc hội thông qua. Sau đó Chính phủ ban hành nghị định (cũng do các bộ, ngành dự thảo trình lên) và các bộ, ngành ban hành tiếp thông tư hướng dẫn.

Trong một số trường hợp cá biệt công văn cũng được sử dụng trong hoạt động quản lý với giá trị như văn bản pháp quy. Có thể thấy các cơ quan hành chính trên thực tế là nơi đưa ra sáng kiến lập pháp và đồng thời xây dựng các quy phạm theo ý chí chủ quan của mình và tất nhiên theo hướng tạo thuận lợi nhất cho hoạt động quản lý của mình.

Bên cạnh lý do về tư duy, việc phải ban hành văn bản ở nhiều cấp để đưa một sáng kiến lập pháp vào cuộc sống phản ánh sự hạn chế về năng lực quản lý, đặc biệt năng lực lập quy của các cơ quan quản lý. Trong quá trình dự thảo, thông thường những vấn đề vướng mắc hoặc chưa trù liệu hết trong luật sẽ được “đẩy” xuống để giải quyết trong các văn bản ở dưới theo tinh thần “sai đâu sửa đấy”.

Rõ ràng cách làm thiếu minh bạch, thiếu khoa học này không phù hợp với những nguyên tắc cơ bản về nhà nước pháp quyền chúng ta đang xây dựng.

Thứ hai, bản thân Quốc hội chưa thực sự đảm nhiệm tốt vai trò cơ quan lập pháp của mình với đầy đủ nghĩa của từ này. Hoạt động lập pháp phải bao gồm đầy đủ các nội dung: đưa sáng kiến lập pháp, xây dựng văn bản dự luật và thông qua luật.

Quốc hội ta hiện nay chủ yếu tập trung vào nội dung thứ 3: thảo luận và thông qua các dự luật do các bộ đệ trình. Theo dõi các phiên họp Quốc hội gần đây chúng ta phấn khởi với một số thay đổi theo hướng minh bạch, dân chủ tại các kỳ họp. Đặc biệt các phiên chất vấn các thành viên Chính phủ đã thể hiện rõ chức năng giám sát của Quốc hội, góp phần tăng ý thức trách nhiệm của các thành viên Chính phủ.

Mặc dù vậy, có thể thấy các ý kiến do đại biểu Quốc hội đưa ra chủ yếu mang tính chất vấn, yêu cầu cung cấp thông tin. Chúng ta chưa thấy có đại biểu chủ động đề xuất một dự luật liên quan tới quyền lợi của nhóm cử tri mình đại diện.

Ví dụ liên quan những tồn tại trong chính sách điều hành xuất khẩu gạo, nhập khẩu muối ăn… các đại biểu chất vấn rất nhiều về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các câu hỏi xoay quanh việc Bộ trưởng đã làm gì, sẽ làm thế nào để giải quyết tình hình? Trách nhiệm Bộ trưởng đến đâu?…

Ta chưa thấy các đại biểu đưa ra đề xuất cụ thể về một cơ chế điều hành xuất khẩu nông sản hoặc một dự luật liên quan nghề muối… giúp ổn định an ninh lương thực, đảm bảo cuộc sống của các cử tri nông dân mình đại diện. Việc đưa ra các sáng kiến lập pháp hoặc các dự luật của đại biểu Quốc hội là nhằm thực hiện đủ “quyền lực tối cao” của mình được nhân dân ủy thác.

Thực hiện đầy đủ quyền lực này cũng là bổn phận, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trước cử tri của mình.Bởi vậy, việc đảm bảo cho Quốc hội thực hiện đúng chức năng lập pháp của mình cần bắt đầu từ việc nâng cao năng lực và tính chuyên trách của đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu, bên cạnh việc nâng cao kiến thức lập pháp, phải thấu hiểu thực tiễn thông qua việc duy trì thường xuyên các hình thức tiếp xúc cử tri của mình (có địa chỉ liên lạc, hộp thư điện tử, tuân thủ quy trình tiếp nhận và trả lời cử tri…).

Có như vậy, đại biểu Quốc hội mới đủ năng lực chuyên môn và hiểu biết thực tiễn để có thể đưa ra các sáng kiến lập pháp và các dự luật phù hợp quyền lợi quốc gia, đáp ứng quyền lợi các cử tri của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới