Thứ Năm, 4/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Để ‘rồng’ cất cánh

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trong tuần qua có một thông tin đáng chú ý: Trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa triển khai Đề án sản xuất 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì tổng diện tích sản xuất giống lúa chất lượng cao ở đây trong vụ hè thu 2022 đã vượt con số 1 triệu héc ta.

Điều này cho thấy sức sống mãnh liệt của vùng châu thổ sông Mêkông này – nơi doanh nghiệp và người dân luôn tự xoay xở để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu thị trường chớ không bó gối ngồi chờ chính sách.

Theo thông tin trên KTSG Online hôm 13-7, Đề án sản xuất 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao ở ĐBSCL được Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì vẫn chưa được triển khai thì vùng này đã về đích. Theo các báo cáo của ngành nông nghiệp, vụ hè thu 2022 toàn vùng ĐBSCL đã có 69% diện tích, tương đương 1,029 triệu héc ta gieo trồng các loại giống lúa chất lượng cao. Như vậy, trong thời gian qua, người nông dân vùng châu thổ sông Mêkông đã tự thay đổi mạnh mẽ và quyết liệt để tạo ra nông sản phù hợp với nhu cầu thị trường.

Sự thích ứng của người nông dân miền Tây khiến người ta nhớ lại kỳ tích xuất khẩu gạo trong quá khứ. Còn nhớ giai đoạn 1976-1987, Việt Nam thiếu gạo phải nhập khẩu nhưng đến năm 1989 đã trở thành nước xuất khẩu gạo và ĐBSCL chiếm đến 95% lượng gạo xuất khẩu. Như vậy, chỉ ba năm sau khi chính sách đổi mới bắt đầu vào năm 1986 và người nông dân ĐBSCL rời khỏi mô hình tập đoàn nông nghiệp thời bao cấp thì họ đã làm ra lúa gạo không chỉ đủ ăn cho cả nước mà còn dư để xuất khẩu.

Nguời nông dân miền Tây khá nhạy với thị trường, cộng thêm vào đó là sự năng động của doanh nghiệp nên cho đến nay, dù hạ tầng còn xập xệ và tỷ lệ đầu tư công cho toàn vùng thấp hơn mức trung bình cả nước(*) thì ĐBSCL vẫn là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây và 95% gạo xuất khẩu.

Tín hiệu tốt là vai trò ĐBSCL ngày càng được xem trọng hơn. Cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ cũng đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư ĐBSCL với nhiều mục tiêu lớn được đặt ra. Bức tranh tổng thể tại hội nghị này cho thấy còn rất nhiều việc phải làm để giải hàng loạt bài toán phát triển cho cả vùng ĐBSCL từ liên kết vùng, hạ tầng giao thông, nông nghiệp chất lượng cao, chế biến nông sản đến giáo dục – nguồn nhân lực, y tế và cả chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, ngoài những việc người dân có thể tự mình xoay xở như việc cải tiến canh tác lúa nói trên, ĐBSCL cần có những chính sách quyết liệt ở tầm vĩ mô như liên kết vùng, hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, nguồn nhân lực… thì “rồng” mới cất cánh được.

Việc liên kết vùng cần thực chất hơn chứ không lỏng lẻo như hiện nay. Tại hội nghị trực tuyến của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 tổ chức cuối năm ngoái, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được nhận định liên kết vùng thời gian qua chưa có cơ chế cụ thể, nên còn hình thức, “chỉ giống như một câu lạc bộ giao lưu”(**).

Hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn nhất cho đến nay cả đường bộ lẫn đường thủy. Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, hệ thống đường cao tốc ĐBSCL chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn. Đến nay, trong toàn vùng mới hoàn thành 91 ki lô mét đường bộ cao tốc, chỉ bằng 7% trên tổng số 1.239 ki lô mét của cả nước.

Thủy lộ chính của miền Tây lên TPHCM là kênh chợ Gạo thì đến nay dự án cải tạo vẫn chưa tiến triển đáng kể sau nửa năm khởi động.

Về đường bộ, hai tuyến cao tốc mới đưa vào hoạt động đều có vấn đề và chưa đáp ứng tốt cho nhu cầu đi lại. Tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi nối tỉnh Kiên Giang và thành phố Cần Thơ chỉ mới đưa vào hoạt động một năm đã xuống cấp, mặt đường hư hỏng nặng gây mất an toàn đến nay vẫn chưa được sửa chữa. Trong khi đó, tuyến Trung Lương-Mỹ Thuận thì chỉ sau hai tháng khai thác đã bộc lộ bất cập do không có làn dừng khẩn cấp nên tai nạn giao thông liên tục xảy ra, bình quân đến 20 vụ/tháng.

Giáo dục, y tế, đào tạo nhân lực… cũng là những điểm cần tháo gỡ để dịch vụ tại chỗ có thể đáp ứng tốt nhu cầu để người dân ĐBSCL không phải “lên Sài Gòn” khi cần như hiện nay.

Những bất cập gây cản trở phát triển, níu kéo cánh “rồng” thì đã rõ. Giờ là lúc các bộ ngành bắt tay vào tháo gỡ nhanh những vướng mắc đó để “rồng” bay cao đúng như năng lực vốn có, không thể chậm trễ hơn nữa.

——–

(*) https://congan.com.vn/doi-song/phat-trien-ha-tang-giao-thong-can-thiet-nhung-chua-du_132037.html

(**) https://baotintuc.vn/chinh-tri/quy-hoach-vung-dbscl-uu-tien-cao-cho-phat-trien-ket-cau-ha-tang-giao-thong-20211103171115032.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Rồng muốn cất cánh thì cần có hai yếu tố sống còn, là mây và nước. Mây chính là cơ chế chính sách. Nước chính là nguồn nhân lực. Cơ chế chính sách cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, và đồng bằng SCL nói riêng đã được nói đến nhiều, nhưng triển khai trong thực tiễn thì vừa chậm, vừa phân tán, không đến nơi đến chốn. Nhân lực thì càng đáng lo hơn, bởi lực lượng lao động chính là nông dân đang có xu thế giảm dần, kể cả đang bị lão hóa, trong khi tầng lớp thanh niên lại mong muốn lang bạt khắp nơi để mưu sinh và đổi đời. Không giữ được nguồn nhân lực, không tăng cường nhân lực chất lượng cao về với nông nghiệp nông thôn, cũng có nghĩa mọi chính sách sẽ không có khả năng đi vào cuộc sống.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới