(KTSG Online) – Việc sớm hoàn thiện hạ tầng thị trường trái phiếu với các cấu phần như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về trái phiếu và tài sản đảm bảo sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong dài hạn.
- Gỡ khó cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu
- Giãn đáo hạn trái phiếu, bất động sản vẫn lênh đênh cùng các khoản nợ
Nghị định 08/2023 của Chính phủ mới đây đã góp phần gỡ “nghẽn” thanh khoản và cho phép doanh nghiệp phát hành có thêm thời gian cơ cấu nợ.
Tuy nhiên, đây không phải “phép màu” với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khi sự việc liên quan tới Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát… khiến không ít nhà đầu tư e ngại với sản phẩm này trong thời gian tới. Ngoài ra, quy định cho phép nhà phát hành giãn, hoãn nợ trái phiếu thêm 1-2 năm chỉ giúp giảm áp lực thanh toán đáo hạn hiện tại, nhưng sẽ đẩy áp lực đó về tương lai.
Bối cảnh hiện tại đòi hỏi các cơ quan quản lý nhanh chóng xử lý những tồn tại và rủi ro hệ thống trong vấn đề phát hành TPDN nói chung và trái phiếu phát hành riêng lẻ nói riêng. Còn các tổ chức phát hành phải điều chỉnh lại hoạt động để thích ứng.
Ưu tiên phục hồi niềm tin toàn thị trường
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, cho rằng Nghị định 08/2023 sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát hành tái cấu trúc nợ trong ngắn hạn, nhưng không phải thay đổi để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động phát hành. Vậy nên, doanh nghiệp phải thay đổi hoạt động theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp hơn để đáp ứng các điều kiện phát hành mới.
Trong ngắn hạn là giải pháp tái cấu trúc các khoản nợ vay nếu doanh nghiệp đàm phán được, còn lại vẫn phải huy động vốn qua hình thức khác ngoài TPDN.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, cho biết giai đoạn 1-2 năm tới là khoảng thời gian các tổ chức phát hành trái phiếu bắt buộc phải điều chỉnh lại hoạt động, cơ cấu lại tài chính, quy hoạch lại phương án kinh doanh, thanh lý bớt tài sản để có nguồn lực thanh khoản nợ vay trong tương lai do Nghị định 08/2023 với cơ chế để các bên thỏa thuận giãn nợ, hoán đổi tài sản chỉ làm giảm áp lực thanh toán đáo hạn giai đoạn 2023–2024, nhưng sẽ đẩy áp lực đó về giai đoạn 2025–2026.
Về phía cơ quan quản lý các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần có các biện pháp khắc phục các điểm yếu lớn về hành lang pháp lý, quy chế quản lý thị trường, hạ tầng thị trường gồm hệ thống giao dịch và công ty định hạng tín nhiệm, nền tảng nhà đầu tư, qua đó gia tăng niềm tin từ nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành để giúp thị trường phát triển lành mạnh.
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh việc cần ưu tiên làm ngay là củng cố niềm tin của các chủ thể tham gia thị trường. Đó là niềm tin từ các yếu tố vĩ mô, triển vọng phát triển kinh tế trong và ngoài nước đang tốt dần lên; niềm tin của nhà đầu tư về những lợi ích hợp pháp của họ được bảo vệ; các thành viên tham gia thị trường đều hiểu rõ luật chơi và tuân thủ đúng luật chơi.
Để thực hiện việc này, ông Tú Anh cho rằng cần có sự chung tay hợp tác của ngân hàng, doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư để doanh nghiệp phát hành có thể mua lại trái phiếu của nhà đầu tư. Về phía nhà đầu tư, sau khi nhận được số tiền cam kết, có thể chuyển thành tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Còn ngân hàng được phép cấp khoản vay cho doanh nghiệp dựa trên số tiền huy động được từ nhà đầu tư.
Giải pháp này, theo ông Tú Anh, sẽ giúp nhiều doanh nghiệp và dự án tốt hạn chế rủi ro nợ xấu do bị đứt thanh khoản, nhưng đòi hỏi thay đổi tạm thời hạn mức đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của ngân hàng và hạn mức tín dụng.
Bên cạnh giải pháp trên, ông Tú Anh cho rằng cần có các biện pháp xử lý nhằm hạn chế rủi ro nhà đầu tư, gồm các doanh nghiệp tốt và hoạt động tuân thủ đúng pháp luật, mất niềm tin vào toàn bộ thị trường.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn thuộc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương, khuyến nghị cơ quan quản lý cần khuyến khích các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá tín nhiệm cho toàn bộ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Chuyên gia này cho rằng việc cơ quan quản lý ngưng hiệu lực thi hành với quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho đến hết năm 2023, theo quy định tại Nghị định 08/2023, đã tạo thời gian cần thiết để các doanh nghiệp có thể lên lộ trình cụ thể vào việc tham gia xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, cần xác định đây là một nhiệm vụ cấp bách để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư với thị trường, làm minh bạch hóa thị trường, vốn là yếu tố nhiều quốc gia phát triển trong khu vực đã có từ rất lâu.
Theo đó, cần khuyến khích các tổ chức độc lập về tư vấn đầu tư trái phiếu ở quy mô lớn với nhiệm vụ thẩm tra chuyên sâu, đánh giá dòng tiền, sức mạnh tài chính của doanh nghiệp để tránh xung đột lợi ích với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
“Đây có thể được coi như là một người đồng hành của nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư có thêm một nguồn tham khảo tin cậy, và cái nhìn chuyên sâu hơn về trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ”, ông Tuấn Anh nói.
Cũng theo chuyên gia này, cần tạo lập thêm các kênh thông tin trao đổi, chẳng hạn diễn đàn, workshop để các chuyên gia phân tích có giấy phép hành nghề và đầu tư thảo luận, đánh giá các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, có thể khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và khu vực. Đồng thời, tăng cường tính minh bạch và công bố thông tin về tình hình kinh tế, tài chính và nợ công của Việt Nam để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và khu vực có được dữ liệu chính xác và đầy đủ.
Bên cạnh đó, tham gia vào các diễn đàn và hợp tác quốc tế về việc xây dựng tiêu chuẩn xếp hạng tín nhiệm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Khắc phục điểm yếu hiện hữu
Để giúp thị trường phát triển lành mạnh trong dài hạn, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cho rằng các cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp khắc phục các điểm yếu về hành lang pháp lý, quy chế quản lý thị trường, hạ tầng thị trường gồm hệ thống giao dịch và công ty định hạng tín nhiệm, nền tảng nhà đầu tư.
Về pháp lý, cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản cần vốn để đảo nợ khi phát hành TPDN riêng lẻ đang được kiểm soát chặt chẽ và dòng vốn tín dụng không dồi dào, theo ông Lực.
Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường. Chẳng hạn, cơ chế quản lý với trái phiếu sau phát hành như quản lý tài sản đảm bảo, giám sát dòng tiền, quản lý mục đích sử dụng vốn. Đồng thời, rà soát, sửa đổi Luật Chứng khoán 2019 và các Nghị định liên quan theo hướng tăng mức chế tài với các hành vi vi phạm.
Ông Nguyễn Tuấn Anh khuyến nghị cơ quan quản lý xây dựng khung pháp lý nhằm hạn chế hành vi tiêu cực liên quan đến mời chào, lôi kéo nhà đầu tư không chuyên nghiệp tham gia mua/bán các loại hình trái phiếu phát hành riêng lẻ. Đồng thời xử lý mạnh tay những nhà đầu tư cố tình "lách luật" trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp với những khung hình phạt tương ứng mức độ vi phạm.
Với doanh nghiệp, chuyên gia này cho rằng cần đưa ra bộ khung chỉ tiêu tài chính tối thiểu để đáp ứng phát hành trái phiếu với từng lĩnh vực kinh doanh. Cụ thể, có thể đưa ra tỷ lệ đòn bẩy tối đa cho phép với từng nhóm ngành để các doanh nghiệp tham khảo, điều chỉnh quy mô, cũng như giá trị phát hành phù hợp với tình hình sức khỏe tài chính.
Thực tế đã có quy định về tỷ lệ này ở một số nhóm ngành như chứng khoán với tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không được quá 5 lần.
“Cần coi tỷ lệ đòn bẩy như là một ‘room tín dụng’ với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, các cơ quan quản lý phải đánh giá nhu cầu về vốn vay của từng nhóm ngành theo từng năm để đưa ra một tỷ lệ thích hợp. Đồng thời điều chỉnh tỷ lệ này theo tình hình kinh tế, phù hợp với quy mô doanh nghiệp có nhu cầu phát hành để tránh tình trạng lãng phí nguồn vốn”, ông Tuấn Anh đề xuất
Về hạ tầng thị trường, ông Cấn Văn Lực khuyến nghị cơ quan quản lý sớm hoàn thành xây dựng thị trường thứ cấp tập trung với sản phẩm trái phiếu, cơ sở dữ liệu về trái phiếu và tài sản đảm bảo.
“Việc xây dựng và phát triển các thị trường thứ cấp an toàn là nội dung cần sớm triển khai để tăng thanh khoản, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ trong và ngoài nước. Các hạ tầng hỗ trợ cho thị trường cũng cần được quan tâm, ví dụ như cơ sở dữ liệu về tài sản đảm bảo để hạn chế trường hợp sử dụng một tài sản cho nhiều khoản vay, nhiều đợt phát hành”, ông Lực nhấn mạnh.
Về nhà đầu tư, ông Lực cho biết cơ quan quản lý có thể cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường qua việc tăng cường giáo dục tài chính. Đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức.
Chẳng hạn, Bộ Tài chính nên xem xét để sửa đổi quy định tại Thông tư 98/2022/TT-BTC về việc quỹ mở chỉ được đầu tư vào “trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bởi tổ chức niêm yết có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng hoặc cam kết mua lại của tổ chức phát hành…” do khiến các quỹ mở sẽ khó có thể mua được TPDN phát hành riêng lẻ trong bối cảnh có rất ít sản phẩm trái phiếu được bảo lãnh thanh toán.
Về tổ chức thị trường, ông Tuấn Anh đề xuất thành lập mới hoặc giao một cơ quan chuyên môn đủ quy mô và thẩm quyền giám sát các doanh nghiệp phát hành cũng như việc thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành để kịp thời đưa ra cảnh báo, chấn chỉnh các hành vi sai phạm nếu có. Trong trường hợp phát hiện các sai phạm hoặc nhận được khiếu nại về việc tổ chức phát hành không thực hiện cam kết, cần có chế tài xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, gồm: không cho phép phát hành TPDN một thời gian sau khi sai phạm được khắc phục; công bố thông tin sai phạm rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; hủy tư cách phát hành của doanh nghiệp hoặc thu hồi giấy phép của tổ chức phát hành trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhiều lần.