(KTSG) - Bảng xếp hạng 50 trung tâm hàng hải thế giới (Leading maritime cities of the world, LMC) do tổ chức tư vấn Menon Economics và DNV công bố hồi tháng 1-2022 vừa qua chứng kiến sự sụt giảm về thứ hạng của TPHCM.
- Hệ thống cảng biển Việt Nam có thêm 10 bến cảng mới
- Ngành hàng hải bán hàng loạt tàu già để ‘trẻ hóa’ vận tải biển
Từ thứ hạng thứ 40 trong bảng xếp hạng được thực hiện vào năm 2019, xếp trên một số thành phố hàng hải lớn như Ningbo và Thiên Tân (Trung Quốc), Stockholm (Thụy Điển), Sydney (Úc), Saint Petersburg (Nga), bảng xếp hạng năm 2022 ghi nhận TPHCM ở vị trí thứ 45. Xét ở phạm vi khu vực Đông Nam Á, TPHCM xếp sau Singapore (hạng nhất), Kuala Lumpur (hạng 26), Jakarta (hạng 40) và Bangkok (hạng 42).
Đánh giá các thành phố trên các tiêu chí về vận tải biển (chủ yếu liên quan đến quy mô đội tàu), tài chính và luật, công nghệ hàng hải, cảng biển và logistics, mức độ hấp dẫn và khả năng cạnh tranh, bảng xếp hạng LMC là thước đo uy tín để đánh giá về năng lực hàng hải tổng quan của các thành phố hàng hải lớn trên toàn thế giới.
Nếu chúng ta bỏ qua câu chuyện sụt giảm thứ hạng trong bảng xếp hạng gần nhất, điều có thể gợi lên câu chuyện bệnh thành tích, thì nhìn vào thực tế rằng Việt Nam đang có một trung tâm hàng hải hàng đầu thế giới, chúng ta có thể quan tâm đến việc tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh hàng hải cho TPHCM để tiếp tục đứng tên trong bảng xếp hạng này.
Bên cạnh việc cải thiện các nội dung về quy mô vận tải biển, tài chính và luật - vốn liên quan nhiều hơn đến cấp độ trung ương - thì người viết cho rằng các nội dung liên quan đến cảng biển và logistics, cũng như mức độ hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của thành phố là những nội dung cụ thể mà TPHCM có thể chủ động cải thiện trước mắt. Đặc biệt trong đó, cảng biển và logistics cũng đã và đang là nội dung mà thành phố đã có chủ trương cải thiện trong thời gian qua.
Khi dư địa phát triển cảng biển và logistics TPHCM là vẫn còn, chúng ta cần nỗ lực tối đa để duy trì vị thế TPHCM như là một trung tâm hàng hải hàng đầu thế giới.
Trong năm 2021, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, sản lượng hàng container thông qua cảng biển TPHCM vẫn không giảm. Đặc biệt cũng trong năm 2021, cảng TPHCM còn lần đầu tiên đón được tàu container vận chuyển hàng trực tiếp đến Mỹ, sự kiện giúp tăng tính kết nối của cảng TPHCM, mang lại thêm lựa chọn cho khách hàng sử dụng dịch vụ vận chuyển và góp phần làm giảm căng thẳng thiếu tàu, thiếu chỗ, cước cao cho các doanh nghiệp trong khu vực. Sang đến năm 2022, các hãng tàu vẫn tiếp tục triển khai các tuyến dịch vụ mới tại TPHCM đi Trung Đông, Ấn Độ, Úc… và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tính kết nối rất cao của các cảng biển của thành phố.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thừa nhận rằng mặc dù có tính kết nối quốc tế cao, khả năng kết nối của các cảng tại TPHCM với các nguồn hàng trong nước vẫn còn có những trở ngại. Hệ thống đường bộ kết nối đến các cảng vẫn chưa được đầu tư xứng tầm, cảng Cát Lái vẫn còn xảy ra tình trạng ùn tắc, hay như bến cảng SP-ITC, cho dù là bến cảng có sản lượng thông quan cao thứ nhì tại TPHCM, lại chỉ có một tuyến đường độc đạo để kết nối và tuyến đường này phải bị hạn chế lưu thông trong các khung giờ cao điểm. Hoạt động vận tải thủy được các doanh nghiệp tập trung phát triển để chia sẻ áp lực với vận tải bộ, nhưng sự đầu tư thiếu đồng bộ về hệ thống hạ tầng phục vụ cho các ICD (cảng cạn/điểm thông quan nội địa), hay việc thiếu vắng các bến sà lan chuyên dụng tại cụm cảng Cái Mép, vẫn là những điểm nghẽn khiến cho hoạt động vận tải thủy chưa phát huy hết tiềm năng như kỳ vọng.
Đứng trước những khó khăn về hạ tầng kết nối, kể từ ngày 1-4-2022, TPHCM đã chính thức thu phí hạ tầng cảng biển. Theo Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TPHCM, toàn bộ số phí thu được sẽ sử dụng cho công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí, được nộp vào ngân sách thành phố để quản lý và bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn.
Cho dù nhận được nhiều tranh luận trong thời gian qua, đề án thu phí hạ tầng cảng biển này thực chất vẫn là rất cần thiết đối với TPHCM và cho chính các doanh nghiệp đang sử dụng hạ tầng cảng biển của TPHCM.
TPHCM là địa phương tập trung văn phòng của các tập đoàn sản xuất hàng đầu thế giới, toàn bộ các hãng tàu quốc tế kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp dịch vụ logistics và nhiều đơn vị phụ trợ của ngành hàng hải và logistics. Khả năng kết nối cao của thành phố được hình thành từ lịch sử phát triển và cho dù chưa có cảng nước sâu, TPHCM vẫn là một trung tâm hàng hải quốc tế hàng đầu thế giới, như báo cáo LMC đã chỉ rõ. Bên cạnh đó, cảng TPHCM vẫn là cảng có sản lượng thông qua cao nhất cả nước, đồng thời là cảng không phải nước sâu lớn nhất thế giới. Khi dư địa phát triển cảng biển và logistics TPHCM là vẫn còn, chúng ta cần nỗ lực tối đa để duy trì vị thế TPHCM như là một trung tâm hàng hải hàng đầu thế giới.
Có nhiều tín hiệu tích cực. TPHCM đang triển khai Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một đề án được đánh giá cao về mục tiêu và chương trình hành động, đặc biệt là định hướng xây dựng hệ thống các trung tâm logistics. Đề án Phát triển xuất khẩu trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nhấn mạnh đến ngành dịch vụ logistics và việc hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng. Mới đây nhất, hãng tàu lớn nhất thế giới là MSC cũng đã bày tỏ nguyện vọng xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ. Hy vọng rằng những chuyển động này sẽ tạo ra những bước phát triển tích cực cho hạ tầng cảng biển và logistics TPHCM trong thời gian tới, duy trì vị thế trung tâm hàng hải quốc tế của TPHCM, và quan trọng hơn, là đóng góp cho sự phát triển của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.