Thứ ba, 3/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Để tránh bị kiện xâm phạm bản quyền âm nhạc trên mạng xã hội

Đỗ Anh Tuấn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đối với doanh nghiệp, việc sử dụng âm nhạc trong những bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội dù nhằm quảng cáo hay tương tác với khách hàng đều có thể được xem là mang tính thương mại và cần tuân thủ các quy định về bản quyền nghiêm ngặt hơn.

Trong nền kinh tế số hiện nay, nền tảng mạng xã hội trở thành công cụ thiết yếu cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình cũng như tương tác và chăm sóc khách hàng.

Tuy nhiên, do thiếu kiến thức pháp lý và thói quen xem nhẹ vấn đề bản quyền nói chung và bản quyền âm nhạc nói riêng, dẫn đến tình trạng xâm phạm bản quyền tại Việt Nam và thế giới ngày càng tăng cao. Các vụ kiện xâm phạm bản quyền trở nên phổ biến hơn khi các cá nhân và tổ chức sở hữu bản quyền ngày càng ý thức về quyền lợi của mình và sẵn sàng thực hiện các biện pháp pháp lý.

Doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ khi dùng âm nhạc cho các chương trình thương mại trên mạng xã hội. Ảnh minh hoạ: Một phiên livestream của tiểu thương chợ Bến Thành vào cuối năm 2023. Ảnh: Hoàng Triều.

Số vụ kiện bản quyền âm nhạc ngày càng nhiều

Đầu tháng 10-2024, Sony Music Entertainment (Sony) và tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới Marriott International (Marriott) đã đạt được một thỏa thuận ngoiaf toà. Trước đó, phía Sony khởi kiện Marriott về hành vi sử dụng âm nhạc do Sony giữ bản quyền trong các bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội. Sony cũng cáo buộc các nội dung của Marriott được thiết kế có chủ đích nhằm tận dụng sự nổi tiếng của bài hát hoặc nghệ sĩ của Sony để tăng khả năng hiển thị các bài đăng của Marriott.

Sony cho rằng dựa trên thuật toán của các nền tảng mạng xã hội như Instagram và TikTok, việc thêm các bản nhạc nổi tiếng vào bài đăng sẽ khiến bài đăng đó xuất hiện nhiều hơn trên bảng tin và nếu không có các bài nhạc này người dùng khó có thể thấy các bài đăng của Marriott. Ngoài ra, Marriott cũng sử dụng tên bài hát trong chú thích cũng như hashtag và thậm chí còn thêm tên nghệ sĩ vào một số bài đăng.

Sony đã yêu cầu Marriot bồi thường thiệt hại bao gồm tiền bồi thường theo luật định với số tiền lên đến 150.000 đô la Mỹ cho mỗi tác phẩm bị vi phạm. Phía Sony cho rằng có ít nhất 931 bài hát bị sử dụng trái phép chỉ tính riêng tại Mỹ và yêu cầu khoản bồi thường bao gồm thiệt hại thực tế và bồi thường chi phí cho Sony khi theo đuổi vụ kiện này, bao gồm phí luật sư (1).

Vụ kiện trên chỉ là một trong các vụ kiện mà Sony thực hiện nhằm bảo vệ bản quyền trước các hành vi xâm phạm. Trước đó, Sony đã khởi kiện Gymshark (2) và Bang Energy Drink (3) năm 2021, thương hiệu mỹ phẩm OFRA (4) vào cuối tháng 10-2023 vì các doanh nghiệp trên đã có hành vi sử dụng nhạc trái phép trong các video đăng trên các nền tảng mạng xã hội và trong các video của những những người sức ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội có mối quan hệ với các doanh nghiệp trên.

Không chỉ Sony mà các doanh nghiệp và bên sở hữu bản quyền âm nhạc khác cũng rất lưu tâm đến việc bảo vệ bản quyền âm nhạc của họ. Chẳng hạn, hồi tháng 9 năm nay, Associated Production Music (APM) đã khởi kiện và cáo buộc tập đoàn dược phẩm Johnson & Johnson sử dụng âm nhạc có bản quyền mà không được phép trong nhiều video trên các nền tảng mạng xã hội (5).

Các vụ kiện trên chỉ là số ít các vụ kiện về xâm phạm bản quyền âm nhạc trên thế giới. Trong khảo sát của Liên minh chống xâm phạm bản quyền châu Á - CAP gần đây, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ cao về xâm phạm bản quyền qua dịch vụ phát nội dung online, mạng xã hội hay tin nhắn trực tuyến. Trong đó, 41% xâm phạm qua nền tảng mạng xã hội (6).

Một phiên livestream bán hàng. Ảnh: Chụp màn hình

Những hành vi nào có thể bị kiện vi phạm bản quyền âm nhạc trên mạng xã hội?

Theo quy định của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, các tác phẩm đáp ứng điều kiện bảo hộ quyền tác giả của công dân thuộc nước thành viên của Công ước hoặc tác phẩm được công bố lần đầu tiên ở một nước là thành viên Công ước sẽ được bảo hộ tự động tại tất cả các quốc gia thành viên khác mà không cần đăng ký.

Phạm vi bảo hộ quyền tác giả của âm nhạc và các loại hình nghệ thuật khác áp dụng cho tất cả các quốc gia thành viên của Công ước, bao gồm Việt Nam. Do đó, không chỉ chủ sở hữu bản quyền âm nhạc tại Việt Nam mà tại nước ngoài cũng có thể khởi kiện các doanh nghiệp Việt Nam. Tại Việt Nam, tác phẩm âm nhạc được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 (Luật SHTT) và được bảo hộ khi đáp ứng đủ các điều kiện bảo hộ.

Thông thường, các nền tảng mạng xã hội đã thương lượng với các bên sở hữu bản quyền âm nhạc và cho phép người dùng cá nhân sử dụng âm nhạc miễn phí với điều kiện không dùng cho mục đích thương mại, từ đó họ đã tự loại trừ trách nhiệm của mình đối với các hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc của người dùng.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, việc sử dụng âm nhạc trong những bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội dù nhằm quảng cáo hay tương tác với khách hàng đều có thể được xem là mang tính thương mại và cần tuân thủ các quy định về bản quyền nghiêm ngặt hơn.

Để tránh xâm phạm bản quyền âm nhạc, các doanh nghiệp đều cần phân biệt nhạc thư viện âm thanh và thư viện âm nhạc thương mại. Ví dụ, trên nền tảng Tiktok, doanh nghiệp không thể sử dụng thư viện nhạc tổng hợp vào mục đích thương mại mà chỉ nên sử dụng thư viện nhạc thương mại cho tất cả các hoạt động trên TikTok.

Hay đối với các nền tảng mạng xã hội thuộc Meta như Facebook, Instagram, Threads, bộ sưu tập âm thanh được thiết kế riêng cho doanh nghiệp nhằm cung cấp nhạc hoặc âm thanh có thể được sử dụng cho mục đích thương mại như quảng cáo.

Thế nhưng, có phải mọi trường hợp doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm? Có thể lấy ví dụ minh hoạ tại Việt Nam là chương trình "Tiếp thị liên kết cùng Shopee Affiliate" hiện đang trở nên phổ biến (7). Chương trình này dành cho người nổi tiếng (KOL, KOC hoặc influencer) có lượng người theo dõi cao chia sẻ trải nghiệm sản phẩm với người dùng trên các mạng xã hội đồng thời gắn đường link dẫn đến sản phẩm bán trên sàn thương mại điện tử  Shopee.

Khi bất kỳ người xem nào nhấp vào đường link trên sàn thương mại điện tử Shopee đặt mua sản phẩm thì những người nổi tiếng trên sẽ nhận được các quyền lợi như chiết khấu hoa hồng, xu thưởng hay voucher.

Thông thường, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hành vi xâm phạm bản quyền của bên mà doanh nghiệp thuê hoặc có quan hệ đối tác trực tiếp liên quan đến việc quảng cáo vì doanh nghiệp là bên đưa ra yêu cầu, hướng dẫn, và kiểm duyệt nội dung trước khi quảng cáo.

Trong chương trình tiếp thị trên, trách nhiệm pháp lý sẽ không thuộc về doanh nghiệp vì doanh nghiệp chỉ có mối quan hệ gián tiếp với KOL, KOC hay influencer thông qua Shopee và không thể kiểm soát được nội dung mà những người này đăng tải.

Tuy nhiên cần lưu ý, doanh nghiệp vẫn có thể phải chịu trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp đăng tải lại các video, bài viết xâm phạm bản quyền của các đối tượng trên lên nền tảng mạng xã hội của mình như OFRA đã làm trong vụ kiện nói trên.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý rằng mọi hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội của doanh nghiệp đều mang tính thương mại và việc sử dụng trái phép bất kỳ tác phẩm âm nhạc nào đều là hành vi vi phạm pháp luật và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp nên thường xuyên rà soát lại các bài đăng của mình để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về bản quyền.

Một số hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội mà doanh nghiệp có thể mắc phải

(i) Doanh nghiệp lồng ghép nhạc có bản quyền vào video gốc và đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội, khi đó công cụ kiểm duyệt tự động của các nền tảng mạng xã hội khó phát hiện ra việc xâm phạm vì video có nhiều âm thanh khác nhau. Chỉ khi bị báo cáo, các nền tảng mạng xã hội mới kiểm duyệt lại và thực hiện các biện pháp xử lý.

(ii) Doanh nghiệp có thể không dùng trực tiếp âm nhạc có bản quyền mà dùng âm nhạc (đã được phối lại hoặc tăng, giảm tốc độ âm nhạc) từ một tài khoản bất kỳ đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội để tránh kiểm duyệt.

Ví dụ dưới đây, Music Society cùng với nhiều tài khoản khác trên Tiktok đã tải lên nhiều bản ghi âm bài hát dưới dạng "âm thanh gốc" có sẵn đã được tăng tốc độ để sử dụng trên toàn Tiktok (8). Không chỉ TikTok mà các nền tảng mạng xã hội khác như Instagram đang phải đối mặt với tình trạng tràn lan của các bản âm nhạc tải lên của bên thứ ba. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dù sử dụng âm nhạc có bản quyền đã được phối lại hoặc tăng, giảm tốc độ cũng tồn tại rủi ro doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Ảnh chụp màn hình: Tài khoản Music Society trên Tiktok.

(iii) Hành vi nhảy theo trend trên Tiktok tưởng chừng chỉ là mục đích giải trí nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Việc nhảy theo trend trên Tiktok với âm nhạc là cách mà các doanh nghiệp thường sử dụng nhằm thu hút nhiều người theo dõi và tương tác hơn. Tuy nhiên như đã giải thích ở trên, mọi bài đăng của doanh nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội đều có thể được xem là mang tính thương mại và có thể bị chủ sở hữu bản quyền khởi kiện.

(iv) Doanh nghiệp có thể chịu trách nhiệm liên đới đối với hành vi xâm phạm bản quyền của bên mà doanh nghiệp thuê quảng cáo. Trong vụ kiện giữa Sony với OFRA hoặc Sony với Bang Energy Drink được nêu ở trên, bất kỳ người có sức ảnh hưởng trên nền tảng mạng xã hội nào nhận được tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào để tạo nội dung quảng bá mà xâm phạm bản quyền thì doanh nghiệp đó cũng có thể chịu trách nhiệm liên quan.

 

--------------------------

(1) https://www.musicbusinessworldwide.com/sony-music-settles-lawsuit-against-marriott-hotels-over-alleged-rampant-infringement-in-social-media-posts/, truy cập ngày 9-10-2024
(2) https://www.musicbusinessworldwide.com/sony-music-sues-1bn-valued-fitness-brand-gymshark-for-infringing-297-recordings-in-ads/, truy cập ngày 17-10-2024
(3) https://www.musicbusinessworldwide.com/sony-music-scores-partial-victory-in-copyright-infringement-lawsuit-against-bang-energy1234/, truy cập ngày 21-10-2024.
(4)  https://www.musicbusinessworldwide.com/mariah-carey-all-i-want-for-christmas-is-you-sony-music-sues-cosmetics-brand-ofra-for-using-music-in-instagram-and-tiktok-posts-without-permission/, truy cập ngày 16-10-2024
(5) https://www.digitalmusicnews.com/2024/09/09/apm-johnson-johnson-copyright-lawsuit-infringement/, truy cập ngày 16-10-2024
(6) https://baotintuc.vn/van-hoa/can-trong-de-bao-ve-tac-quyen-am-nhac-tren-moi-truong-so-20241010123834148.htm, truy cập ngày 17-10-2024
(7) https://doitac.shopee.vn/cam-nang-affiliate/ và https://shopee.vn/affiliate/kol-kham-pha-chuong-trinh/, truy cập ngày 18-10-2024.
(8) https://www.tiktok.com/@musicsociety , truy cập ngày 22-10-2024.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới