Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để trồng trọt được trên đất khai thác bauxite phải mất 5 năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để trồng trọt được trên đất khai thác bauxite phải mất 5 năm

Ngọc Hùng thực hiện

Để trồng trọt được trên đất khai thác bauxite phải mất 5 năm
Ông Nguyễn Đăng Nghĩa

(TBKTSG Online) – Theo Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương và Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), do hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ khai thác bauxite nông nên chỉ mất 2-3 năm sau có thể trả lại đất để trồng trọt.

Để làm rõ hơn điều này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn tiến sĩ chuyên ngành phân bón và dinh dưỡng cây trồng Nguyễn Đăng Nghĩa, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất- phân bón và môi trường phía Nam,Viện Thổ nhưỡng Nông hóa.

>>> Vẫn dự kiến nâng công suất bauxite Tân Rai, Nhân Cơ

TBKTSG Online: Mới đây, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, cho biết Bộ Công Thương và Vinacomin đang đề xuất với Chính phủ chỉ đền bù hoa màu thiệt hại 250 triệu đồng/héc ta thay vì 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/héc ta, vì sau 2-3 năm khai thác đã trả lại cho dân để trồng trọt. Là một chuyên gia nghiên cứu về đất, dinh dưỡng cây trồng, ông có nhận xét gì về ý kiến này?

– Ông Nguyễn Đăng Nghĩa: Đất ở Tây nguyên là đất đỏ bazan dùng để trồng tiêu, cà phê, trà, cho năng suất cao nên mỗi năm có thể cho người nông dân thu hoạch từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi héc ta. Giờ trả lại cho người dân mảnh đất trống, họ phải trồng trọt lại và phải chờ vài năm mới cho thu hoạch được. Như vậy, số tiền 250 triệu đồng đền bù là thấp, thiệt thòi cho người dân, vì nếu không dành đất cho bauxite người nông dân sẽ thu về nhiều hơn số tiền được đền bù.

Đó là trên khía cạnh kinh tế, còn trên gốc độ một chuyên gia nghiên cứu về phân bón dinh dưỡng cây trồng, ông có nhận xét thế nào?

– Chúng ta đều biết khai thác bauxite là để sản xuất nhôm. Hiện nay, cho dù Việt Nam áp dụng công nghệ thế nào đi nữa thì trong qua trình khai thác loại quặng chứa nhôm (bauxite) sẽ không tránh khỏi việc còn sót lại một lượng bauxite nhất định mà phần quặng sót lại này lại là những mảnh nhỏ hoặc bột vụn.

Chính việc quặng bauxite bị phá vỡ nhỏ sẽ làm tăng diện tích tiếp xúc bề mặt so với hình khối ban đầu. Vì vậy, khi có mưa (nhất là những trận mưa có tính axit (độ pH thấp) hoặc axit hữu cơ do rễ cây tiết ra, do quá trình phân hủy hữu cơ sẽ là những dung môi tấn công vào những mảnh, bột vụn của quặng bauxite và giải phóng nguyên tố nhôm sang dạng tự do (Al+3).

Đây chính là một loại độc tố đáng ngại nhất cho cây trồng, làm rụng hết lông hút của rễ cây, từ đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng hút dinh dưỡng của rễ cây. Mặt khác, khi nguyên tố nhôm tự do trực di xuống tầng nước ngầm thì sẽ còn gây nhiều hậu quả cho môi trường. Nếu hàm lượng nhôm trong nước ngầm vượt quá ngưỡng cho phép của tổ chức Y tế thế giới, khi đó người dân đào khoan giếng và sử dụng để nấu ăn sẽ có nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ do tác hại của Al tự do.

Một điều nữa, cho dù bauxite được khai thác nông và được hoàn thổ trở lại, nhưng lớp đất bề mặt đã bị mất đi (đảo lộn phẫu diện tự nhiên của đất). Lớp đất bề mặt là nơi tập trung nhiều vi sinh vật, khoáng chất cho cây trồng phát triển, nay không còn lớp đất bề mặt, cộng thêm lượng nhôm tự do trong đất nên cây sẽ sinh trưởng kém. Do vậy, thời gian 2-3 năm không thể trồng trọt bình thường trở lại được.

Theo phán đoán của tôi, phải mất hơn 5 năm phần diện tích đã khai thác bauxite được hoàn thổ mới có thể trồng trọt được. Trồng trọt được ở đây phải hiểu theo nghĩa là cây trồng cho thu hoạch sản phẩm như thời gian ban đầu chưa khai thác bauxite (Phải chi phí cao hơn cho việc cải thiện độ phì và chống “phèn nhôm” cho đất đỏ bazan).

Nếu Vinacomin đưa ra kiến nghị như vậy, có thể phía tập đoàn đã có những đánh giá tác động môi trường và có những chứng cớ để bảo vệ quan điểm của họ. Phải chăng trong quá trình đánh giá tác động môi trường đã có một yếu tố nào đó bị bỏ sót, thưa ông?

Tôi không biết họ đánh giá tác động môi trường như thế nào, nhưng nếu căn cứ trên kiến nghị này, cá nhân tôi mường tượng rằng Vinacomin chỉ đánh giá tác động của bùn đỏ chứ chưa đánh giá về tác động của môi trường đất sản xuất nông nghiệp, nguy cơ cho nguồn nước ngầm và cả những tác động kinh tế xã hội kèm theo.

Để không tạo những phải ứng trong dự luận xã hội, theo tôi, Vinacomin nên công bố báo cáo đánh giá tác động của họ cho giới khoa học biết và phản biện. Trong vai trò là một nhà khoa học nghiên cứu về đất và dinh dưỡng cây trồng, tôi sẵn sàng đối thoại với Vinacomin về vấn đề này để bênh vực quyền lợi cho những người nông dân ít học và dễ bị ăn hiếp.

Đặt giả thiết, Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Bộ Công Thương và Vinacomin là đền bù với mức giá 250 triệu đồng/héc ta. Ông đã nói ở trên số tiền này là thiệt thòi với người dân, theo ông có cách nào để  người dân không bị thiệt thòi trong trường hợp này?

Giả sử kiến nghị này được thông qua, vì Vinacomin cho rằng chỉ sau sau 2-3 năm người dân có thể trồng trọt trên diện tích khai thác bauxite. Còn nếu sau 2-3 năm mà người dân vẫn không thể trồng trọt thì sao ? Theo tôi, để công bằng với người nông dân, trong biên bản đền bù Vinacomin phải điều chỉnh các điều khoản và thảo luận với đại diện của nông dân để có những chính sách đền bù thỏa đáng. Những hậu quả vô hình (chưa định lượng được) thì dễ bỏ qua nhưng những hậu quả nhãn tiền thì cần phải nghiêm túc sửa chữa.

Để làm được điều này,  các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải là người hỗ trợ nông dân để nông dân có gì đó mà bám víu sau 2-3 năm nữa nếu những gì Vinacomin nói là không đúng.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới