Đề xuất bật đèn xe máy vào ban ngày: cần quan tâm đặc thù khí hậu
Đỗ Ngô Trần
(TBKTSG Online) - Đề xuất quy định người đi xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn cả ban ngày hiện đang được dư luận quan tâm, với nhiều ý kiến trái chiều.
Sau bài viết Tại sao cần bật đèn xe máy vào ban ngày? trên TBKTSG Online ngày 31-5, tòa soạn nhận được bài viết phản hồi của bạn đọc Đỗ Ngô Trần tranh luận về đề xuất này. Tòa soạn xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Bảo hộ an toàn cho người đi xe máy, không chỉ có mũ bảo hiểm, mà quan trọng nhất chính là ý thức tham gia giao thông. Ảnh minh họa Anh Quân |
Tôi cho rằng xe máy bật đèn vào ban ngày là chưa thực tế và lãng phí. Không thể lấy mô hình ở nước khác áp dụng một cách máy móc, rập khuôn vào Việt Nam.
Đô thị các nước này phần lớn không còn xe máy, họ chủ yếu sử dụng xe ô tô bật đèn ban ngày báo hiệu cho xe phía trước, thành ra sẽ không xảy ra trường hợp gây chói mắt người đối diện.
Việc bật đèn xe ban ngày tùy từng địa phương, khu vực mà có các quy định khác nhau. Tại Mỹ, California quy định bật đèn tất cả các loại xe lưu thông ban ngày nhưng nhiều tiểu bang khác lại không bắt buộc. Có nơi chỉ bắt buộc bật đèn xe trên cao tốc với vận tốc lên đến 120 km/giờ, tuy nhiên lưu thông trên cao tốc thì chỉ có ô tô chứ không có xe máy.
Như chị tôi định cư ở Đức kể rằng, bên đó chỉ một số khu vực bắt buộc bật đèn ban ngày vào mùa đông vì trời thường tối và hay có mưa to.
Trên thế giới có hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, vậy sẽ có bao nhiêu nước quy định người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn được trang bị theo thiết kế xe suốt cả ngày? Tôi biết con số sẽ không nhiều. Trung Quốc có cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, hạn chế xe máy tại nhiều thành phố lớn nhưng hiện vẫn chưa áp dụng bật đèn xe máy ban ngày.
Tại Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn, cơ sở hạ tầng giao thông đã quá tải, đường xá với hàng trăm ngàn ngõ ngách, người dân phần lớn lưu thông bằng xe máy. Nhiệt độ ngoài trời nhiều nơi nóng bức vào mùa khô, có thể lên đến 40oC.
Như Hà Nội, TPHCM có mặt đường quá hẹp, không gian chật chội, thường xuyên ùn tắc giao thông và kẹt xe giờ cao điểm, hàng triệu chiếc xe máy san sát, đối diện nhau đều bật đèn sáng lóa vào giữa ban ngày thì chắc không ai chịu nổi, dễ gây ức chế. Nếu có mưa to, sương mù thì người điều khiển phương tiện tự khắc bật đèn để có thể lưu thông.
Lưu thông trên đường phố ban ngày trời nắng, ai đó quên tắt đèn xe máy còn được người khác nhắc nhở. Tham gia giao thông ban ngày, nếu chờ bật đèn xe mới nhận diện được phương tiện thì e rằng người đó có vấn đề sức khoẻ hoặc không đủ khả năng điều khiển phương tiện giao thông.
Nếu quy định người lái xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn xe suốt cả ngày thành hiện thực sẽ có hàng chục triệu chiếc xe đời cũ sẽ gắn thêm đèn, bổ sung chức năng chiếu sáng ban ngày.
Thông thường những loại đèn này, dù đèn LED hay đèn sợi đốt tuổi thọ trung bình khoảng 2.000 giờ. Thử làm một phép tính cho một xe máy chạy trung bình 5 giờ/ngày, vậy trung bình 1 bóng đèn dùng trong khoảng 100 ngày và 1 xe máy sẽ sử dụng trung bình 3,6 bóng/năm. Một bóng đèn ít nhất cũng 15.000 đồng.
Việt Nam tính đến cuối năm 2019, có khoảng 62 triệu xe máy (640 xe/1.000 dân), trong đó có khoảng 47-50 triệu xe đang lưu hành (hơn 12 triệu xe đã hư). Chưa kể chi phí tiêu hao năng lượng xăng, bình ắc quy, việc bật đèn xe ban ngày có thể làm tăng nhiệt độ ngoài trời, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm ánh sáng (đèn LED lại càng sáng lóa) ảnh hưởng mắt, thần kinh… của nhiều người đi đường. Trong khi đó, chúng ta chưa có giải pháp nào để che chắn ánh đèn xe đối diện rọi thẳng vào mắt.
Quan sát dễ thấy, phần lớn tai nạn trên đường đều xuất phát từ ý thức người tham gia giao thông, với các hành động như vượt ẩu, lấn làn, giành đường, lưu thông ngược chiều, không xi nhan trước khi chuyển hướng... Không ít trường hợp, người tham gia giao thông bật đèn pha (chiếu xa) rọi thẳng làm chói mắt người đối diện dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo tôi, cơ quan chức năng cần tránh đưa ra các đề xuất tạo dư luận trái chiều không cần thiết. Cái gì tốt, phù hợp và có lợi thì Việt Nam hãy làm và việc học hỏi, áp dụng nên có chọn lọc chứ đừng rập khuôn công thức từ những nước có điều kiện khí hậu và đặc thù khác với nước ta.
Thay vì buộc xe lưu thông ban ngày bật đèn, chúng ta hãy nghiên cứu giải pháp phù hợp như tuyên truyền ý thức tham gia giao thông cho người dân. Cảnh sát giao thông cần thực hiện nghiêm, kiên quyết không bỏ qua lỗi vi phạm của người tham gia giao thông, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm luật giao thông, bật đèn pha không đúng quy định.
Nhiều bất cập khác cũng cần được chúng ta ưu tiên như tổ chức giao thông từ đường hai chiều thành một chiều, phân làn đường riêng giữa ô tô và xe máy... Bảo hộ an toàn cho người đi xe máy, không chỉ có mũ bảo hiểm, mà quan trọng nhất chính là ý thức tham gia giao thông.