Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất chia đôi huyện Bình Chánh để lập thêm 2 thành phố thuộc TPHCM

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn gợi ý TPHCM quy hoạch thêm 2 thành phố trong thành phố bằng việc chia đôi huyện Bình Chánh để lập TP phía Nam và TP phía Bắc.

KTS Ngô Viết Nam Sơn đưa ra đề xuất nêu trên tại hội thảo khoa học góp ý dự thảo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 31-1, do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chủ trì.

Một góc huyện Bình Chánh (TPHCM nhìn từ trên cao) Ảnh minh họa: đttc-sggp

Tại báo cáo kỳ cuối, liên danh tư vấn đề xuất phương án quy hoạch đô thị gồm đô thị trung tâm loại đặc biệt; TP. Thủ Đức (loại 1); 3 thành phố vệ tinh gồm: Hóc Môn - Củ Chi (loại III), TP. Bình Chánh (loại III), quận 7 – Nhà Bè - Cần Giờ (loại 3). Dân số đô thị chính thức khoảng 10,5 triệu người và tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 90%.

Phân tích về không gian đô thị, TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, thành viên tổ tư vấn phản biện quy hoạch, cho rằng ngoài đô thị đặc biệt trung tâm là trọng điểm phát triển kinh tế xã hội của thành phố thì TP. Thủ Đức là đô thị tiềm năng, có khả năng đột phá nhanh trong tương lai.

Theo ông, vị thế TP Thủ Đức rất đặc biệt vì đại diện cho TPHCM hợp tác với ba tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. "Trục liên kết của “tứ giác” này rất đặc biệt, kết nối đa dạng từ hàng không, cảng biển, đường bộ, cao tốc, đường sắt…", ông Sơn phân tích.

TS. Ngô Viết Nam Sơn gợi ý có thể xây dựng thêm hai TP trong TP khác, có tiềm lực phát triển tương đương TP Thủ Đức. Trong đó, lấy trục đường cao tốc số 1, chia đôi huyện Bình Chánh, lập TP phía Nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè và một nửa huyện Bình Chánh; TP phía Bắc gồm huyện Hóc Môn, Củ Chi và một phần huyện Bình Chánh còn lại.

Với việc chia tách này, ngoài TP Thủ Đức thì TPHCM sẽ có thêm TP phía Nam phát triển kinh tế biển và TP phía Bắc kết nối phát triển với Campuchia cùng các tỉnh khu vực ĐBSCL.

Như vậy thành phố sẽ có một thành phố trung tâm và ba TP vệ tinh vệ tinh. Việc phân chia này không đơn thuần là diện tích hay quản lý đô thị mà tính đến cả việc tác động kinh tế - xã hội của thành phố. Ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng với quy hoạch này sẽ giúp TPHCM phát triển kinh tế hai con số.

Ông Sơn kiến nghị UBND TPHCM cân nhắc đề xuất này mà theo ông là rất quan trọng vì khi trình quy hoạch lên Thủ tướng phê duyệt sẽ là tiền đề tổ chức lại đô thị sau này.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhìn nhận năm 2010 và những năm trước đó, thành phố tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, 10 năm gần đây lại tăng trưởng dưới hai con số và 2-3 năm gần đây chỉ tăng trưởng khoảng 6% và đây là vấn đề cần được xem xét nghiêm túc.

Ông khẳng định định hướng phát triển thời gian tới của TPHCM chính là kinh tế xanh và kinh tế số. Do đó, từng ngành kinh tế phải có yếu tố vượt trội và vượt bậc. Ngành công nghiệp của thành phố cần tập trung phát triển những lĩnh vực mới như vi mạch, điện tử, chip, bán dẫn; những ngành công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới.

Đồng thời, loại bỏ những ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Từ đó, trong công tác điều hành, thực thi cũng sẽ hướng theo mục tiêu này, nhằm tạo ra giá trị mới, động lực mới cho nền kinh tế địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Về nông nghiệp, theo ông Hoan, TPHCM sẽ nghiên cứu phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng chuyển giao chứ không phải là nông nghiệp nông thôn. “Chúng ta sẽ có những khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành nên vùng nông nghiệp của thành phố theo hướng làm thí điểm, trình diễn và thậm chí là làm du lịch nông nghiệp. Cần xây dựng “vùng nguyên liệu” của thành phố nhưng ở các tỉnh lân cận", ông lưu ý.

Việc định hướng phát triển các ngành để công tác xây dựng quy hoạch, đầu tư hướng theo một cách đúng đắn. Trong kịch bản tăng trưởng, cần phân tích kỹ lưỡng các yếu tố tạo ra GRDP. "Muốn kinh tế thành phố đột phá thì cần có chính sách đột phá", ông Hoan nhấn mạnh.

6 BÌNH LUẬN

  1. Một đề xuất rất hay, dù chỉ thành lập thêm 2 thành phố vệ tinh nữa thôi (trước đây là ba TP : CC – HM, BC, NB – CG) nhưng tính cơ động cũng như tính liên kết vùng miền và việc phát triển kinh tế rất đa dạng và năng động.
    Sài Gòn giảm đi việc hành chính hóa được một thành phố, nhưng sự tối ưu hóa lại tăng lên rõ rệt. Ủng hộ.

  2. Một đề xuất rất tốt lẽ ra phải được áp dụng (thứ nhất nó không bị kìm hãm mà nó sẽ giúp cho TPHCM có một đà phát triển song song là giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, vừa đảm bảo tính công bằng). TP nên có bước đột phá. Tôi rất ủng hộ đề xuất này.

  3. Gom quận 8, quận 7, Nhà Bè, một nửa Bình Chánh “An Phú Tây, Hưng Long, Quy Đức, Đa Phước, Phong Phú” lên thành phố quá tuyệt. Còn về cần tập trung phát triển những lĩnh vực mới như vi mạch, điện tử, chip, bán dẫn, những ngành công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tôi thấy mơ hồ quá!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới