(KTSG Online) - Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân cho biết, Tổng cục thuế đề xuất bổ sung quy định sàn thương mại điện tử (TMĐT) tăng cường trách nhiệm, tự nguyện kê khai và nộp thuế thay cho người bán.
- Ngành hàng làm đẹp, chăm sóc cá nhân trên TMĐT tăng trưởng mạnh
- Nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế qua TMĐT hơn 4.000 tỉ đồng
Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết đề xuất trên sẽ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính cho những người bán hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, nhằm đảm bảo công bằng và minh bạch trong hoạt động thương mại điện tử, TTXVN đưa tin.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người bán hàng trên sàn TMĐT, Tổng cục Thuế sẽ cho ra mắt Cổng thông tin điện tử, đồng thời ban hành "Thư ngỏ" và cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết, giúp người nộp thuế dễ dàng thực hiện các nghĩa vụ thuế của mình.
Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ tiên phong áp dụng AI để phân tích dữ liệu lớn, từ đó xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với các hoạt động thương mại điện tử, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp gian lận thuế.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối các cơ sở dữ liệu lớn, đặc biệt là cơ sở dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an.
Việc liên kết các cơ sở dữ liệu này sẽ tạo ra một hệ sinh thái dữ liệu thống nhất, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo Bộ Công thương, trong 5 năm qua, TMĐT tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ấn tượng 20-25%/năm. Sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao doanh thu thuế từ hoạt động này, dự kiến sẽ vượt mốc 100.000 tỉ đồng trong năm nay.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính đề xuất, cần sớm hoàn thiện chính sách thuế để chống thất thu thuế TMĐT.
Ông đã chỉ ra một thực tế đáng lo ngại rằng Việt Nam đang thất thu lớn từ các "ông lớn" công nghệ như Google, Facebook, YouTube. Mặc dù doanh thu của các nền tảng này tại Việt Nam rất lớn, số thuế nộp lại quá khiêm tốn so với quy mô hoạt động.
"Thống kê 6 tháng đầu năm, mỗi tháng có từ khoảng 1,3-1,9 tỉ đô la Mỹ hàng hóa qua biên giới không phải đóng thuế. Bình quân một ngày có khoảng 50 triệu đô la Mỹ vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng được 'miễn' thuế. Như vậy. cơ chế chính sách đang không phù hợp", chuyên gia này nhận định.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, mục tiêu cuối cùng của việc thay đổi chính sách thuế là đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Việc thu đủ thuế sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, đầu tư vào các lĩnh vực phúc lợi xã hội.