(KTSG Online) - Cán bộ Công đoàn ở các tỉnh thành đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ lao động đang chịu ảnh hưởng từ việc sụt giảm đơn hàng, cắt giảm lao động của các doanh nghiệp.
- Đề xuất nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động vùng Đông Nam bộ
- Doanh nghiệp giữa cơn bão cắt giảm lao động hàng loạt
Theo Baochinhphu.vn, các giải pháp này được nêu ra tại tọa đàm về thực trạng thiếu đơn hàng của doanh nghiệp và giải pháp việc làm cho người lao động do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức vừa qua.
Cụ thể, các đề xuất tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng; giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp; kiềm chế lạm phát tăng cao; xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động; thực hiện đúng phương án trả lương, trả thưởng tết; hỗ trợ về nhà ở, thuê trọ cho lao động bị mất việc, giảm giờ làm.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục có chính sách đào tạo và tái đào tạo cho người lao động; nâng cao trình độ, tay nghề để sử dụng lao động vào các công việc phù hợp, chuẩn bị nguồn nhân lực cho thời gian tới; kết nối, mở rộng thị trường xuất khẩu; dự báo kịp thời các vấn đề kinh tế, đối ngoại.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nắm tình hình doanh nghiệp, công nhân, lao động, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh thành trong việc thực hiện hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Các cấp công đoàn cũng đang thực hiện các chương trình chăm lo dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đối với đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp.
Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tính đến ngày 1-12, có 1.235 doanh nghiệp thuộc 44 tỉnh, thành phố phải cắt giảm lao động. Trong đó, hơn 430.660 lao động bị giảm giờ làm và hơn 41.550 lao động bị thôi việc, mất việc.
Cơ quan này cho biết thêm, từ nay đến quí 2-2023, các doanh nghiệp sẽ còn gặp khó khăn khi đơn hàng bị sụt giảm, đồng thời, nhiều lao động thất nghiệp hoặc phải giảm giờ làm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống.