(KTSG Online) - Cục Đường thủy nội địa vừa đề xuất lựa chọn lập tuyến vận tải container đường thủy kiểu mẫu phía Bắc từ cảng biển Hải Phòng đến ICD Tân Cảng Quế Võ (Bắc Ninh) - trung tâm logistics lớn của khu vực.
Theo đó, tuyến vận tải container đường thủy này sẽ có lộ trình: Cảng Lạch Huyện - kênh Cái Tráp - sông Cấm - sông Hàn - sông Kinh Thầy - sông Thái Bình - sông Đuống - ICD (Inland Container Depot - cảng cạn/cảng khô/cảng nội địa) Quế Võ. Tổng chiều dài tuyến vận tải là 115 km, tuyến luồng cấp I và II.
Tuyến vận tải thủy nội địa này được đề xuất do nhu cầu thực tế vận tải container từ Hải Phòng đến Bắc Ninh và các tỉnh lân cận rất lớn.
Năm 2021, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực phía Bắc đạt hơn 4 triệu TEU (đơn vị tương đương một container tiêu chuẩn 20 feet), tăng 12% so với năm 2020, riêng khu vực Bắc Ninh - Bắc Giang - Thái Nguyên chiếm tới 40%.
Đây là thị trường đầy tiềm năng cho ngành logistics phát triển, trong đó tuyến vận tải từ cảng biển Hải Phòng về Bắc Ninh và các tỉnh lân cận là tuyến huyết mạch.
Mặt khác, ICD Quế Võ (Bắc Ninh) định hướng trở thành trung tâm logistics lớn tại phía Bắc, là cảng đích, điểm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.
Dự kiến, sản lượng container thông qua trong 5 năm tới tăng trưởng cao. Năm 2022 đạt khoảng 37.000 container các loại, tương đương khoảng 52.000 TEU. Đến năm 2027, con số này sẽ lên đến khoảng 500.000 container, tương đương khoảng 700.000 TEU.
Trên cơ sở đó, Cục Đường thủy nội địa đã đề xuất lựa chọn tuyến mẫu đầu tiên từ khu vực cảng biển Hải Phòng đến các ICD nằm sâu trong nội địa.
Mục tiêu tuyến vận tải container bằng đường thủy nội địa kiểu mẫu Hải Phòng - Bắc Ninh đề ra là đến năm 2023 hoàn thành việc triển khai các giải pháp về thể chế, cải cách thủ tục hành chính trên tuyến mẫu. Rút ngắn thời gian vận tải trên tuyến đạt 5%, giảm chi phí vận tải cho mỗi container khoảng 5%.
Đến năm 2027, hoàn thành các nhiệm vụ phương án đối với tuyến mẫu, bao gồm nhóm giải pháp về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, thị trường dịch vụ. Rút ngắn thời gian vận tải trên tuyến đạt 10%, giảm chi phí vận tải cho mỗi container ít nhất 10%.
Việc hình thành tuyến vận tải thủy nội địa kiểu mẫu giúp dễ dàng vận hành, khai thác phương tiện vận tải; rút gọn tối đa về thủ tục hành chính; giảm số lần kiểm tra của cơ quan chức năng, từ đó giảm chi phí, thời gian vận chuyển, chờ đợi...
Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa đánh giá, đi đường thủy, chi phí vận tải chỉ bằng 1/3 đường bộ. Cụ thể, nếu đi đường thủy, chủ hàng chỉ phải chi khoảng 700.000 - 1.300.000 đồng/container, trong khi đó nếu vận tải bằng đường bộ sẽ mất khoảng 2.500.000 - 4.000.000 đồng/container.
Theo Cục Đường thủy nội địa, trên cơ sở triển khai tuyến vận tải thủy nội địa kiểu mẫu sẽ nhân rộng ra các tuyến vận tải thủy nội địa chính trên toàn quốc.
Trước đó, năm 2017, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã mở dịch vụ vận tải container đường thủy bằng sà lan theo hình thức vận chuyển container rỗng từ Hải Phòng đến cảng Hải Linh (Việt Trì, Phú Thọ) với tần suất từ 2-3 sà lan/tuần và đã cho thấy những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, do sà lan trên tuyến này phải đi qua khu vực cầu Đuống, cây cầu nằm ở vị trí mặt cắt bị thu hẹp, tim nằm chéo so với hướng dòng chảy nên vào mùa mưa lũ (từ tháng 7 đến tháng 8), độ chênh mực nước giữa thượng lưu và hạ lưu lớn gây khó khăn cho tàu thuyền đi lại.
Vào mùa mưa lũ, mực nước dâng cao, tĩnh không cầu Đuống chỉ đảm bảo trong khoảng 5,5 m. Trong khi đó, chiều từ Việt Trì - Hải Phòng, do vận chuyển hàng nặng, chiều cao tĩnh không cầu thấp nhất phải từ 6,5 m, sà lan chuyên chở mới lưu thông an toàn. Những nguyên nhân đó khiến tuyến vận tải container Hải Phòng - Việt Trì chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Năm 2019, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đề xuất mở tuyến vận tải thủy Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến này từ cảng Hà Nội qua sông Hồng, sông Đuống, sông Kinh Thầy, sông Cấm đến khu vực cảng Hải Phòng với chiều dài khoảng 150 km.
Theo TTXVN