(KTSG Online) - Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 11-2023, đều có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Tuy nhiên, theo dự thảo Nghị quyết vừa được Bộ Tư pháp công bố, Chính phủ đề xuất cho phép hai luật này có hiệu lực sớm 6 tháng.
- Nhiều điểm mới trong Luật Kinh doanh bất động sản vừa được thông qua
- Tác động của Luật Nhà ở 2023 đến hoạt động đầu tư dự án nhà ở thương mại
TTXVN đưa tin, chiều 2-5, Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, sớm hơn 6 tháng so với hiệu lực mà Quốc hội đã thông qua cuối năm ngoái.
Trước đó, đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, bảo đảm đủ điều kiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành sớm 3 luật này.
Luật Nhà ở 2023 bổ sung nhiều chính sách mới, mang tính đột phá như quy định chế độ thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; bổ sung cụ thể điều kiện để cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản; phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản cũng có nhiều nội dung mới mang tính đột phá nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương, thiết lập công cụ kiểm soát quản lý thị trường bất động sản.
Việc hai luật này có hiệu lực sớm 6 tháng nhằm bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Đất đai 2024 cũng đang trình Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho phép có hiệu lực từ 1-7.