Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất mô hình chính quyền địa phương cấp vùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề xuất mô hình chính quyền địa phương cấp vùng

Quang Chung

(TBKTSG Online) - Xây dựng mô hình chính quyền địa phương cấp vùng là ý tưởng của tiến sĩ Võ Trí Hảo, Khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế TPHCM, nêu ra tại hội thảo chuyên đề về chính quyền địa phương (nhằm góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992) do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 13-3 tại TPHCM.

Theo ông Hảo, thời gian gần đây xuất hiện tượng “phá rào” của một số tỉnh như Đà Nẵng, Nghệ An… trong cải cách thể chế. Có thể thấy, sự “phá rào” thể hiện tính năng động và đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội nhưng đều bị trung ương “thổi còi” vì phạm luật. Điều đó chứng tỏ rằng “chiếc áo pháp lý” mà trung ương may cho địa phương đã quá chật…

Vì vậy, sửa đổi Hiến pháp lần này, theo ông Trí, cần phân quyền, trao quyền lập quy một cách rõ ràng cho chính quyền địa phương. Nhưng phân quyền như thế nào để chính quyền địa phương không “tự do may áo” – lạm quyền? Ông Trí đề xuất xây dựng mô hình chính quyền địa phương cấp vùng theo địa phận như các quân khu để tháo gỡ các bất cập trong mô hình chính quyền địa phương các tỉnh, thành hiện nay.

Theo đó, chính quyền cấp vùng chỉ có Hội đồng nhân dân. Cơ quan này đảm nhận việc giúp Quốc hội xây dựng pháp luật - tránh tình trạng Quốc hội ủy quyền cho cơ quan hành pháp (Chính phủ) xây dựng pháp luật - và giám sát việc thực thi pháp luật trong vùng. “Vì gần gũi với các tỉnh, thành địa phương nên hội đồng cấp vùng sẽ xây dựng luật sát với thực tiễn, và sửa đổi luật một cách linh hoạt hơn”, ông Trí nói.

Hơn nữa, hiện nay, việc giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành trực thuộc trung ương không hiệu quả (đa số đại biểu hội đồng nhân dân là cấp dưới của lãnh đạo Ủy ban nhân dân). Nhưng nếu có Hội đồng nhân dân cấp vùng giám sát Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn, theo ông Trí.

Trước khi ông Hảo đề xuất ý tưởng trên, tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã nhận xét rằng quy định về chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không khác gì với quy định hiện tại, trong khi việc xây dựng một mô hình chính quyền địa phương phù hợp với thời kỳ mới là hết sứ bức bách. Trong đó, câu chuyện phân quyền cụ thể, rõ ràng cho từng cấp (tỉnh, huyện, xã) để tránh cơ chế xã xin huyện, huyện xin tỉnh như hiện nay được nhiều đại biểu đặt yêu cầu.

Ngoài ra, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM cũng cho rằng việc thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân cấp huyện, phường đã cho thấy hiệu quả nhưng không thấy đưa vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi; chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị rất khác biệt đang được đánh đồng trong quản lý (bất cập) nhưng chưa thấy dự thảo sửa đổi Hiến pháp mở lối cho việc xây dựng chính quyền đô thị…

Ngày 14-3, hội thảo tiếp tục thảo luận chuyên đề về các điều khoản cụ thể của Hiến pháp về Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới