(KTSG Online) - Tại dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất mở rộng đối tượng được thành lập doanh nghiệp, cho phép viên chức là nhà khoa học được tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm khoa học.
- Thách thức trong việc giải quyết triệt để hành vi giả mạo thành lập doanh nghiệp
- Chính phủ yên cầu kiểm soát việc thành lập doanh nghiệp để tránh trốn thuế, lừa đảo

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau bốn năm có hiệu lực, Luật doanh nghiệp năm 2020 đã góp phần tích cực trong việc tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút nguồn lực đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, TTXVN đưa tin.
Tuy nhiên, quá trình thực thi theo thời gian bộc lộ một số hạn chế khi quy định về gia nhập thị trường và công tác quản lý nhà nước không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, Luật doanh nghiệp cần được sửa đổi, bổ sung để góp phần xây dựng và cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh.
Theo đó, tại dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất mở rộng đối tượng được thành lập doanh nghiệp, cho phép viên chức là các nhà khoa học được tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm khoa học được nghiên cứu, tăng khả năng thúc đẩy thương mại hóa, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng việc bổ sung quy định mới này sẽ tạo dư địa tốt hơn cho các đối tượng được tham gia hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, để xử lý một số vấn đề tiêu cực phát sinh trong thực tiễn như tình trạng góp vốn khống, tăng vốn ảo, thành lập doanh nghiệp không vì mục đích kinh doanh như đăng ký…, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung chế tài xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm quy định về đăng ký doanh nghiệp.
Tại Dự thảo Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất bổ sung quy định về tăng cường giám sát, kiểm tra, chế tài xử lý cụ thể đối với các doanh nghiệp này. Cụ thể là bổ sung thành phần hồ sơ bao gồm giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng vốn, thành viên góp vốn, cổ đông bảo đảm khả năng chi trả và góp đủ số vốn chuyển nhượng, đăng ký nhằm hạn chế tình trạng vốn ảo, đăng ký khống vốn điều lệ, thành lập doanh nghiệp ma hoặc tình trạng “núp bóng” tham gia góp vốn, mua cổ phần chi phối doanh nghiệp nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…
Tiến sĩ Minh Thảo cho rằng, việc bổ sung, tăng cường chế tài xử lý vi phạm về đăng ký doanh nghiệp là cần thiết. Việc tăng nặng chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động này là xác đáng, giúp hoạt động đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định, thực hiện đúng cam kết của doanh nghiệp khi gia nhập thị trường.